Ám ảnh cơn khát

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mùa hạn mặn năm trước, tôi có dịp cùng một đơn vị từ TPHCM đem nước ngọt và máy lọc nước tặng bà con nhiều địa phương ven biển thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre…

Đây là những nơi có mức độ khô hạn và độ xâm nhập mặn cao nên thiếu nước ngọt trầm trọng. Nhiều nơi, chính quyền hoặc doanh nghiệp tổ chức vận chuyển nước về phục vụ bà con, dù có phí hay không thì nước cũng rất hạn chế. Để có đủ nước ngọt sinh hoạt ở mức tối thiểu, nhiều người phải cất công đi rất xa kiếm từng can đem về và cũng chỉ dám dùng để ăn uống. Vì vậy, khi được ai đó hỗ trợ nước ngọt trong những lúc này, với bà con, đó là niềm hạnh phúc vô cùng lớn.

Cũng vì thiếu nước ngọt, đa phần người dân đã phải nhịn tắm giặt trong nhiều ngày. Tôi vẫn không quên được ánh mắt đau khổ và đôi bàn tay gầy guộc của một cụ bà ở Gò Công (Tiền Giang) run run chìa về phía mặt mình. Bà nói: “Nhiều ngày rồi không tắm giặt nên người sinh đau bịnh dữ quá chú ơi!”.

Mỗi khi đến mùa hạn mặn, người dân các tỉnh duyên hải Đồng bằng sông Cửu Long lại gồng mình chống chọi với cơn khát nước ngọt. Nhưng đâu chỉ có đồng bằng, nhiều vùng đất khác cũng trong cơn khát tương tự. Người khát, ruộng đồng, nương rẫy, cây cối… cũng tận cùng cơn khát nên hoa màu xác xơ, tiêu điều.

Biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi ngày càng cực đoan… là lý do thường được đưa ra để lý giải cho sự khô hạn. Song, bên cạnh thiên tai, nhân tai cũng chiếm một phần lớn gây ra thảm họa này, nhất là khi núi rừng bị cạo trọc, các thảm thực vật bị tận diệt, lấy đâu nơi để sinh ra nguồn nước hoặc trữ nước.

Tưởng chừng chuyện khát nước chỉ có ở vùng miền xa xôi, ngay cả giữa trung tâm TPHCM, người dân cũng khát nước, theo một cách rất… nhân tai. Đêm 3/4 vừa rồi, hàng nghìn hộ dân tại chung cư Ehome S Phú Hữu ở Thủ Đức đã phải thức trắng đêm xếp hàng lấy nước.

Nguyên nhân là đơn vị cấp nước sửa chữa đường ống và đã trễ hẹn tái cấp nước cả ngày trời. Khi người dân vượt quá sức chịu đựng, chủ đầu tư mới dùng xe bồn đưa nước đến, nhưng cũng chỉ ở mức nhỏ giọt. Đến chiều hôm qua (4/4) người dân chung cư mới được cấp nước trở lại nhưng áp lực nước yếu vì được cho là nằm ở cuối nguồn nước.

Ngoài chung cư Ehome S Phú Hữu, những ngày qua, người dân ở nhiều khu vực khác trong thành phố cũng phản ánh tình trạng nước yếu, hoặc bị cúp đột ngột, không theo kế hoạch nên gặp rất nhiều trở ngại trong sinh hoạt, nhất là khi thời tiết đang ở cao điểm nắng nóng. Chưa kể, ở nhiều khu vực có dự án quy hoạch treo, người dân vẫn quanh năm suốt tháng trong cơn khát nước sạch, bán đảo Thanh Đa là một trong số đó.

Ở một thành phố lớn, hiện đại nhất nước như TPHCM nhưng người dân đâu đó vẫn chật vật hoặc nơm nớp lo sợ không có nước sạch thì quả là điều rất ám ảnh. Dù đó chỉ là sự cố, nhưng cũng cho thấy năng lực tổ chức và xử lý của các đơn vị, cá nhân liên quan còn nhiều hạn chế, yếu kém.

MỚI - NÓNG