Sáng 26/12, Kỳ họp thứ 20 (Kỳ họp cuối năm) HĐND tỉnh Kiên Giang khoá X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chất vấn Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, đại biểu Đoàn Ngọc Anh nêu tình trạng thiếu cát san lấp trên địa bàn tỉnh diễn ra trầm trọng, giá cả tăng, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án giao thông. Trước vấn đề trên, Sở GTVT có những giải pháp gì?
Ngoài ra, một số đại biểu phản ánh tình trạng người dân tự ý tháo dỡ rào chắn, thả rông gia súc; đặc biệt là xe máy chạy ngược chiều vào cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, gây bức xúc dư luận.
Ông Lê Việt Bắc – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang trả lời chất vấn. |
Trả lời vấn đề trên, ông Lê Việt Bắc – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kiên Giang, thừa nhận có tình trạng thiếu cát san lấp mặt bằng trong công trình xây dựng. Đây là khó khăn chung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là với các dự án giao thông, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia, như: Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Cà Mau…
Theo ông Bắc, trước thực tế trên, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác đánh giá nhu cầu, đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ các dự án.
Ông Bắc cho biết, nhu cầu cát san lấp mặt bằng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh khoảng 1,7 triệu m3. Trong đó, hai dự án trọng điểm về giao thông của tỉnh cần khoảng 1,2 triệu m3 (Dự án đường 3 tháng 2 qua địa bàn TP. Rạch Giá - Châu Thành cần khoảng 300.000m3 và dự án đường ven biển Hòn Đất – Kiên Lương cần khoảng 900.000 m3).
Giám đốc Sở GTVT Kiên Giang cho biết, nguồn cung ứng cát cho các dự án nói trên phụ thuộc hoàn toàn vào các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long. Thời gian qua, sở đã phối hợp với các đơn vị thi công trực tiếp làm việc với những doanh nghiệp cung ứng tại An Giang, Đồng Tháp và được hỗ trợ cung ứng khoảng 2.000m3/ngày (từ đầu tháng 12/2023 đến nay) nhưng vẫn không đáp ứng đủ.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Nhật Huy. |
“Để tháo gỡ khó khăn này, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh thực hiện một số giải pháp, như: Tiếp tục phối hợp với các đơn vị đàm phán với các doanh nghiệp cung ứng hiện tại nâng lên khối lượng cung ứng; thực hiện đa dạng nguồn cung, thông qua đàm phán với các doanh nghiệp cung ứng khác hay nhập cát từ nước bạn Campuchia”, ông Bắc nói và cho biết thêm, hiện nay, Bộ GTVT đang thí điểm thực hiện san lấp mặt bằng đối với công trình giao thông bằng cát biển.
Ngày 25/12, tại Sóc Trăng, Bộ GTVT phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức buổi lễ bàn giao một số kết quả Dự án đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL.
Sau khi quy chuẩn sử dụng cát biển trong san lấp mặt bằng đối với công trình giao thông được công bố, Sở GTVT sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức khảo sát đánh giá trữ lượng, tiêu chuẩn phù hợp để khai thác, cung ứng cho các công trình trên địa bàn. Đồng thời, khảo sát đánh giá trữ lượng, sự phù hợp quy chuẩn đối với cát, sỏi tại các luồng ra vào cảng, các cửa sông để tận dụng khi nạo vét luồng, phục vụ cho việc san lấp mặt bằng các công trình giao thông, nhất là các công trình giao thông ven biển.
Đối với tình trạng người dân tháo dỡ rào chắn, thả rông gia súc và người dân tự ý chạy xe máy ngược chiều vào cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi gây mất an toàn giao thông, theo ông Bắc, sắp tới, Sở GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
“Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận – Bộ GTVT dự kiến khởi công nâng cấp đạt chuẩn cao tốc tuyến đường này trong quý 1/2024 và hoàn thành trong năm. Sở GTVT sẽ phối hợp đề nghị lắp đặt hệ thống camera giám sát, trong đó có giám sát về trật tự an toàn giao thông, xử lý vi phạm”, ông Bắc thông tin thêm.