Cao tốc Bắc - Nam: Lại lo thiếu đất, cát

TP - Câu chuyện thiếu đất, cát san lấp nền làm chậm tiến độ các dự án giao thông diễn ra từ năm 2020 tới nay. Các vướng mắc này kéo dài nhiều năm, chưa được xử lý dứt điểm.

Lụt tiến độ vì đất

Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thêm một lần trễ hẹn, không kịp khánh thành dịp 30/4 này, dự kiến phải lùi tới 19/5 mới xong. Đây là lần thứ 2 đoạn cao tốc này trễ hẹn, sau khi không thể đưa vào sử dụng cuối năm 2022 theo tiến độ ban đầu. Ngay đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây dù kịp hoàn thành để đưa vào sử dụng từ ngày 29/4, nhưng cũng chậm 4 tháng so với kế hoạch ban đầu. Một trong những nguyên nhân chính khiến các tuyến cao tốc trên chậm tiến độ do thiếu đất đắp nền đường, đã được nói tới rất nhiều lần thời gian qua, điều tưởng như không thể xảy ra với đất nước có 3/4 diện tích đồi núi. Thực tế, đất không thiếu, nhưng để xong thủ tục khai thác lại không dễ, khi theo quy định hiện hành, để cấp phép khai thác 1 mỏ đất mất hơn 1 năm, kể cả có cơ chế đặc thù như cao tốc Bắc - Nam, nếu thuận lợi cũng hơn 6 tháng.

Cao tốc Bắc - Nam: Lại lo thiếu đất, cát ảnh 1

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết trễ hẹn hoàn thành dịp 30/4 do thiếu đất phục vụ thi công. Ảnh: PN-DQ

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khởi công tháng 9/2021. Trong năm đầu tiên, tiến độ thi công đạt rất thấp do nhà thầu thiếu đất đắp nền đường vì việc cấp phép mỏ đất kéo dài. Phải tới tháng 7/2022, cấp phép khai thác mỏ đất cho dự án này mới được giải quyết cơ bản.. Tới giai đoạn nước rút (từ giữa tháng 12/2022 tới đầu tháng 4/2023), nhà thầu thực hiện cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết phải thi công cầm chừng do không có đất san nền vì giấy phép khai thác vướng thủ tục gia hạn. Thậm chí, để đủ đất ưu tiên cho hoàn thành tuyến cao tốc chính, nhà thầu phải bóc đất nền đã san lấp phần đường dân sinh chuyển cho thi công tuyến chính. Để giải quyết vướng mắc tại dự án này, Chính phủ phải có tới 2 nghị quyết tháo gỡ, địa phương mới gia hạn được giấy phép khai thác từ đầu tháng 4 tới nay, nhà thầu mới có đủ nguồn đất để thi công đường gom, cầu vượt.

Thông tin từ Bộ GTVT cho thấy, tới nay, với 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, các địa phương đã bàn giao mặt bằng sạch đạt 80% diện tích. Tuy nhiên, một số đoạn mặt bằng bàn giao không liền mạch, bị “xôi đỗ”, hoặc chưa có đường tiếp cận công trường, nên chưa thể thi công; phần diện tích chưa giải phóng mặt bằng chủ yếu đất ở, đường điện cao thế, cáp viễn thông… dự kiến sẽ phức tạp trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Nguy cơ thiếu đất, cát phục vụ san nền cũng bắt đầu hiện hữu ở các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2). Bộ GTVT tính toán, tổng nhu cầu vật liệu đắp nền khoảng 9 triệu m3 cát tại 103 mỏ, hơn 45 triệu m3 đất đắp nền tại 89 mỏ. Tuy nhiên, theo công suất trên giấy phép đang khai thác, tổng khối lượng đất, cát chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án cao tốc, chưa kể nhu cầu phục vụ xây dựng tại địa phương.

Bộ TN&MT đã hướng dẫn các địa phương về thủ tục cấp phép, nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu để phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GTVT, quá trình triển khai của các địa phương còn lúng túng, chưa thật sự quyết liệt trong việc cấp phép, giao mỏ cho nhà thầu khai thác phục vụ dự án theo chỉ đạo của Chính phủ. Đây là điểm nghẽn trong công tác khai thác vật liệu xây dựng phục vụ các dự án cao tốc.

Đồng bằng sông Cửu Long thiếu cát

Đáng ngại nhất, theo lãnh đạo Bộ GTVT, là nguồn cát san nền phục vụ các dự án cao tốc qua khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng nhu cầu cát phục vụ các dự án cao tốc đang triển khai ở khu vực này lên tới hơn 53 triệu m3, tập trung các năm 2023-2025, trong đó riêng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam qua khu vực cần hơn 18 triệu m3 (nối Cần Thơ - Cà Mau). Hiện có 24 mỏ cát đáp ứng chất lượng tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, công suất khoảng 8 triệu m3/năm. Tuy nhiên, trữ lượng khai thác còn lại của các mỏ cát này nếu dùng hết cho cao tốc Bắc - Nam vẫn không đủ.

Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các địa phương đảm bảo nguồn cát phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, tới nay các địa phương mới cam kết cung cấp được khoảng 3 triệu m3 (trong khi cần hơn 18 triệu m3). Trong đó, An Giang cam kết cung cấp 1,1 triệu m3, Đồng Tháp cam kết 1,9 triệu m3, Vĩnh Long đang rà soát, thăm dò mỏ mới.

Đại diện Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn (nhà thầu thi công đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang) cho biết, để dự án đạt tiến độ theo hợp đồng, giải quyết nguồn cung vật liệu cát là yêu cầu số một. Ngay khi được chọn làm nhà thầu thi công dự án, nhà thầu này đã cùng chủ đầu tư làm việc với các địa phương dự án đi qua. Cơ bản trữ lượng tại các mỏ trong quy hoạch và đang khai thác đảm bảo đủ nhu cầu dự án, nhưng trữ lượng cát tại các mỏ đã được cấp phép, công suất khai thác theo giấy phép không đủ nhu cầu. “Nhu cầu cát phục vụ thi công rất lớn, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải chia sẻ, quan tâm mới hoàn thành được dự án. Để phục vụ nhu cầu cát cho thi công giai đoạn trước mắt khi chờ được cấp phép khai thác mỏ mới, nhà thầu tạm thời mua cát từ các mỏ đang khai thác”, đại diện nhà thầu Trường Sơn nói.

Trong khi đó, việc sử dụng cát biển thay thế cát sông cho san lấp nền đường đang giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm, thi công thử. Dự kiến sẽ làm 1km sử dụng cát biển cho nền móng đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Nhanh nhất, cuối năm nay mới có báo cáo đánh giá, khi đó mới có thể xác định được khả năng sử dụng cát biển thay cát sông san lấp các dự án.

Để đảm bảo nguồn cung cát phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam và cao tốc khác qua Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ TN&MT đã đề nghị các địa phương trong khu vực cung cấp số liệu về nguồn cung cát trên địa bàn để tổng hợp, điều phối đáp ứng tiến độ triển khai các dự án cao tốc. Trong khi đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao các địa phương phải cung ứng nguồn cát cho dự án cao tốc Bắc - Nam, trong đó An Giang và Đồng Tháp mỗi địa phương bố trí hơn 6,5 triệu m3, Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3.

Tin liên quan