Ngày 26/6, ông Phan Minh Trí – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng (Ban QLDA Đầu tư Xây dựng) TP. Cần Thơ có báo cáo về tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố.
Theo đó, Dự án thành phần 2 (Cần Thơ) có chiều dài 37 km, điểm đầu tại Km 57+200 thuộc địa bàn xã Thành Quới, huyện Vĩnh Thạnh (khớp nối dự án thành phần 1) và điểm cuối tại Km 94+615 thuộc địa bàn xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ, với tổng mức đầu tư hơn 9.700 tỷ đồng, dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp.
Ông Phan Minh Trí – Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng TP. Cần Thơ. Ảnh: Nhật Huy. |
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Dự án đi qua địa bàn 3 huyện: Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 979 trường hợp.
"Đến nay, 3 huyện này hoàn thành công tác kiểm kê, đạt 100%. Hiện đã thu hồi đất 128/240 ha, đạt 53% diện tích. Các địa phương cam kết bàn giao 70% mặt bằng để khởi công dự án trước ngày 30/6 theo Nghị quyết 91 của Chính phủ", ông Trí thông tin.
Về công tác quản lý vốn và giải ngân vốn, ông Trí cho biết kế hoạch vốn năm 2023 là 1.837 tỷ đồng (837 tỷ vốn chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, 1.000 tỷ vốn ngân sách địa phương), đến nay giải ngân được 337,673 tỷ đồng, đạt 18,38% kế hoạch vốn được giao.
Ông Trí cho biết thêm khó khăn, vướng mắc hiện nay là tình hình nguyên vật liệu khan hiếm, nhất là nguồn cát san lấp. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban QLDA Đầu tư Xây dựng rà soát, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Cần Thơ. Trên cơ sở đó, UBND TP. Cần Thơ đã có công văn gửi 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp hỗ trợ nguồn vật liệu cho dự án.
Ngày 9/2, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang đã làm việc với lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ, Hậu Giang trao đổi về việc dự kiến giao 2 mỏ cát cho địa phương này. Đến nay, Cần Thơ chưa nhận các ý kiến từ tỉnh An Giang để triển khai thủ tục nên làm ảnh hưởng đến giá vật liệu san lấp trong công tác lập dự toán xây dựng công trình.
Do đó, Ban QLDA Đầu tư Xây dựng TP. Cần Thơ đề nghị UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác mỏ cát trực tiếp cho nhà thầu thi công xây lắp sử dụng, phục vụ cho dự án theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng gặp khó do khan hiếm cát san lấp. Ảnh: Nhật Huy. |
Ngày 17/6, phát biểu tại lễ khởi công dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Đại tá Vũ Phúc Hậu – Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn dự báo nguồn cát đắp nền đường sử dụng trong 3 năm tới là vô cùng lớn, không chỉ cho đoạn Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng mà còn cho cả dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Do vậy, rất mong chính quyền địa phương có nguồn cát, xem xét, hỗ trợ có đủ nguồn vật liệu để triển khai dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, công việc tiếp theo của dự án còn rất nặng nề, nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường rất lớn (gần 30 triệu m3), các địa phương cần chủ động có kế hoạch khai thác, cung cấp đủ nguồn vật liệu theo tiến độ thi công của dự án. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc vật liệu để đảm bảo chất lượng, quản lý chặt chẽ giá vật liệu, kiên quyết không để xảy ra các hiện tượng đầu cơ, nâng giá, ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng công trình...
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, kết nối từ Châu Đốc (tỉnh An Giang) đến cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), quy mô hoàn thiện 6 làn xe, quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần (DATP) và giao UBND các tỉnh, thành phố làm cơ quan chủ quản triển khai đầu tư, gồm tỉnh An Giang DATP1 dài hơn 57km, TP. Cần Thơ DATP2 dài hơn 37 km, tỉnh Hậu Giang DATP3 dài gần 37 km và tỉnh Sóc Trăng DATP4 dài gần 57 km.