Từ việc nhà Toán học xin rút khỏi Quỹ Nafosted:

'Vùng xám' trong nghiên cứu khoa học

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những kẽ hở trong quy định đã tạo cơ hội cho nhiều người vi phạm liêm chính khoa học, chân ngoài dài hơn chân trong khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.

Mới đây, Quỹ phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) nhận được đơn xin rút khỏi quỹ của PGS.TS Đinh Công Hướng, thành viên hội đồng khoa học ngành Toán. Lý do ông Hướng xin rút vì liên quan đến liêm chính khoa học. Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi ông Hướng có đơn xin rút khỏi hội đồng khoa học ngành Toán, Quỹ Nafosted, Hội đồng ngành Toán của Quỹ đã nhận được báo cáo vi phạm liêm chính khoa học của ông.

Ông Hướng về công tác tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM từ tháng 3 vừa qua. Trước đó, ông là giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Quy Nhơn. Theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu Google scholar, PGS Đinh Công Hướng có trên 80 bài báo khoa học công bố quốc tế từ năm 2004. Còn theo thống kê từ cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành Toán của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ, ông Hướng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học. Trong số này có 13 công trình ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, 4 công trình ghi địa chỉ Trường ĐH Thủ Dầu Một.

Mánh tăng xếp hạng

Câu chuyện chân ngoài dài hơn chân trong ở giới nghiên cứu khoa học không mới. Trong danh sách ứng viên PGS ngành Toán năm nay có một ứng viên có tới 15/70 bài báo khoa học công bố quốc tế chỉ ghi duy nhất địa chỉ là Trung tâm TIMAS (Viện Toán học và Khoa học ứng dụng), Trường ĐH Thăng Long. Trong khi đó, ứng viên này lại là giảng viên cơ hữu của trường ĐH khác. Ngoài ra, có một số ứng viên khác từ những năm trước ghi địa chỉ thứ hai tại trung tâm này. Chủ tịch Trung tâm TIMAS là GS.TS Hà Huy Khoái. Ông cũng là ủy viên của Hội đồng Giáo sư ngành Toán.

Các chuyên gia đặt câu hỏi mấu chốt của câu chuyện này là hình thức hợp tác của TIMAS và ghi địa chỉ TIMAS vào các bài báo có ổn không; hình thức này khác gì chuyện một số trường ĐH bị tố cáo mua bài báo khoa học vừa qua. Về mặt liêm chính, ghi nhiều địa chỉ là bình thường với điều kiện những địa chỉ đó là nơi mà nghiên cứu thực sự được tiến hành; đồng thời là nơi kiểm tra, điều tra, xử lý, bồi thường… khi phát sinh sự cố liên quan đến nghiên cứu. Về mặt luật pháp: việc ký hợp đồng với TIMAS phải được sự đồng ý của cơ quan chủ quản. Nếu nghiên cứu không tiến hành tại TIMAS, và TIMAS không có trách nhiệm với việc nghiên cứu mà ghi địa chỉ TIMAS thì đồng nghĩa với vi phạm liêm chính. Nếu ký hợp đồng bán cơ hữu với TIMAS mà không được sự đồng ý của cơ quan chủ quản thì chủ nhân của hoạt động nghiên cứu vi phạm luật lao động, luật viên chức. Nếu hình thức hợp tác của TIMAS vi phạm liêm chính thì việc GS Hà Huy Khoái là ủy viên Hội đồng GS ngành Toán, xét hồ sơ ứng viên GS, PGS của chính những ứng viên ký hợp đồng với TIMAS là mâu thuẫn lợi ích.

'Vùng xám' trong nghiên cứu khoa học ảnh 1

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Trường ĐH

Thú vị ở chỗ, 2 ứng viên GS ngành Toán năm nay trong một số bài báo khoa học có ghi địa chỉ thứ hai là TIMAS của Trường ĐH Thăng Long, bên cạnh địa chỉ là Viện Toán học Việt Nam.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, trong danh sách các nhà khoa học có ảnh hưởng thế giới năm 2023 vừa được Nhà xuất bản Elsevier công bố, có rất nhiều nhà khoa học người nước ngoài, không làm việc tại Việt Nam nhưng ghi địa chỉ một trường ĐH nào đó của Việt Nam. Ví dụ, trong top 300 nghìn nhà khoa học có ảnh hưởng, có tới 14 người nước ngoài ghi địa chỉ là một trường ĐH tại miền Trung của Việt Nam, 8 người ghi địa chỉ tại một trường ĐH tại miền Nam. Ngoài ra, một số trường khác có vài người. Điều đáng nói, phần lớn đây là trường ĐH ngoài công lập của Việt Nam.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng từng được dư luận đặc biệt quan tâm khi có số lượng bài báo quốc tế lớn và có mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế. Thống kê chung 6 năm gần đây cho thấy số lượng bài báo của trường này có xu hướng tăng dần trong các năm từ 2016 và đạt đỉnh vào năm 2020 với 2.634 bài báo.

Từ năm 2021, Viện Toán học Việt Nam đã có quy định về việc đi công tác nước ngoài và hợp tác với cơ quan ngoài. Theo đó, cán bộ nghiên cứu của Viện muốn hợp tác với cơ quan ngoài phải đảm bảo 2 điều kiện: được cấp quản lí cho phép và sản phẩm khoa học từ hoạt động hợp tác phải ghi địa chỉ của Viện.

Điều đáng chú ý là trong giai đoạn tăng trưởng nóng 2019-2020, trong số công bố quốc tế của trường, tác giả là người nước ngoài và cán bộ kiêm nhiệm là người trong nước rất cao, chiếm tới 70% tổng số công bố quốc tế của trường.

Tuy nhiên từ năm 2021 đến nay, số lượng bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế giảm mạnh. Số bài báo năm 2022 gần như quay về mức năm 2016. Năm học 2022 - 2023 trường này công bố 455 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế. So với năm 2020, số lượng bài báo công bố trên tạp chí quốc tế của Trường ĐH Tôn Đức Thắng năm 2022 chỉ bằng 1/6. Điều này liên quan đến việc thay đổi chính sách nghiên cứu khoa học của trường. Số liệu cho thấy năm 2019 trường có 63 nhóm nghiên cứu trọng điểm. Trong số này, 30 trưởng nhóm là các nhà khoa học ở nước ngoài. Tuy nhiên thông tin mới nhất cho thấy năm học 2022-2023 trường chỉ còn 27 nhóm nghiên cứu, với các trưởng nhóm phần lớn là giảng viên cơ hữu của trường.

Một chuyên gia rằng tình trạng này tuỳ theo cơ quan đương sự xử lý. Quốc tế có những trường hợp đuổi việc, bên ta cũng có nơi đuổi việc. Ngành Toán coi chuyện không ghi địa chỉ nơi tác giả công tác là vi phạm liêm chính, sẽ bị mất điểm và phiếu khi xét chức danh hay xét đề tài ở Quỹ Nafosted. Chính vì vậy mà chuyên gia này cũng không đồng tình với cách làm của TIMAS vì cho rằng đó là “vùng xám”.

MỚI - NÓNG