Đào tạo đại học: Cần giải bài toán đảm bảo chất lượng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước nhưng không phải cơ sở giáo dục đại học (ĐH) nào cũng đủ nguồn lực để đảm bảo được mục tiêu này. Lí do là bởi những tiêu chuẩn đối với đội ngũ giảng viên của các cơ sở này còn chưa đạt chuẩn.
Đào tạo đại học: Cần giải bài toán đảm bảo chất lượng ảnh 1

Trường ĐH Thái Bình được thành lập từ năm 2011 trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Bình. Năm 2023, trường này tuyển sinh 8 ngành là Tài chính Ngân hàng, Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Luật, Công nghệ thông tin, Công nghệ Kỹ thuật Điện - Điện tử, Công nghệ Kỹ thuật Cơ khí, Kinh tế với gần 800 chỉ tiêu.

Tại dự thảo đề án tuyển sinh ĐH 2023 (cho đến giờ, trên website của Trường ĐH Thái Bình không tìm thấy thông tin đề án tuyển sinh ĐH 2023 chính thức), Trường ĐH Thái Bình có 13 giảng viên làm việc toàn thời gian tại trường (có thể hiểu là giảng viên cơ hữu) có trình độ tiến sĩ (TS) và 3 TS là giảng viên thỉnh giảng. Ngành nhiều nhất có 3 giảng viên là TS, ngành ít nhất là 1.

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT quy định về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ ĐH đối với những ngành không đặc thù từ năm 2022 phải có ít nhất 5 TS là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy.

Điều đáng bàn ở đây là để dàn đều ngành nào cũng có giảng viên cơ hữu trình độ TS, Trường ĐH Thái Bình đã chia giảng viên cùng chuyên môn về các ngành khác nhau. Ví dụ cùng có chuyên môn là TS Quản lý kinh tế nhưng có giảng viên được trường khai báo là giảng dạy ở ngành Quản trị Kinh doanh, có giảng viên ở ngành Kế toán và có giảng viên ở ngành Kinh tế. Hoặc có TS chuyên môn về Lý luận Văn học, Quản lý giáo dục lại giảng dạy ở ngành Quản trị Kinh doanh.

Mới đây, Trường ĐH Văn Lang phải miễn nhiệm chức vụ Trưởng khoa Du lịch đối với ông Lê Minh Thành sau khi có sức ép từ dư luận, báo chí. Theo tìm hiểu, ông Thành được Trường SMC của Thụy Sĩ cấp bằng TS ngành Quản trị học vào năm 2017. Đây là chương trình đào tạo tiến sĩ theo hình thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp. Học trực tiếp thì tại Mỹ, một trong hai địa điểm đào tạo của Trường SMC (Mỹ và Thụy Sĩ). Từ tháng 8/2019, ông Thành chuyển công tác về Trường ĐH Văn Lang, giữ chức Trưởng khoa Du lịch.

Tuy nhiên, đến nay, bằng TS của ông Thành chưa được Bộ GD&ĐT công nhận. Về phía Bộ GD&ĐT cũng khẳng định ông Thành chưa làm hồ sơ hay trao đổi gì về đề nghị công nhận bằng TS do Trường SMC của Thụy Sĩ cấp. Trong khi đó, ông Thành không những được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Du lịch của Trường ĐH Văn Lang (trong khi quy định của Bộ GD&ĐT, Trưởng khoa phải là người có học vị TS) mà còn tham gia giảng dạy một số khóa đào tạo Thạc sĩ của trường này.

Trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã ban hành 94 quyết định xử phạt hành chính đối với các cơ sở giáo dục ĐH với các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo, duy trì điều kiện đã mở ngành.

Kết quả kiểm định chưa cao

Cũng liên quan đến Trường ĐH Văn Lang, tài liệu mà phóng viên có được, ngày 11/8, Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM đã có kết luận về thanh tra việc sử dụng lao động người nước ngoài làm việc tại trường. Theo kết luận này, Trường ĐH Văn Lang sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động đối với 9 người.

Từ kết quả kiểm tra, xác minh khi thanh tra, Thanh tra đã yêu cầu trường chấm dứt ngay hành vi vi phạm và lập biên bản vi phạm hành chính đối với Trường về hành vi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động.

Một trong những công cụ để kiểm soát vấn đề chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH là kiểm định. Theo PGS. TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) hiện nay vẫn còn khoảng trống khá lớn giữa xây dựng chính sách bảo đảm và kiểm định chất lượng nên việc thiết kế và triển khai ma trận chính sách chưa thực sự hiệu quả.

Ông Chương cho biết, thống kê kết quả kiểm định chất lượng tại 122 cơ sở giáo dục ĐH cho thấy vẫn còn 3/4 lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH có kết quả kiểm định trung bình dưới mức 4, mức chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân do hiện tại vẫn còn thiếu các quy định cũng như hướng dẫn xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, niềm tin của cán bộ quản lý, giảng viên và xã hội đối với kết quả đánh giá chất lượng giáo dục tại Việt Nam hiện còn hạn chế.

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.