Đối với nhiều cặp đôi, mối quan hệ bắt đầu bằng một cái vuốt quẹt ngón tay qua ứng dụng hẹn hò hoặc một cái liếc mắt trong căn phòng đông người. Đối với Gao Yuchen và Li Zhaoxuan, tất cả bắt đầu bằng một trận chiến kịch tính trên trò chơi trực tuyến “Apex Legends”.
Sau một vài ván chơi, họ bắt đầu trò chuyện, sau đó Gao chủ động tán tỉnh. “Anh chơi giỏi lắm đấy,” anh ấy nói. “Tôi đã đợi và kết bạn với cô ấy sau vài ngày.”
Bốn tháng sau, cuối cùng họ cũng gặp mặt trực tiếp. Lần hẹn hò thứ hai, trên bãi biển ở thành phố Thanh Đảo (Trung Quốc), Gao đề nghị Li làm bạn gái của mình.
“Cô ấy nói tất cả phụ thuộc xem tôi thể hiện ra sao, và rồi cô ấy đồng ý” - Gao mỉm cười nhớ lại.
Kể từ đó, trò chơi điện tử vẫn là mối quan tâm lớn trong mối quan hệ của họ. Cặp đôi theo học ở 2 trường đại học tại 2 thành phố khác nhau, cách hơn 400 km, nhưng vẫn thường gặp nhau trên mạng để chơi “Fling to the Finish” - một game mà hai người chơi phải vượt qua hàng loạt chướng ngại vật trong khi buộc vào nhau bằng một sợi dây đàn hồi siêu co giãn.
Gao cho biết việc cùng nhau giải quyết các thử thách trong trò chơi đã giúp cặp đôi giao tiếp tốt hơn và dần nhận ra rất ăn ý với nhau. Một ngày nào đó, khi đã an toàn hơn về tài chính, họ hy vọng sẽ sớm kết hôn và sinh con.
Cặp đôi này không phải là những thanh niên Trung Quốc duy nhất tìm thấy tình yêu qua trò chơi điện tử trực tuyến.
Số thanh niên Trung Quốc sẵn sàng lập gia đình đã giảm mạnh trong những năm gần đây, với số cặp đôi kết hôn giảm hơn 6% chỉ riêng trong năm 2021. Nhưng các game thủ dường như đi ngược lại xu hướng này. Một nghiên cứu năm 2022 của một trường đại học tại Trung Quốc cho thấy các game thủ có khả năng lập gia đình trong tương lai cao hơn 7,8% so với các sinh viên đại học Trung Quốc khác.
Các game thủ chơi thể thao điện tử (eSports) rất phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt trong giới sinh viên.
Ảnh minh họa: VCG |
Liao Lanfang, một nhà tư vấn tâm lý ở Thượng Hải, cho rằng chơi game có thể khiến những người trẻ tuổi muốn kết hôn hơn. Một mặt, nhập vai trong trò chơi có thể khơi gợi mong muốn lập gia đình; mặt khác, chơi game cùng nhau có thể giúp củng cố mối quan hệ của một cặp đôi, nhiều khả năng giúp họ sớm kết hôn.
Liao nói: “Sự tương tác của mọi người thông qua trò chơi trực tuyến và thể thao điện tử — khi họ có chung sở thích, cùng nhau chơi và đồng hành cùng nhau — có thể dạy họ cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. “Phát triển tình yêu, sự tôn trọng và kỹ năng giao tiếp trong thế giới ảo có thể tăng cường mối quan hệ giữa các cá nhân trong thế giới thực.”
Liao Feiyu, một cựu tuyển thủ esports chuyên nghiệp, 27 tuổi, đã có vợ và một con 9 tháng tuổi.
Liao bắt đầu chơi game trên di động cực kỳ nổi tiếng tên “Honor of Kings” khi còn là một thiếu niên. Ở tuổi 20, anh ấy là một trong những người chơi giỏi hàng đầu và đã theo con đường chuyên nghiệp, từ đó lập team với một nhóm những người chơi xuất sắc khác.
Năm 23 tuổi, Liao nghỉ chơi. Áp lực tập luyện từ sáng đến tối mỗi ngày làm anh kiệt sức, Liao thấy tuổi tác làm chậm phản xạ của mình. Anh nghỉ thi đấu và chuyển sang làm huấn luyện viên.
Ngay sau đó, anh gặp vợ tương lai của mình, Wang Pan. Cha mẹ của Wang làm việc trong căng tin tại trường thể thao của Liao ở Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, và mẹ cô đã bị ấn tượng bởi vẻ ngoài điển trai và lịch sự của Liao. Bà liên tục gửi ảnh của anh cho con gái và hỏi con có muốn gặp anh chàng này không. Đầu năm 2021, cặp đôi gặp nhau lần đầu tiên.
“Tôi nhớ mình đã phải lòng anh ấy,” Wang nhớ lại. “Tôi đã xấu hổ và đỏ mặt khi nhìn thấy anh ấy.”
Những ngày sau đó diễn ra tốt đẹp. Ngay sau đó, họ kết bạn trên mạng xã hội Wechat và chính thức hẹn hò. Trong vòng một năm, họ kết hôn. Cặp đôi đang sống ở Trùng Khánh và chia sẻ cuộc sống hàng ngày của họ với người hâm mộ thông qua tài khoản của Wang trên ứng dụng phong cách sống Xiaohongshu.
Đối với Liao, những người chơi esports cảm thấy dễ dàng kết hôn sớm hơn vì họ bắt đầu sự nghiệp từ khi còn rất trẻ. Trong khi những người trẻ khác có thể trì hoãn việc kết hôn khi đọc những tin tức tiêu cực trên mạng, những người chơi thể thao điện tử chuyên nghiệp lại có nhiều khả năng kết hôn hơn.
“Ngày nay, sinh viên đại học tiếp xúc với quá nhiều thông tin mạng xã hội,” Liao nói. “Họ tự ti về việc mình không đủ hoàn hảo để kết hôn và sinh con.”
Liao Lanfang, nhà tâm lý học, tin rằng yếu tố chính là do người chơi esports có xu hướng kiếm được mức lương cao. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy nhiều thanh niên Trung Quốc trì hoãn việc lập gia đình vì họ không cảm thấy đủ an toàn về tài chính để kết hôn.
Liao Lanfang cho biết: “Người chơi thể thao điện tử ít chịu áp lực kinh tế hơn… vì họ có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn và thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung giới trẻ hiện nay. “Sau khi vượt qua áp lực tài chính, họ có thể bắt đầu nghĩ đến việc kết hôn và sinh con”.
Li Yizhi, một sinh viên đại học ở Thượng Hải, nói rằng các bạn cùng trang lứa với cô ít mong muốn lập gia đình hơn nhiều so với các thế hệ trước. Hầu hết các cô bạn gái của Li không quan tâm đến việc kết hôn và sinh con, trong khi nam giới có xu hướng muốn kết hôn nhưng vẫn chưa có con.
Li nói: “Giới trẻ ngày nay thực sự coi trọng cảm xúc và hạnh phúc của chính họ, và không coi hôn nhân và sinh con là “sự kết thúc” như cha mẹ họ đã từng.
Bản thân Li muốn kết hôn nhưng không có kế hoạch sinh con. Là một người hâm mộ trò chơi trực tuyến, cô ấy nói bản thân tính cách thiếu kiên nhẫn — một đặc điểm chung của những người chơi thể thao điện tử.
Hiện tại, Li dành phần lớn thời gian rảnh để chơi game. Cô gái trẻ tin rằng trò chơi trực tuyến có thể là một cách tốt để gặp gỡ những người lạ và tìm thấy tình yêu. Nhưng nếu bạn trai của mình không quan tâm đến trò chơi điện tử, Li nói rằng điều đó cũng không sao cả.
“Chơi trò chơi hẹn hò ảo đã mang lại cho tôi niềm hạnh phúc và sự hài lòng,” cô nói. “Nhưng sẽ tốt hơn nếu làm quen với ai đó ngoài đời thực.”
Jie, một người đam mê chơi game khác, cũng khao khát kết hôn. Nhưng khác với Li, anh ấy không tin rằng chơi game có thể giúp mọi người xây dựng các kết nối xã hội thực sự. Anh ấy không có ý định gặp gỡ bất cứ ai thông qua các trò chơi trực tuyến.
Mặc dù Jie đôi khi phải lòng các nhân vật ảo trong trò chơi điện tử yêu thích của mình, nhưng điều này không mang lại sự hài lòng thực sự. Chàng trai nghi ngờ đây là lý do tại sao rất nhiều game thủ muốn kết hôn: Trải nghiệm chơi game một mình trong thời gian dài làm tăng mong muốn của họ về các mối quan hệ xã hội sâu sắc hơn trong cuộc sống thực.
“Con người trong thế giới trò chơi là ảo, trong khi con người trong thế giới thực đang phát triển, thay đổi và cụ thể,” Jie cho biết. “Cuộc sống gia đình ngoài đời thực mang đến cho tôi một thứ hạnh phúc… mà tôi không thể có được từ game online.”
Đối với Hu Ying và Naqing , chơi game đã giúp họ tìm thấy kiểu kết nối đó. Cả hai đều mắc chứng rối loạn lưỡng cực, gặp nhau lần đầu qua mạng xã hội Douban.
Chia sẻ kinh nghiệm đối phó với chứng lưỡng cực trong một hội nhóm, Hu và Naqing đều cảm thấy họ đã tìm thấy những người bạn tâm giao của mình. Nhưng không lâu sau khi gặp nhau, họ buộc phải tách ra một thời gian: Naqing phải vật lộn với chứng trầm cảm, trong khi Hu tâm trạng thất thường. Chính trò chơi trực tuyến đã đưa họ trở lại với nhau, khi họ kết nối lại qua niềm đam mê chung.
Cặp đôi đặc biệt thích chơi “It Takes Two”, một trò chơi hợp tác nổi tiếng về tình yêu và hôn nhân được ra mắt vào năm 2021. Trò chơi này yêu cầu hai người chơi bắt tay với nhau để vượt qua cả những trở ngại kỳ ảo và rào cản tình cảm khiến họ phải xa nhau.
“Khi tôi chơi không tốt và trở nên lo lắng – chẳng hạn như nếu tôi không thể vượt qua một cấp độ nào đó –anh ấy sẽ giúp tôi,” Hu nói.
Chàng trai 20 tuổi nhớ lại lần đầu tiên gặp Naqing 21 tuổi và cảm thấy bản thân hiểu rõ về cô gái. Họ đến một rạp chiếu phim vào buổi tối, sau khi xem phim xong, cả hai trở ra ngoài và thấy trời đang đổ mưa. Không tìm được taxi, lần đầu tiên họ nắm tay và ôm nhau. “Thật là lãng mạn,” Hu nói.
Dù vẫn đang học đại học, Hu và Naqing tin rằng một ngày nào đó họ sẽ sớm kết hôn.