Nguyễn Minh Khoa (SN 1996, lập trình viên tại Hà Nội) rất bất ngờ trước những tính năng đột phá của ChatGPT, khi thử nhờ gợi ý giúp đoạn code (ngôn ngữ lập trình) mà anh đang gặp khó. ChatGPT đã trả kết quả chỉ sau vài giây, giúp anh sửa lỗi sai nhanh hơn so với những ứng dụng có cùng chức năng và phân tích chi tiết câu lệnh code rất rõ ràng.
“ChatGPT đã tăng tốc đáng kể các tác vụ thông thường như viết mã code và đòi hỏi kỹ năng mới của lập trình viên là đưa ra những gợi ý cần thiết. Tuy nhiên, công cụ này chỉ gợi ý và trả lời mang tính rời rạc. Lập trình viên vẫn phải “gia công” biên tập, sâu chuỗi các nội dung, câu lệnh thành một đoạn code hoàn chỉnh”, Khoa cho biết.
Theo Khoa, ChatGPT sẽ không thể thay thế hoàn toàn dân lập trình, nếu có, chỉ cắt giảm nhân sự ở một số công đoạn. ChatGPT sẽ hỗ trợ cho dân lập trình hơn là thay thế, nó chưa thể lập trình lên những hệ thống phức tạp.
Phóng viên Tiền Phong đã trực tiếp trải nghiệm, đặt hỏi với ChatGPT: Liệu ChatGPT có thay thế cho các kỹ sư phần mềm hay không? Và nhận được câu trả lời như sau: “Không, ChatGPT chỉ là một mô hình ngôn ngữ được huấn luyện để trả lời câu hỏi và tạo ra văn bản dựa trên dữ liệu mà nó được huấn luyện. ChatGPT không có khả năng thực thi tác vụ cụ thể liên quan đến phần mềm, như thiết kế giao diện người dùng hoặc xử lý dữ liệu”.
“Với các bạn sinh viên đang học ngành Công nghệ thông tin đừng nên hoang mang hay sợ sẽ bị hạn chế cơ hội việc làm. Thay vào đó cần cố gắng học lập trình cho tốt để tạo ra hoặc cải tiến những con chatbot có nhiều ứng dụng hơn cho đời sống. Sản phẩm của trí tuệ nhân tạo do con người tạo ra. Chúng ta cần có trách nhiệm, nghĩa vụ “cải tiến” nó đi đúng hướng, phát triển lành mạnh”.
TS Lê Phạm Tuyên, trưởng nhóm nghiên cứu giải thuật, Công ty AgileSoDA
“ChatGPT không giống như các trình duyệt tìm kiếm - nơi mà chỉ cung cấp một tập hợp các trang web có liên quan đến câu hỏi của người dùng. Nó sẽ trả lời trực tiếp, giúp người dùng mất ít thời gian để tổng hợp từ nhiều trang web cho câu trả lời của mình.
Nếu nghi ngờ về độ chính xác của câu trả lời, con người có thể đặt câu hỏi cho Google Search để tự kiểm tra tính chính xác. Và con số 100 triệu người dùng chỉ sau một thời gian ngắn, vượt xa các nền tảng mạng xã hội khác đã tạo ra sự huấn luyện khắc nghiệt cho công cụ này”, Nguyễn Đức Minh (SN 2001, sinh viên Đại học FPT) nhận định.
Bạn trẻ trải nghiệm ChatGPT |
Dù ChatGPT là ứng dụng AI được phát triển từ mô hình GPT-3.5 và hoạt động miễn phí nhưng chưa hỗ trợ mở tài khoản ở Việt Nam. Vì vậy, người dùng trong nước muốn trải nghiệm phải sử dụng mạng riêng ảo (VPN), thuê số điện thoại nước ngoài với giá khoảng một USD, dùng thẻ thanh toán quốc tế để đăng ký, hoặc mua tài khoản từ người khác.
Để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của đông đảo bạn trẻ, các trang mạng xã hội đã “nở rộ” dịch vụ đăng ký sử dụng ChatGPT bằng email để có tài khoản chính chủ với giá chỉ từ 15 đến 50 nghìn đồng.
Khuyến cáo tránh trải nghiệm nhầm
Mỗi ngày Trần Văn Tuân (sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội) có hàng chục người nhắn tin nhờ đăng ký tài khoản ChatGPT. Cậu chỉ lấy 15 nghìn đồng/tài khoản. Tuân học về công nghệ nên nhanh chóng biết cách sử dụng ChatGPT bằng email nhanh, gọn, đỡ tốn phí. Cậu đã đăng lên mạng chia sẻ cách đăng ký và hỗ trợ mọi người dùng thử.
“OpenAI chưa cung cấp ChatGPT dưới dạng ứng dụng mà hoạt động miễn phí qua trình duyệt. Do đó, người dùng cần cảnh giác và tỉnh táo trước những ứng dụng “ăn theo” ChatGPT xuất hiện trên các kho ứng dụng như Play Store, App Store”, Tuân nói.
Những ngày gần đây, khi ChatGPT có sức hút lớn với cộng đồng, đã có nhiều ứng dụng khác sử dụng logo bắt chước biểu tượng, đặt tên có từ khóa giống với ChatGPT… để thu hút người dùng cài đặt trả phí.
“Trên thực tế, đã có rất nhiều bạn nhắn tin hỏi mình về cách tải ứng dụng này trong khi nó chỉ đang hoạt động trên trình duyệt. Để tránh tải nhầm hay trải nghiệm nhầm, người dùng cần xem phần đánh giá ứng dụng hoặc tên công ty mẹ để không bị mất tiền oan”, Tuân khuyến cáo.
Tiến sĩ Lê Phạm Tuyên (SN 1990, quê ở Phú Yên) hiện là trưởng nhóm nghiên cứu giải thuật, phòng Nghiên cứu và phát triển, Công ty AgileSoDA (Hàn Quốc). Anh cho rằng, ChatGPT sẽ tạo ra một “cú hích” cho những ứng dụng mới ra đời.
Với năng lực ứng xử hàng tỉ câu hỏi mỗi ngày, nó sẽ được ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau, phát triển thành một trợ lý ảo có diện mạo và giọng nói sống động, trở thành cuốn từ điển online, hoặc các hệ thống tổng đài tự động chăm sóc khách hàng. Nhiều lập trình viên có thể chuyển sang các công việc “nâng cấp” hơn như quản lý nền tảng, xử lý khủng khoảng thông tin, quản lý liên kết…
“Là một người nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, tôi cũng đã sử dụng ChatGPT nhưng không phụ thuộc vào nó khi tìm kiếm dữ liệu. Tất nhiên, tôi vẫn phải kiểm chứng thông tin đó qua nhiều vòng khác nhau. Nền tảng này rất hữu ích nhưng nếu phụ thuộc vào nó sẽ chỉ khiến chúng ta ngày càng lười “vận động não”, lười sáng tạo, lười phản biện” TS. Tuyên chia sẻ.