Vẩn vơ ngồi nhớ Tết xưa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gọi "Tết xưa" nghe cứ xa lăng lắc như thời cổ tích. Nhưng không. Đó chỉ là thời còn chế độ bao cấp. Nào đã xa xôi gì mà bảo chuyện xưa. Thời gian thì chưa xa, nhưng sự việc thì đã xa lắm. Xa đến nỗi, nhiều việc bây giờ kể lại, các bạn trẻ báo Tiền Phong khó mà tin được. Họ sẽ lại chép miệng: "Ôi dào, các bố chỉ bịa. Chuyện nhà văn ấy mà!".

Thật oan cho các nhà văn quá. Ông bạn tôi cũng bảo: "Bây giờ thì đến cả ông giời cũng thay đổi, ông ạ. Đấy, ông cứ ngẫm mà xem. Ngày xưa rét cắt da cắt thịt. Mặc đến ba bốn cái áo mà vẫn còn lạnh. Sáng Ba mươi Tết, vợ chồng con cái còn kéo nhau ra đầu hè ngồi sưởi nắng. Bây giờ thì cái rét nó biến đi đâu cả. Chẳng thấy lạnh gì. Ngày Tết, mặc bộ com - lê, hay chỉ khoác cái áo mỏng vẫn bình thường, thậm chí còn thấy nóng sốt nữa. Nhiều anh bây giờ chỉ thèm được rét. Đã Tết vẫn không rét. Mà không rét thì làm sao ra cái Tết. Đến cả ông giời bây giờ cũng đổi tính đổi nết rồi"!

Bây giờ, những thứ làm nên Tết bày ê hề trong các quán cơm bụi ở vỉa hè. Vì thế mà quanh năm Tết. Cái Tết lại hoá nhàm, hóa mất thiêng, không còn là nỗi háo hức nữa. Muốn có mâm cỗ Tết, chỉ chạy nhoàng ra phố chừng mươi phút là xong. Ngày xưa, các cụ chuẩn bị Tết kỹ lưỡng lắm. Có bộ quần áo mới nào cũng để dành đến Tết mới mặc. Con lợn nuôi cũng là nuôi để Tết thịt. Và như thế, cái Tết đã được rục rịch chuẩn bị trước đến cả hàng năm trời.

Thực tình, ông giời đâu có tráo trở. Tết nào chả có mưa xuân bay phiêu diêu như khói cùng cái lạnh heo heo. Nhưng những năm xưa, người ta rét vì đói. Đói nên mới thấy rét. Còn bây giờ, nhờ có mấy chục năm đổi mới mà trông anh nào cũng béo chút chít, cứ chũm trệ như Việt Kiều cả. Ông bạn cùng cơ quan tôi bảo: "Bây giờ, bầu chiến sĩ thi đua, hay cá nhân tiên tiến xuất sắc, cứ thấy anh nào béo là tớ gạch đấy. Vì trông những anh béo cứ thấy có cái gì không ổn". Nhưng rồi rút cuộc, ông bạn tôi vẫn chẳng gạch được ai, vì ngay cả ông bạn cũng ụt ịt như địa chủ được mùa. Đàn ông đã khổ vậy, đàn bà còn "đau đớn" hơn nữa. Đau đớn không phải vì khổ, vì cực, mà chỉ tại... béo quá. Trông ai cũng lặc lè như một lũ tham nhũng, cần phải ném ngay “vào lò”. Đến cả đàn bà thanh lịch, cánh liễu yếu đào tơ mà đi lại cũng ù ù như cái cối xay lúa. Rùng rợn thế chứ. Nhiều chị, nhiều mợ phải uỳnh uỵch chạy thể dục, lại còn kềnh càng đi tiệm thẩm mỹ hút mỡ. Rồi uống bao nhiêu thuốc. Đắp, bó bao của quý, vật lạ lên da thịt mà vẫn chẳng làm sao gầy được. Trông ai cũng ụ ị như những con gấu Bắc cực. Thế thì cái rét còn biết len vào đâu. Ngày Tết thấy nực nội là phải. Không thấy rét, lại quay trách ông giời phản bội mình!

Vẩn vơ ngồi nhớ Tết xưa ảnh 1

Minh họa: Thành Chương

Nhiều lúc, tôi cứ lẩn mẩn nghĩ: Không hiểu làm sao ngày xưa lại khổ thế chứ. Đồng đất vẫn đồng đất ấy. Con người vẫn cóc cáy những con người ấy, mà quanh năm tất tả, vặt mũi không đủ đút miệng. Chỉ thay một tý cách lãnh đạo, điều hành là đời sống lên vù vù.

Và cả Tết nữa. Tết là cái gì nhỉ? Không biết cái gì đã làm nên Tết? Các cụ bảo: "Đói ngày giỗ cha. No ba hôm Tết". Khiếp chưa? Đến cả ngày giỗ cha mà vẫn còn đói. Cứ như ý các cụ thì chỉ có ba hôm Tết mới được ăn no. Thế nên những cái Tết xưa thường gắn với chuyện ăn uống. Các cụ còn định nghĩa cái Tết rất cụ thể: Tết là "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ - Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Như thế, Tết có hai phần: Vật chất và tinh thần. Tinh thần là câu đối đỏ, cây nêu với tràng pháo. Pháo ngày xưa các cụ làm rất trang nhã bằng hạt xoan với hương liệu có mùi rất đặc trưng. Cụ Tú Xương tả: Bên ao lẹt đẹt pháo thầy Nhang. Pháo nổ chỉ vừa đủ để vui tai. Bây giờ pháo ùng ùng như đại bác, còn kinh hơn cả súng Thần Công. Người ta còn mang thuốc đạn ra làm pháo. Có anh châm pháo mà nát bét tay rồi cụt cả đầu. Vì thế Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới ra lệnh cấm pháo. Từ bấy đến nay không còn pháo. Cũng không phải vì thiếu pháo mà Tết kém vui. Còn vật chất của Tết là thịt mỡ dưa hành với bánh chưng xanh. Bây giờ, những thứ làm nên Tết bày ê hề trong các quán cơm bụi ở vỉa hè. Vì thế mà quanh năm Tết. Cái Tết lại hoá nhàm, hóa mất thiêng, không còn là nỗi háo hức nữa. Muốn có mâm cỗ Tết, chỉ chạy nhoàng ra phố chừng mươi phút là xong. Ngày xưa, các cụ chuẩn bị Tết kỹ lưỡng lắm. Có bộ quần áo mới nào cũng để dành đến Tết mới mặc. Con lợn nuôi cũng là nuôi để Tết thịt. Và như thế, cái Tết đã được rục rịch chuẩn bị trước đến cả hàng năm trời. Ở thành phố thì tích phiếu thịt, phiếu đậu dành cho Tết. Ngày thường ăn thế nào xong thôi. Vì thế, dù có lòng rất mến khách, nhưng cứ trông thấy khách là sợ, vì không biết tiếp thế nào cho phải. Tiếp đúng như lòng mình thì có khi cả nhà phải nhịn ăn đến cả một tháng phiếu thực phẩm. Nhà văn Đỗ Thị Hiền Hoà có một cái truyện thật cảm động. Bà mẹ có khách. Khách là người yêu cũ. Mâm cơm cũng chẳng có gì, chỉ tồng tềnh mỗi một đĩa trứng rán. Bà mẹ đã đe trước cậu con trai ba tuổi từ dưới bếp. Rồi trong suốt bữa ăn, bà dùng mắt "chỉ huy" cậu quý tử. Nhưng khổ nỗi, thằng bé đói quá, lại rất thèm trứng. Thế là cu cậu quên mất mệnh lệnh của đấng tối cao. Bà mẹ phải xông vào trận. Bà gắp trứng cho khách, rồi giục: "Bác ăn đi. Ăn nhanh lên, kẻo cháu nó hư lắm!". Khổ! Nghe mà ứa nước mắt. Người lớn, lại là khách quý, sao lại tranh ăn với trẻ con! Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Minh Châu cũng có một cái truyện ngắn khá ấn tượng. Trong truyện, có chi tiết tôi đọc mà rồi không sao quên được. Đó là việc bà mẹ dạy con cách chấm rau muống luộc làm sao cho thật kỹ thuật. Chao ôi! Việc chấm rau muống mà cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật sao? Tưởng kỹ thuật chấm thế nào. Hoá ra cũng đơn giản. Bà yêu cầu con phải chấm đứng ngọn rau muống. Vì chấm đứng ngọn rau thì không tốn… nước mắm.

Đọc những tác phẩm chân thực về một thời như thế, cô cháu gái tôi lại đâm ngờ vực:

Các bác toàn bịa. Chúng cháu cũng biết nhà văn phải hư cấu. Nhưng hư cấu thế nào cũng phải để cho người ta tin được chứ. Đằng này, truyện các bác toàn bịa. Mà bịa quá đáng. Bịa thế thì đến cả trẻ con chúng nó cũng chẳng tin!

Tôi còn biết nói sao bây giờ? Thời thế đã thay đổi. Đến cả ông giời còn bị mắng oan nữa là các nhà văn!

MỚI - NÓNG