Để đảm bảo mọi người dân đều có Tết Quý Mão, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 19-CT/TW, Chính phủ ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg, trong đó có yêu cầu cả hệ thống chính trị quan tâm, hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân…
Số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tới nay, hầu hết các địa phương đều có chính sách hỗ trợ người dân đón Tết. Tổng kinh phí dự kiến ngân sách các địa phương chi khoảng 4.700 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 6 triệu người dân đón Tết; mức hỗ trợ bình quân từ 300-500 nghìn đồng/người.
Trong đó, một số địa phương có điều kiện ngân sách hỗ trợ cao hơn, như Hà Nội (hỗ trợ từ 1-2 triệu đồng/người có công với cách mạng, 300.000 - 500.000 đồng/người hộ nghèo, khó khăn); Cần Thơ (1,1 triệu đồng/người thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo); Lâm Đồng (hỗ trợ 500.000 - 700.000 đồng/hộ cận nghèo, hộ nghèo)…
Đoàn công tác của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thăm, chúc tết bà con nhân dân huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) trong chương trình “Tết trọn niềm vui”. |
Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức các đoàn lãnh đạo đi thăm, tặng quà cho các cơ quan, tổ chức, các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn với mức trung bình từ 5 – 15 triệu đồng/đơn vị.
Đặc biệt, trong những ngày cận Tết, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tổ chức hàng trăm đoàn công tác đi thăm hỏi, động viên và tặng tổng số hơn 10.000 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn cả nước.
Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thẩm định trình Thủ tướng quyết định hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia hơn 18.000 tấn gạo cứu đói cho trên 1,2 triệu nhân khẩu bị thiếu đói dịp Tết và giáp hạt năm 2023.
Gạo cứu đói hỗ trợ người dân tại 17 tỉnh, gồm: Sóc Trăng, Ninh Thuận, Cao Bằng, Nghệ An, Tuyên Quang, Trà Vinh, Đắk Nông, Quảng Bình, Bắc Kạn, Kon Tum, Đắk Lắk, Bạc Liêu, Gia Lai, Hà Giang, Bình Phước, Quảng Ngãi và Quảng Trị.