Tổng thống Serbia - Aleksandar Vucic. Ảnh: Reuters |
"Chúng tôi đã phải trả giá rất đắt để không áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Nếu ban hành lệnh trừng phạt, thì đồng nghĩa với việc chúng tôi quay lưng lại với nguyên tắc của chính mình là sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Bởi vì chúng tôi biết được - từ kinh nghiệm của bản thân - rằng các biện pháp trừng phạt là thiếu đạo đức và không hiệu quả", Tổng thống Vucic nói trong một cuộc phỏng vấn.
"Họ nói rằng tôi phản bội. Phản bội ư? Chúng tôi - một nước nhỏ bé - là quốc gia hiếm hoi ở châu Âu không áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga. Các bạn muốn gọi tôi là gì cũng được, nhưng người dân Serbia đã thể hiện mong muốn của họ qua lá phiếu bầu cử của mình."
Hồi đầu tháng này, ông Vucic tái đắc cử vị trí Tổng thống với 58% số phiếu bầu. Ông từng nhiều lần nói rằng Belgrade đã chịu áp lực nặng nề để buộc phải tham gia làn sóng trừng phạt Nga sau khi nước này khai màn chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tổng thống Vucic cũng cho biết việc dừng khai thác dầu khí từ Nga sẽ khiến nền kinh tế Serbia bị tê liệt. "Chúng tôi phải đưa ra những quyết định có lợi cho người dân của mình", ông nói.
Tổng thống Serbia cáo buộc Kiev và một quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) giấu tên khác thực hiện hàng loạt các vụ đe dọa đánh bom giả nhằm vào máy bay chở khách của hãng hàng không Air Serbia.
Hơn một chục máy bay đã phải quay trở lại Belgrade hoặc Mátxcơva vì nhận được đe dọa đánh bom, trong khi nhiều chuyến bay khác bị hoãn. Sân bay Belgrade đã phải sơ tán ít nhất 3 lần trong vài tuần qua. "Các cơ quan tình báo của 2 quốc gia đã đứng sau việc này. Một là Ukraine, còn lại là một quốc gia EU."
Những lời đe dọa đánh bom bắt đầu sau khi Serbia từ chối ủng hộ lệnh cấm của EU đối với các chuyến bay của Nga. “Chúng tôi đang duy trì các chuyến bay này theo đúng nguyên tắc, vì chúng tôi muốn chứng minh mình là một quốc gia tự do và chúng tôi đưa ra quyết định của riêng mình. Đừng thay chúng tôi quyết định về việc cấm các chuyến bay”, ông Vucic nói.
"Họ có hủy chuyến bay khi 19 quốc gia ném bom Serbia hay không? Ít nhất 30 quốc gia - các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đang chung tay giúp một quốc gia. Nhưng ai đã giúp đỡ chúng tôi khi chúng tôi bị tấn công bởi 19 quốc gia mạnh nhất?", ông Vucic nói thêm, đề cập đến vụ ném bom Nam Tư năm 1999 của NATO.