Các chuyên gia nói rằng 6 chiếc Y-20 của Không quân Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay dân sự gần thủ đô Belgrade của Serbia vào sáng sớm 9/4. (Ảnh: AP) |
Ngày 10/4, báo chí và các chuyên gia quân sự nói rằng 6 chiếc máy bay vận tải Y-20 của Không quân Trung Quốc đã hạ cánh xuống một sân bay dân sự ở Belgrade vào sáng sớm 9/4, cho rằng đội máy bay này mang theo các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-22 để bàn giao cho quân đội Serbia.
Đội máy bay vận tải mang ký hiệu quân sự của Trung Quốc được chụp ảnh khi đang đậu tại sân bay Nikola Tesla ở thủ đô của Serbia. Bộ Quốc phòng Serbia chưa phản hồi bình luận về thông tin này.
“Những chiếc Y-20 gây chú ý vì chúng đi cùng nhau. Sự hiện diện của chúng ở châu Âu là diễn biến khá mới”, tạp chí trực tuyến Warzone bình luận.
Chuyên gia quân sự Serbia Aleksandar Radic cho rằng Trung Quốc đã có màn “biểu dương lực lượng”.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic xác nhận việc bàn giao hệ thống tầm trung mà hai bên đã nhất trí từ năm 2019. Hôm qua, ông Vucic nói rằng ông sẽ trưng bày “niềm tự hào mới nhất” của quân đội Serbia trong ngày 12 hoặc 13/4.
Trước đó, nhà lãnh đạo này phàn nàn rằng các quốc gia thuộc NATO, bao gồm láng giềng của Serbia, từ chối cho phép thực hiện các chuyến bay vận tải đi qua lãnh thổ của họ vì xung đột Nga – Ukraine hiện nay.
Serbia từ chối tham gia chiến dịch trừng phạt của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Năm 2020, giới chức Mỹ cảnh báo Belgrade chớ mua hệ thống phòng không HQ-22 của Trung Quốc, với phiên bản xuất khẩu được đặt tên là FK-3. Washington cho rằng nếu muốn trở thành thành viên EU và các liên minh khác của phương Tây, Serbia phải mua sắm thiết bị quân sự phù hợp với tiêu chuẩn của phương Tây.
Hệ thống HQ-22 của Trung Quốc được so sánh với hệ thống Patriot của Mỹ và S-300 của Nga, dù có tầm ngắn hơn. Serbia sẽ là nước đầu tiên ở châu Âu trang bị hệ thống tên lửa Trung Quốc.
Serbia từng có chiến tranh với các nước láng giềng trong những năm 1990. Quốc gia này đang tăng cường trang bị cho các lực lượng vũ trang bằng vũ khí của Nga và Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu, xe tăng và các phương tiện khác.
Năm 2020, Serbia tiếp nhận lô máy bay không người lái Chengdu Pterodactyl-1, còn gọi là Wing Loong. Dòng máy bay này có thể mang theo bom và tên lửa, hoặc dùng để trinh sát.
Phương Tây lo ngại rằng việc Serbia mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc có thể khiến quốc gia này dễ tiến đến chiến tranh hơn, nhất là với Kosovo, một tỉnh thuộc Serbia nhưng đã tuyên bố độc lập vào năm 2008. Serbia, Nga và Trung Quốc không công nhận điều này, nhưng Mỹ và phương Tây làm ngược lại.