Tổng thống Biden sẽ đến thăm thị trấn biên giới giáp Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay, 25/3, sẽ tới thăm một thị trấn gần biên giới Ba Lan – Ukraine nhằm thể hiện quyết tâm của phương Tây trong việc hỗ trợ Kiev đối phó với Mátxcơva.

Theo Straitstimes, chuyên cơ Không lực Một của Tổng thống Biden sẽ hạ cánh xuống thị trấn Rzeszow, miền Đông Ba Lan, cách biên giới Ukraine chỉ chưa đầy 80km.

Chuyến thăm của ông Biden thể hiện sự quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vì nhiều người lo ngại rằng cuộc xung đột kéo dài một tháng qua ở Ukraine "có thể sẽ tràn sang phía Tây vào Ba Lan".

Tổng thống Biden sẽ đến thăm thị trấn biên giới giáp Ukraine ảnh 1

Hệ thống tên lửa đất-đối-không Mỹ tại sân bay Rzeszow-Jasionka (Ba Lan) ngày 24/3. Ảnh: Reuters

Cũng trong chuyến thăm lần này, ông Biden sẽ có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda. Ba Lan - quốc gia giáp Ukraine về phía Tây - đã đón hơn 2 triệu người tị nạn từ Ukraine sau khi Nga khai màn chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2.

Trước khi đến Ba Lan, ông Biden đã gặp lãnh đạo các nước NATO, G7 và Hội đồng Châu Âu ở Brussels (Bỉ) để thảo luận về các nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ Ukraine và các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Tổng thống Biden sẽ đến thăm thị trấn biên giới giáp Ukraine ảnh 2

Ông Biden trong cuộc họp của NATO ngày 24/3 ở Brussels (Bỉ). Ảnh: EPA-EFE

Ngày 24/3, NATO thông báo về việc triển khai thêm binh sĩ tới Romania, Hungary, Slovakia và Bulgaria, cũng như tăng cường phòng thủ hóa học và hạt nhân trong trường hợp Nga mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài lãnh thổ Ukraine.

Các lãnh đạo NATO cho biết họ sẵn sàng cung cấp thêm cho Ukraine tên lửa Javelin và Stinger để đối phó với xe tăng và máy bay chiến đấu Nga. Tuy nhiên, Mỹ và NATO vẫn bác bỏ phương án điều máy bay chiến đấu, hoặc các hệ thống vũ khí lớn khác và quân đội đến tham chiến trực tiếp ở Ukraine.

Liên minh châu Âu (EU) và nhóm G7 - trong cuộc họp tại Brussels hôm 23/3 - cam kết chặn các giao dịch liên quan đến kho dự trữ vàng của Nga để cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Mátxcơva trong việc lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các quốc gia không thỏa thuận về việc dừng nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga. Thay vào đó, Mỹ cam kết tăng nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu để giúp EU giảm sự phụ thuộc vào Nga.

“Mỹ sẽ phối hợp với các đối tác quốc tế để đảm bảo khối lượng LNG bổ sung cho thị trường EU là ít nhất 15 tỷ mét khối trong năm 2022, và dự kiến sẽ tăng thêm trong tương lai”, Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.

Theo Straitstimes
MỚI - NÓNG