Cô gái 9x là cựu thủ khoa trường Luật, được học thẳng lên Tiến sĩ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cô gái 9x Trần Thị Thanh Mai từng là cựu thủ khoa trường Luật, được đặc cách là công chức Tổng cục Hải quan theo chủ trương tuyển dụng thủ khoa tốt nghiệp ĐH. Hiện cô đang hoàn thành những thủ tục cuối cùng để nhận bằng Tiến sĩ sau 6 năm nghiên cứu. 

Trần Thị Thanh Mai (sinh năm 1992, sống ở Hà Nội) hiện đang công tác tại Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Tổng cục Hải quan.

Chọn học Luật như một lẽ tự nhiên vì... nhà có toàn sách Luật

Thanh Mai nhớ lại, trong suy nghĩ của cô chưa bao giờ có lựa chọn thứ 2 ngoài ngành Luật bởi từ nhỏ, hình ảnh bố chong đèn nghiên cứu, viết bài đến đêm khuya đã quá quen thuộc và hằn sâu lên tâm trí. Không chỉ thế, từ bé đến lớn, Mai thấy hầu như cả tủ sách của gia đình đa số là sách về Luật. "Chắc vì lẽ đó nên việc lựa chọn Đại học Luật Hà Nội đến với tôi như một lẽ tự nhiên, không cần suy nghĩ", Mai nói.

Khi bắt đầu học Đại học, Mai dần cảm nhận được niềm đam mê về Luật của mình và “bùng nổ” với rất nhiều chữ "khó". Cô kể: "Xung quanh tôi có rất nhiều bạn học siêu giỏi đến từ nhiều tỉnh, thành phố, trường khác nhau. Ngày nào đi học tôi cũng cảm thấy áp lực vì điều đó. Thêm một chữ "khó" nữa đó là tôi thực sự vẫn chưa thoát khỏi lối học tập “thụ động” của học sinh phổ thông, lớp học rất đông khiến việc nghe giảng trên lớp khá khó khăn.

Tuy nhiên khi bình tâm trở lại tôi bắt đầu tìm ra được phương pháp riêng để ngày càng thích nghi với môi trường Đại học đầy mới mẻ, dần quen với việc đọc trước giáo trình, thêm cả những tài liệu, sách có liên quan trước khi đến lớp. Lúc đó việc nghe giảng không còn là tiếp thu kiến thức nữa, mà trở thành việc kiểm tra xem mình hiểu vấn đề đã đúng chưa, những chỗ chưa hiểu hoặc có quan điểm khác thì ghi chú với ký hiệu dấu hỏi bên lề để dành cho buổi thảo luận".

Đầu năm 3 đại học, Mai có cơ hội thực tập tại Trung tâm Tư vấn pháp luật của trường. Lúc đó, việc học tập của cô gái 9x trở nên áp lực hơn bởi vừa phải hoàn thành việc học và vừa hoàn thành các công việc thực tập tại trung tâm. Chính nhờ sự áp lực đó đã khiến Thanh Mai tiến bộ và thay đổi bản thân từ cô sinh viên chỉ biết đến việc học nay đã cởi mở, chín chắn hơn, biết sắp xếp hợp lý giữa việc học, đi làm và cuộc sống cá nhân.

Ngày tốt nghiệp đại học, Mai bất ngờ vỡ òa với thông báo là một trong hơn 100 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội được tuyên dương năm 2015.

Cô gái 9x là cựu thủ khoa trường Luật, được học thẳng lên Tiến sĩ ảnh 1

Chân dung cựu thủ khoa ĐH Luật Hà Nội năm 2015. Ảnh: NVCC

Cô gái 9x là cựu thủ khoa trường Luật, được học thẳng lên Tiến sĩ ảnh 2

Cô gái 9x năng nổ với các hoạt động Đoàn từ khi còn là sinh viên đến nay. Ảnh: NVCC

Được đặc cách vào Tổng cục Hải quan, học thẳng lên Tiến sĩ

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân, Mai không dừng lại con đường học tập ở đó mà đã "liều lĩnh" chọn xét tuyển chương trình nghiên cứu sinh tại trường, bỏ qua dự tuyển chương trình cao học như các bạn khác.

Nói "liều lĩnh" là bởi chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính cô đăng ký chỉ tuyển 6 nghiên cứu sinh, các ứng viên khác đều là giảng viên, công chức có nhiều năm kinh nghiệm, trong khi cô chỉ mới tốt nghiệp đại học.

Nhận tin trúng tuyển vào chương trình đào tạo Tiến sĩ, Mai là người duy nhất trong lớp chưa qua đào tạo Thạc sĩ. Do vậy, ngoài việc theo chương trình nghiên cứu của nghiên cứu sinh, cô còn phải hoàn thành việc học chương trình đào tạo Thạc sĩ cùng các bạn học viên cao học. Cùng thời điểm đó, Mai đảm nhiệm vị trí giảng viên tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng & đô thị. Vừa duy trì việc dạy học trên giảng đường, vừa phải hoàn thành 2 chương trình học khiến cô gái trẻ thấy bị quá tải, áp lực.

Cuối năm 2016, Thanh Mai được xét tuyển thẳng trở thành công chức Tổng cục Hải quan theo chủ trương tuyển dụng thủ khoa tốt nghiệp ĐH. Khi ấy, Mai phân vân giữa 2 lựa chọn: Tiếp tục theo đuổi đề tài đang nghiên cứu hoặc thay đổi đề tài khác phù hợp với công việc mới. Nếu cô đổi đề tài đồng nghĩa với việc những công sức trước đó lại về 0. Nếu tiếp tục phát triển đề tài cũ thì lại gặp nhiều cái khó như công việc và đề tài nghiên cứu hoàn toàn khác nhau.

Vì vẫn đam mê với đề tài nghiên cứu sinh ban đầu (Quản lý nhà nước về xây dựng đô thị ở Việt Nam hiện nay) nên Mai chấp nhận đối mặt với nhiều cái khó trong chặng đường nghiên cứu tiếp theo. Cô kể, có những lúc ngồi viết kì cạch cả tuần mới được vài trang rồi lại thấy không ưng ý, không đủ câu từ để diễn đạt ý mình muốn truyền đạt. Có những lúc vừa mừng vì hoàn thiện bài viết rồi lại thất vọng với bản thân sau khi nhận được phản biện của cô giáo hướng dẫn.

Hằng ngày, Mai chỉ có thể dành thời gian buổi tối hoặc thức khuya, ngày nghỉ cuối tuần để nghiên cứu. Đôi lúc công việc quá bận hoặc phải đi công tác khiến cô gái trẻ không có thời gian dành cho việc nghiên cứu cá nhân. Lâu dần, cô phải tự cân bằng và không để công việc "ngốn" quá nhiều thời gian nghiên cứu của mình.

"Có khoảng thời gian tôi hay dùng lý do “chưa học thạc sĩ” để biện minh cho việc mình chưa làm được. Nhưng sau này tự tôi phải chấn chỉnh lại suy nghĩ đó ngay. Vì như vậy lâu dần sẽ khiến bản thân chây ì, ỷ lại và dễ thỏa mãn với chính mình", Mai bộc bạch.

Cô gái 9x là cựu thủ khoa trường Luật, được học thẳng lên Tiến sĩ ảnh 3

Trần Thị Thanh Mai tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam Toàn cầu. Ảnh: NVCC

Tuy khá bận rộn với việc ở cơ quan và nghiên cứu khoa học nhưng nữ 9x vẫn mong muốn lan tỏa được tinh thần, năng lượng cho nhiều bạn trẻ khác qua Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2018, 2019, 2020.

Chia sẻ với Tiền Phong, Mai nói: "Tôi luôn tâm niệm rằng tuổi thanh xuân mỗi người trải qua chỉ có một, Tổ quốc chỉ có một và ở trong trái tim ta. Thanh niên, trí thức trẻ của thời kỳ mới không mang tinh thần “nghĩa vụ” để đóng góp mà đều tự hào đó là "Quyền - quyền được cống hiến".

Khi đến Diễn đàn Trí thức trẻ, tôi có niềm vinh dự và tự hào, tôi luôn có khát khao truyền tải và lan tỏa thông điệp đó tới tất cả các đại biểu khác để thế hệ trẻ Việt Nam trên toàn cầu cùng chung tay, sát cánh bên nhau xây dựng và kiến thiết đất nước".

MỚI - NÓNG