Sáng sớm, màn sương vẫn phủ trắng bản Nghè, vợ chồng Hoàng Xuân Mau (SN 1994) dậy thổi lửa, chuẩn bị làm các món ăn dân tộc của người Cao Lan để đón đoàn khách du lịch. Lúc sau Mau ra khu vườn tranh thủ chăm mấy luống rau thủy canh. Vợ chồng Mau lúc nào cũng bận rộn đón khách.
Mau là người dân tộc Cao Lan, từng học Cao đẳng Nghề bách khoa nhưng phải bỏ dở giữa chừng do nghèo. Cậu xin vào làm thuê cho một nhà hàng ở Hà Nội. “Tôi làm ở nhà hàng thấy mình hợp với công việc, rồi dần dần yêu thích, đam mê. Chủ nhà hàng khuyên tôi nên theo nghề phục vụ và làm du lịch. Lối rẽ cuộc đời của tôi bắt đầu từ đây”, Mau nhớ lại.
Phó Bí thư chi Đoàn bản Nghè, Hoàng Xuân Mau chăm sóc vườn rau thủy canh |
Mau quyết định vừa đi học, vừa đi làm. Ban ngày Mau đi học nghề ở một trường trung cấp du lịch, tối làm phục vụ ở nhà hàng. Học xong, Mau làm công việc quản lý nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội được 6 năm. Nhận thấy cần phải mở mang tầm mắt hơn và tích lũy kinh nghiệm, cậu quyết định vào Nha Trang, rồi TPHCM, lên các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Bắc làm thuê. Cuối cùng cậu cũng tìm cho mình mô hình phù hợp là làm nông nghiệp kết hợp với du lịch cộng đồng và quyết định về quê khởi nghiệp.
Dự án trồng rau thủy canh kết hợp với du lịch cộng đồng của Hoàng Xuân Mau đã giành giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn Bắc Giang tổ chức năm 2021. Ông Đinh Quảng Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lương cho biết, đây là cách làm kinh tế mới ở địa phương, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ.
“Vùng đất đồi nhà tôi rộng lớn, bỏ hoang, nhưng địa thế có thể làm nông nghiệp và phát triển du lịch cộng đồng. Người dân tộc Cao Lan cũng có nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc. Đúng lúc này, tỉnh và huyện có chủ trương phát triển du lịch nên tôi nhận được nhiều hỗ trợ cho dự án của mình”, Mau cho hay.
Năm 2020, Mau bắt tay vào thực hiện dự án trồng rau thủy canh kết hợp với du lịch cộng đồng. Vùng đất đồi bỏ hoang của gia đình được anh cải tạo thành nơi trồng rau. Mau thuê nghệ nhân dựng lại những ngôi nhà lán của người Cao Lan ngày xưa ở khu vườn nhằm phục vụ khách du lịch ăn ở. Anh cũng sưu tầm các vật dụng, trang phục của người Cao Lan để trưng bày.
Khách du lịch đến với mô hình của Mau được trải nghiệm trồng rau, tham quan các di tích, thắng cảnh địa phương và thư giãn với cảnh núi đồi yên bình, khí hậu trong lành. Đồng thời, khách có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, thưởng thức những món ăn của người Cao Lan và nghe những cô gái Cao Lan ở đây hát Sình ca (những làn điệu dân ca của người Cao Lan).
Bước đầu, mô hình khởi nghiệp của Mau có tín hiệu tích cực. Nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến tìm về tham quan, nghỉ ngơi. Mỗi tháng anh đón khoảng 200 người, doanh thu từ 80- 100 triệu đồng.