Chuyên gia WHO nói gì về việc tiêm tăng cường liên tiếp ngừa COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cơ quan tư vấn về vắc xin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại về việc sử dụng loại vắc xin ngừa COVID-19 hiện tại để tiêm nhắc lại nhiều lần.
Chuyên gia WHO nói gì về việc tiêm tăng cường liên tiếp ngừa COVID-19? ảnh 1

Ảnh minh hoạ: AP

Phát biểu hôm 11/1, nhóm Cố vấn Kỹ thuật về Chế phẩm vắc xin COVID-19 (TAG-Co-VAC) cho biết việc sử dụng loại vắc xin nguyên bản làm mũi tăng cường là cách làm sai lầm. “Việc sử dụng các loại vắc xin cơ bản làm mũi tăng cường liên tiếp là không phù hợp và không mang lại tác dụng bền vững”, đại diện TAG-Co-VAC nói.

Trong khi các loại vắc xin hiện có “tập trung vào khả năng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nặng/tử vong và giảm gánh nặng lên hệ thống y tế”, thì “chúng ta vẫn cần những loại vắc xin đạt hiệu quả cao trong việc “ngăn ngừa nhiễm trùng và lây truyền”.

“Cho đến khi những loại vắc xin mới ra đời, thì chúng ta có thể sẽ cần phải cập nhật những loại vắc xin hiện có để đối phó tốt hơn với các biến thể mới như Omicron”, nhóm này tuyên bố.

Theo TAG-Co-VAC, các hãng dược nên phát triển các loại vắc xin “có thể tạo ra phản ứng miễn dịch rộng rãi, mạnh mẽ và lâu dài để giảm thiểu việc phải tiêm liều tăng cường liên tiếp”.

Cũng trong ngày 11/1, Marco Cavaleri - một quan chức EMA (cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh Châu Âu EU) cho biết hiện cơ quan này chưa có đủ dữ liệu để đề xuất tiêm mũi tăng cường thứ 2 ngay cả khi một số quốc gia đã thúc đẩy việc tiêm mũi vắc xin thứ 4.

Theo Cavaleri, EMA “khá quan ngại về chiến lược tiêm lặp lại liên tục trong một thời gian ngắn”. “Chúng ta không thể tiêm liều tăng cường sau mỗi 3 - 4 tháng”, vì việc này có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến mọi người mệt mỏi.

Thay vào đó, các quốc gia nên kéo dài thời gian giữa các mũi tăng cường, và gắn việc này với những thời điểm nhất định ví dụ như khi bắt đầu mùa đông ở mỗi bán cầu, giống chiến lược tiêm phòng cúm.

Lời khuyên được các chuyên gia đưa ra khi ngày càng có nhiều quốc gia xem xét khả năng triển khai tiêm vắc xin liều 4. Đầu tháng này, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên bắt đầu thực hiện mũi tiêm mũi tăng cường thứ 2 cho những người trên 60 tuổi.

Trong khi đó, cơ quan y tế Anh tuyên bố vắc xin mũi 3 hiện vẫn phát huy hiệu quả và những số liệu hiện tại cho thấy chưa cần phải tiêm mũi vắc xin thứ tư.

Theo RT, Straitstimes
MỚI - NÓNG