Ảnh minh hoạ: Sky News |
Ngày 11/1, bà Catherine Smallwood - một quan chức cấp cao của WHO khu vực châu Âu đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia chưa nên coi COVID-19 là căn bệnh đặc hữu như cúm, vì chưa thể đánh giá hết mức độ lây lan của biến thể Omicron.
“Vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn, và loại virus này vẫn đang thay đổi nhanh chóng, đặt ra những thách thức mới. Chúng ta chắc chắn chưa thể gọi COVID-19 là bệnh đặc hữu”, bà Smallwood nói.
Cùng ngày, Giám đốc WHO khu vực châu Âu - Hans Kluge đưa ra một cảnh báo đáng lo ngại dựa trên tính toán của Viện Đo lường và Đánh giá y tế (IHME).
Theo ông Kluge, với tốc độ lây lan hiện tại của biến thể Omicron, hơn 50% dân số khu vực châu Âu có thể sẽ nhiễm biến thể mới trong vòng 6 đến 8 tuần tới.
Khu vực châu Âu của WHO bao gồm 53 quốc gia/vùng lãnh thổ. 50 quốc gia trong số đó đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron. Và 26 quốc gia đang ghi nhận hơn 1% dân số mắc COVID-19 mỗi tuần.
Trong tuần đầu tiên của năm 2022, châu Âu báo cáo tổng cộng 7 triệu ca mắc mới COVID-19. Con số này cho thấy tỷ lệ phổ biến của biến thể Omicron đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 2 tuần.
“Omicron lây lan nhanh hơn bất cứ biến thế nào khác chúng tôi từng thấy trước đây”, ông Kluge nói.
Dù được cho là ít có khả năng gây bệnh nặng, nhưng biến thể Omicron vẫn khiến hệ thống y tế của nhiều quốc gia châu Âu rơi vào tình trạng quá tải.
Trong tuần trước, Pháp ghi nhận trung bình hơn 300.000 ca mắc mới COVID-19/ngày. Tại Anh, số ca bệnh chạm đỉnh hơn 218.000 ca vào ngày 4/1. Công suất một số bệnh viện ở Anh đã bị đẩy đến giới hạn, khi phần lớn những bệnh nhân phải nhập viện là người chưa tiêm chủng.