Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lãnh đạo các cơ quan, tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư đã tập trung giải phóng mặt bằng hoàn thành 100%, đơn vị thi công tập trung sức lực, chỉ đạo cụ thể để làm được trên 35% khối lượng công việc, thực hiện cam kết năm 2020 thông tuyến, xe dưới 20 chỗ ngồi đi được, năm 2021 hoàn thành dự án.
“Đây là sự cố gắng rất lớn của chủ đầu tư, của Bộ GTVT, đặc biệt là tỉnh Tiền Giang và các đơn vị liên quan” – Thủ tướng nói, đồng thời đề nghị các đơn vị liên quan xử lý phần vốn còn lại một cách chặt chẽ, kịp thời và đúng pháp luật. Tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm xử lý vấn đề vật liệu bị nhiễm mặn để thi công đúng tiến độ; Bộ GTVT lập phương án thu phí đoạn cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ phương án thi công tuyến Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Thủ tướng cũng hoan nghênh các ngân hàng đã xử lý vấn đề vốn. “Ngân sách nhà nước cũng đã có, chỉ còn tinh thần quyết tâm làm thì chúng ta sẽ giải quyết thông tuyến đồng bộ cao tốc TP Hồ Chí minh đến Cần Thơ. Tôi yêu cầu Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư, tổng thầu tập trung thực hiện những giải pháp cụ thể để thực hiện đúng chất lượng và tiến độ công trình” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp dự án (DNDA) là Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, hiện dự án đã hoàn thành thi công cắm bấc thấm để xử lý nền đất yếu trên tuyến chính và đang trong giai đoạn đắp gia tải, triển khai thi công cầu. Tính đến nay, qua 11 tháng kể từ khi khi Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành, dự án đã thi công đạt hơn 35% khối lượng của toàn dự án, tăng gấp 3 lần so với khối lượng 10 năm trước.
Về nguồn vốn của dự án, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác do nhà đầu tư huy động là 3.400 tỷ đồng, đã huy động đủ và đã giải ngân vào dự án 2.500 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ cho dự án là 2.186 tỷ đồng đã được giải ngân 1.733 tỷ đồng.
Còn phần vốn tín dụng, liên danh các ngân hàng cấp tín dụng gồm Vietinbank, BIDV, Agribank, VPBank và các bên liên quan đã ký hợp đồng tín dụng ngày 16/12/2019 với hạn mức cam kết tài trợ là 6.686 tỷ đồng. Thời gian qua, do vướng các thủ tục pháp lý giữa phía ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang nên việc giải ngân nguồn vốn gặp nhiều khó khăn.
Ngày 6/3 vừa qua, Vietinbank chi nhánh 4 – TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi DNDA cho biết hồ sơ giải ngân và các điều kiện tiên quyết trước ngày giải ngân đã đảm bảo theo quy định của hợp đồng tín dụng. Vietinbank đại điện cho các ngân hàng tài trợ vốn cam kết sẽ giải ngân khoản vay đầu tiên cho dự án vào ngày 9/3/2020.
Cũng theo DNDA, để khai thác đồng bộ và phát huy hiệu quả toàn tuyến cao tốc, đồng thời tránh rủi ro cho phương án tài chính của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì cần đảm bảo việc hoàn thành cầu Mỹ Thuận 2 trong năm 2021 và khẩn trương triển khai hoàn thành đoạn cao tốc từ Mỹ Thuận đi Cần Thơ (4.800 tỷ đồng).