TPO - Trong khi thanh long, dưa hấu... bị ách tắc đường tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 thì các cây trồng chủ lực khác như lúa, sầu riêng... lại èo uột, quay quắt do hạn, mặn. Vựa lúa, vựa trái cây của cả nước đang điêu đứng giữa mùa khô khắc nghiệt.
Lúa Đông Xuân ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) cháy khô do thiếu nước nhiều ngày. Ảnh: Cảnh Kỳ
Nông dân xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông với ruộng lúa gần như mất trắng do hạn hán. Ảnh: Nhật Huy
Ruộng lúa của anh Dương Văn Thanh Vũ (ấp Kênh Ngang, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) từ hơn một tháng nay không hề có nước, cỏ đã cao và nhiều hơn lúa, vụ này xem như anh trắng tay. Ảnh: Cảnh Kỳ
Lúa xem như mất trắng. Ảnh: Nhật Huy
Theo đại diện UBND xã Tân Thành, diện tích lúa trên địa bàn chiếm đến 80% diện tích đất nông nghiệp, hiện đa phần lúa Đông Xuân đang thời kỳ trổ bông nhưng đã nhiều ngày không có nước. Ảnh: Nhật Huy
Theo UBND huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), hầu hết các tuyến kênh trên địa bàn đã hết nước. Ảnh: Cảnh Kỳ
Ảnh: Cảnh Kỳ
Một ruộng lúa ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) cũng xem như mất trắng. Ảnh: Nhật Huy
Một số nơi xuống giống sớm nay đã cho thu hoạch nhưng cũng chỉ 'kiếm được chút nào hay chút đó'. Trong ảnh: Thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020 ở Vĩnh Long. Ảnh: Cảnh Kỳ
Không chỉ lúa bị ảnh hưởng, trái cây như sầu riêng cũng bị giảm năng suất do thiếu nước. Ảnh: Nhật Huy
Tại xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), nơi sầu riêng được đánh giá rất ngon và là cây trồng chủ lực của địa phương, do nắng hạn và nấm bệnh nên hàng trăm héc ta sầu riêng bị cháy lá, năng suất giảm 25-30%. Ảnh: Cảnh Kỳ
Theo một thương lái thu mua sầu riêng ở xã Thanh Bình, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên giá sầu riêng cũng giảm gần 50% so với thời điểm này năm ngoái. Cụ thể, giá hiện 30-40.000 đồng/kg, trong khi năm trước từ 60-70.000 đồng/kg. Ảnh: Nhật Huy
Tình hình xâm nhập mặn kéo dài, nguồn nước trong các ao trữ nước của người dân cũng bị nhiễm mặn dẫn đến thiếu nước tưới cho cây trồng. Tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, các nhà vườn phải thuê sà lan chở nước từ thượng nguồn về cứu cây.
Theo người dân, đây là đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất mà họ từng thấy. Lần đầu tiên cả cù lao với hơn 1.500ha sầu riêng (chiếm 90% diện tích nông nghiệp) đang khát nước ngọt trầm trọng. Việc thuê chở nước về tưới là giải pháp tình thế để cứu vườn sầu riêng không bị chết, từ đầu đợt hạn mặn đến nay có người bơm vào vườn đến 2 sà lan nước, tốn 20 triệu đồng nhưng chỉ cầm cự được một thời gian ngắn. Song, những ngày tới nếu không mưa hoặc độ mặn không giảm thì vẫn phải tiếp tục tốn kém theo cách này.
Cây sầu riêng từ lúc trồng đến thu hoạch đợt trái đầu tiên phải mất đến 5 năm, mỗi cây có thể cho trái từ 100-150kg/năm. Nếu để cây chết do thiếu nước hoặc nhiễm mặn thì thiệt hại sẽ rất lớn và mất rất nhiều thời gian để hồi phục…
Bán đất, bán ruộng, ly hương, tìm miền đất hứa là thực trạng không hiếm nhiều năm qua ở các tỉnh miền Tây. Ảnh: Cảnh Kỳ
Một ruộng lúa đang bị rao bán ở Vĩnh Long. Ảnh: Nhật Huy