Ngày 11/10, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của chính quyền các cấp và đề xuất đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết: phương thức hoạt động của mô hình chính quyền hiện nay còn nhiều bất cập như: chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số việc; còn thiếu cơ chế đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong giám sát bộ máy chính quyền đô thị; việc thực hiện quyền dân chủ đại diện của người dân thông qua HĐND chưa phát huy thực chất ở nhiều nơi.
Bên cạnh đó, với cơ chế tổ chức bộ máy hành chính ở Đà Nẵng hiện nay thì HĐND TP vẫn chưa được giao đủ thẩm quyền để ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội…Từ đó, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng đưa ra 2 phương án xây dựng chính quyền đô thị để lấy ý kiến của đại diện các quận huyện, xã, phường và các chuyên gia.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đồng thuận với phương án 1 mà Sở Nội vụ TP Đà Nẵng đưa ra là tổ chức một cấp chính quyền (cấp TP) và hai cấp hành chính (quận, huyện và phường, xã). Ở cấp TP sẽ có HĐND và UBND, không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường, xã mà chỉ có UBND.
Ông Đặng Công Ngữ (nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng) cho rằng: Đà Nẵng từng hiện thí điểm chính quyền đô thị bằng việc không tổ chức HĐND cấp phường, xã từ năm 2009. Tuy nhiên đến năm 2016, Luật Chính quyền địa phương có hiệu lực, thành phố đã phái tái tổ chức HĐND cấp phường, xã.
Sau một thời gian thực hiện Luật Chính quyền địa phương, không riêng Đà Nẵng mà 10 tỉnh, thành khác trên cả nước đã vấp phải những khó khăn nhất định và đã có kiến nghị Trung ương cho tổ chức thí điểm Chính quyền đô thị. Việt Nam chưa chính thức thực hiện Chính quyền đô thị, trong khi mô hình này đã được nhiều nước trên thế giới hàng trăm năm nay.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nhiều địa phương muốn tổ chức chính quyền đô thị nhưng lại không có được một mô hình chuẩn hoặc nêu cụ thể việc sẽ học tập, áp dụng mô hình của quốc gia nào, dẫn đến việc lúng túng trong tổ chức, thực hiện.
Ông Ngữ đề nghị cần có sự điều chỉnh, tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND TP để làm người đại diện trên các khu vực; đổi mới phương thức hoạt động của HĐND TP để mô hình chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả. Đơn vị hành chính huyện và một số xã của Hòa Vang nên xin cơ chế đặc thù và áp dụng như tính chất với quận, phường nhằm thống nhất công tác quản lý chung cho toàn TP…
Theo TS. Nguyễn Huyền Hạnh - Phó viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước TCNN (Bộ Nội vụ) hiện nay tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục, như: chức năng, nhiệm vụ của chính quyền đô thị chưa có những đổi mới, điều chỉnh cơ bản cho phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường; vẫn còn mang nặng dấu ấn của cơ chế tập trung, bao cấp, chính quyền còn trực tiếp can thiệp vào nhiều việc của thị trường, của người dân; còn trực tiếp ôm đồm, quyết định nhiều công việc không phải đích thực là của chính quyền.
Bà Hạnh đề xuất không tổ chức đầy đủ 3 cấp chính quyền địa phương ở đô thị như hiện nay. Theo mô hình này, ở mỗi đô thị chỉ có một cơ quan HĐND, có vai trò quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội của đô thị, còn tại các đơn vị hành chính nội bộ đô thị (quận, phường) chỉ có các cơ quan hành chính nhà nước, để thực thi các nhiệm vụ cụ thể của quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên từng địa bàn theo phân cấp và ủy quyền của chính quyền thành phố, thị xã. Điều này phù hợp với đặc điểm, tính chất tập trung thống nhất cao của đô thị….
Ông Lê Trung Chinh (Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cho biết: thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị và thông qua Đề cương Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Theo đó, sẽ có 8 chuyên đề được nghiên cứu, soạn thảo làm tiền đề cơ sở lý luận, thực tiễn cho dự thảo tổng thể Đề án thí điểm chính quyền đô thị.
Mục tiêu chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp của thành phố; phù hợp với đặc điểm, quy mô, tính chất đặc thù của đô thị loại I thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, văn minh, hiện đại.
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã phân công Ban Cán sự Đảng UBND TP, lãnh đạo UBND TP, các sở, ban, ngành đăng ký làm việc với các bộ, ngành Trung ương để xin định hướng triển khai các cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó có định hướng về xây dựng mô hình chính quyền đô thị.
Phương án hai mà sở Nội vụ TP Đà Nẵng đưa ra là sẽ tổ chức hai cấp chính quyền (cấp TP và quận, huyện), một cấp hành chính tại phường. Cụ thể là không tổ chức HĐND phường tại TP Đà Nẵng. Đây là mô hình thí điểm được Bộ Chính trị cho phép TP Hà Nội thực hiện.