Phút chạnh lòng của đội tuyển bóng đá nữ

Các cô gái của ĐT bóng đá nữ Việt Nam vẫn miệt mài tập luyện, thi đấu xa nhà dù đúng dịp lễ 8/3 của chị em. Ảnh: VSI
Các cô gái của ĐT bóng đá nữ Việt Nam vẫn miệt mài tập luyện, thi đấu xa nhà dù đúng dịp lễ 8/3 của chị em. Ảnh: VSI
TP - Thân con gái bén duyên với nghiệp quần đùi áo số, nhận nhiệm vụ là lên đường bất kể lễ tết, nắng mưa, xa nhà. Nhiều khi xa nhà, nghĩ tủi thân đến rớt nước mắt, rồi lại cười xoà để chúi đầu vào tập luyện, thi đấu.

Vòng loại thứ 3 Olympic Rio de Janeiro 2016 diễn ra từ ngày 29/2 đến 9/3 tại thành phố Osaka (Nhật Bản). Đối thủ của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam gồm toàn những gương mặt “khủng” của làng bóng đá châu Á: CHDCND Triều Tiên, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Sáu đội mạnh nhất châu lục tranh nhau 2 suất tham dự Thế vận hội.

Cơ hội của thầy trò HLV Mai Đức Chung, thoạt trông đã biết là quá nhỏ, hay gần như bất khả thi. Tuy nhiên, quyết tâm của cả thầy và trò thì rất lớn. Dẫu gì cũng là dịp tranh tài với các đối thủ hàng đầu châu lục, không “bổ thượng, cũng bổ hạ”.

Từ trước Tết Nguyên đán 2016, đội đã lục tục tập trung tại Hà Nội để tập luyện, bất kể thời tiết giá lạnh. Ra Tết chẳng bao lâu, hôm 26/2 ông Chung đã dẫn cả đội lên đường sang Nhật Bản. Đội muốn có được sự chuẩn bị tốt nhất, để dù không thành công cũng có thể tự hào ra về.

Cũng không ngoài dự đoán từ trước, trải 3 trận đấu đầu tiên, đội tuyển Việt Nam thua cả 3. Nhưng nếu nhìn vào kết quả cũng như diễn biến từng trận đấu, những gì các cô gái thể hiện ở giải lần này cũng đã rất đáng tự hào. Đội để thua Trung Quốc 0-2 trong trận ra quân, thua đậm Australia tới 0-9 nhưng rồi lập tức gượng dậy để chiến đấu rất quật cường trước CHDCND Triều Tiên, đội bóng cực mạnh tại châu lục. Thất bại với tỉ số 0-1 của tuyển nữ Việt Nam ở trận này được đánh giá là 1 kết quả đáng khen ngợi.

Con gái, ai chẳng thích hoa

Lại nhớ hồi 2011, cô gái vàng Đỗ Thị Ngọc Châm khi ấy ra ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội. Hẹn gặp Ngọc Châm trong 1 quán cà phê nhỏ ở Hà Nội, nghe cô kể đủ cái gian nan, vất vả của đời cầu thủ.

Con gái theo nghiệp thể thao đã khổ, trót mê trái bóng lại càng vất vả hơn. Lương, thưởng chả bao nhiêu, tập luyện thì bất kể nắng, mưa. Cô nào, cô nấy cứ đen nhẻm, chưa kể chân tay xước sẹo, mất cả duyên. Rồi thì mỗi khi có giải, nhận nhiệm vụ là lên đường, lịch thi đấu thuận lợi không sao, trùng dịp lễ tết cũng phải chịu. Ngọc Châm may mắn khi cứ rực rỡ như 1 bông hoa, rồi kết thúc sự nghiệp với 1 cuộc sống khá tròn trịa. Nhưng bóng đá nữ, mấy người được như cô.

Nhìn lịch thi đấu, sau trận đấu hôm qua với chủ nhà Nhật Bản, các cô gái vẫn còn 1 trận cuối với Hàn Quốc vào ngày 9/3, coi như “mất đứt” ngày của chị em. Cựu tiền vệ Văn Thị Thanh hồi còn thi đấu từng kể, nhiều khi nhìn chúng bạn vui chơi trong ngày lễ, rồi thì nhận hoa, quà của người yêu, lại không khỏi chạnh lòng. Nhìn lại mình vẫn phải mải miết với quả bóng, đam mê mấy thì cũng khó tránh khỏi buồn.

Trên trang cá nhân của các cô gái hôm qua, chỉ thấy những lời động viên nhau, và cả lời chúc may mắn từ bạn bè, người hâm mộ cho các trận đấu ở Vòng loại Olympic. Ai có biết làm con gái, cũng thèm được nhận hoa, vui chơi trong ngày riêng của chị em, thay vì quần quật trên sân tập rồi căng mình cho mỗi trận đấu. Đối thủ thì toàn “hàng khủng”, trận nào đá xong ra về cũng gần như rút cả sức lực. “Mới 2 trận mà bầm dập hết rồi “đại ca” ơi”, tiền vệ Tuyết Dung thốt lên sau 2 trận đấu đầu tiên.

Đã đành giành vé đến Thế vận hội là nhiệm vụ bất khả thi, thua trận, chẳng biết lần này về có được lãnh đạo quan tâm không? 

Trái với tuyển nam, hễ thua là ăn đủ “gạch, đá” từ dư luận và giới hâm mộ, các cô gái đá bóng dù thua nhưng vẫn nhận được nhiều sự động viên, cổ vũ. Phận nữ, cũng chỉ được mỗi tình cảm yêu mến từ CĐV, chứ còn lại thứ gì cũng thua xa đồng nghiệp nam.

MỚI - NÓNG