Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Huỳnh Hữu Tuệ. |
Là người nhiều năm học tập, giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Laval (Canada) và một số trường đại học lớn trên thế giới, so với các nước, giáo sư thấy hạn chế của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là gì?
Học sinh Việt Nam rất thông minh, ham học nhưng chính phương pháp giảng dạy lâu nay đã kìm hãm sự phát triển của các em. Cách giảng dạy và thi cử vẫn mang tính chất nhồi sọ, chưa giúp học sinh phát huy hết trí tuệ và khả năng làm việc độc lập.
Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất trong trường học cũng còn nhiều hạn chế. Giảng viên còn thiếu. Tôi xin đơn cử, ở nhiều trường trung học trên thế giới, giáo viên đứng lớp 12 - 13 tiếng/tuần, nhưng ở Việt Nam, có nơi giáo viên trung học phải giảng đến 30 tiếng/tuần. Đây cũng là yếu tố “góp phần” làm giảm tính hiệu quả trong giáo dục.
Tóm lại, theo tôi, một trong những hạn chế lớn nhất của giáo dục Việt Nam hiện nay là cơ chế và cơ sở kinh tế. Cơ chế khiến học sinh, sinh viên luôn thụ động trong học tập, còn cơ sở kinh tế khiến thầy, cô không đủ sống với đồng lương được trả.
Vừa qua, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau về việc Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, cũng như mở rộng hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán, ý kiến của giáo sư thế nào?
Thi trắc nghiệm mang tính khoa học và chính xác rất cao chứ không phải như một số người lầm tưởng. Cá nhân tôi cho rằng, việc chọn hình thức thi trắc nghiệm các môn phải tùy vào mục tiêu đánh giá.
Nếu để kiểm tra kiến thức tích lũy của học sinh, Bộ GD&ĐT có thể chọn hình thức thi trắc nghiệm, nhưng để kiểm tra kiến thức tổng hợp, thi tự luận sẽ hợp lý hơn.
Về việc tổ chức thi tuyển hay xét tuyển, tôi được biết, các nước trên thế giới áp dụng nhiều hình thức khác nhau. Riêng ở Pháp có 3 hệ thống đào tạo: hệ thống Đại học (học sinh chỉ nộp học bạ, không phải thi), hệ thống các trường cao cấp (sau khi học xong trung học, học sinh học tiếp 2 năm dự bị rồi mới thi vào trường), hệ thống trường cao cấp nhưng không tổ chức thi (xuất hiện vào khoảng 30 - 40 năm trở lại đây, chỉ xét dựa vào học bạ trung học và bằng tú tài).
Ở châu Á có Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn tổ chức kỳ thi đại học do chế độ khoa cử từ xưa và cán cân cung - cầu chênh lệch. Ở Việt Nam, do nhu cầu lớn nên các trường đại học phải lựa chọn.
Theo tôi, bất cứ phương án tuyển sinh nào đều không đảm bảo tuyệt đối. Nếu giao cho trường ra đề, các thầy cô giáo ra đề thi sẽ “hút” một lượng lớn học sinh “luyện lò”. Vì thế, tôi vẫn cho rằng, nếu thi chung, chất lượng đầu vào vẫn cao hơn thi tuyển từng trường.
Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà sẽ tuyển sinh theo hình thức nào và có bao nhiêu hình thức đào tạo, thưa giáo sư?
Chúng tôi đã đề nghị Bộ GD&ĐT căn cứ kết quả đợt tuyển sinh vừa rồi để chiêu sinh đợt đầu. Trường tuyển sinh theo khối A và D1 ở cả 6 ngành: Công nghệ thông tin, Điện tử - viễn thông, Kế toán – kiểm toán, Tài chính, Ngân hàng và Quản trị kinh doanh. Bất kỳ học sinh nào đạt từ điểm sàn của Bộ trở lên đều có quyền nộp hồ sơ.
Mô hình trường Đại học Quốc tế Bắc Hà (đang được xây dựng ở Bắc Ninh). |
Trường sẽ xét tuyển dựa trên học bạ và bằng tốt nghiệp THPT, đặc biệt sẽ phỏng vấn trực tiếp (bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt tùy theo yêu cầu của học sinh).
Ban đầu, do điều kiện cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, trường chỉ chiêu sinh 500 - 600 sinh viên hệ chính quy đại học. Chúng tôi đang chờ Bộ đồng ý là tổ chức chiêu sinh luôn khóa một.
Trong số này, 200 sinh viên sẽ được gửi sang Đại học Graffith (Úc) học từ một đến hai năm, sau khi đã họ ở Việt Nam từ hai đến 2,5 năm. Số sinh viên còn lại sẽ học trong nước. Nếu học trong nước, sinh viên đóng học phí khoảng 15 - 24 triệu/năm. Học phí cho sinh viên sang Úc học là 2.500 - 3.000 USD/năm.
Trường sử dụng các chương trình giảng dạy của Đại học Graffith bằng tiếng Việt, cũng như tổng hợp nhiều chương trình giảng dạy khoa học tại các trường đại học khác trên thế giới.
Yêu cầu quan trọng nhất đối với mỗi sinh viên của trường là tiếng Anh, đặc biệt với các sinh viên học chuyển tiếp sang Úc.
Nếu sinh viên không có vốn ngoại ngữ tốt, khi sang Úc sẽ phải tiếp tục học tiếng Anh để có thể tiếp thu bài giảng. Với sinh viên học tại Việt Nam, yêu cầu phải sử dụng tiếng Anh thành thạo sau khi ra trường. Hiện một số nơi sẵn sàng nhận “đầu ra” của trường như Hội Doanh nghiệp trẻ, Công ty CMC...
Do chưa xây xong trường ở Bắc Ninh nên năm đầu chúng tôi chưa đào tạo sau đại học, mặc dù trường Đại học Griffith đã nhận lời liên kết đạo tạo MBA. Việc tuyển sinh viên nước ngoài cũng đang nằm trong chiến lược phát triển của nhà trường nhưng chưa phải thời điểm hiện tại.
Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà có mời những giáo sư nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học?
Giảng viên của trường chủ yếu là giới khoa học trẻ ở Việt Nam nhưng đã nhận được học bổng làm Thạc sỹ và Tiến sỹ ở nước ngoài và các sinh viên xuất sắc tốt nghiệp từ nhiều trường đại học trên cả nước. Yêu cầu đặt ra là giảng viên phải có trình độ sư phạm, khoa học và nghiên cứu cao.
Cho đến lúc này, tôi cũng nhận được ba hồ sơ của ba Tiến sĩ trẻ đang học tập và làm việc tại nước ngoài xin về trường công tác.
Xin cám ơn giáo sư.
Năm 2005, nhận lời mời của Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu (khi đó là Hiệu trưởng Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Huỳnh Hữu Tuệ, sau nhiều năm học tập và giảng dạy tại Canada, quyết định trở về Việt Nam làm chủ nhiệm bộ môn Xử lý thông tin của Khoa Điện tử Viễn thông - Đại học Công nghệ. Mới đây, Giáo sư Tuệ đã đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Bắc Hà. |
Lan Dung - Xuân Mai
Thực hiện