Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Có làm thay đổi cách tuyển sinh đại học?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều nay, (29/11), Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018. Trong đó, nhiều vấn đề "nóng" được đặt ra với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

Theo đó, phương án thi sẽ có 4 môn, trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn bắt buộc và 2 môn học sinh lựa chọn trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.

Như vậy, số môn thi và việc học sinh biết trước môn thi hoàn toàn giống với thi THPT cách đây hơn 40 năm. Tuy nhiên, việc thi 4 môn năm 2025 có nhiều điểm mới (có 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây).

Khi lấy ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cho đối tượng học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT từng đưa ra hai phương án.

Cụ thể:

Phương án 1: lựa chọn 3 + 2, thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Phương án 2: lựa chọn 4 + 2, thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Kết quả được Bộ GD&ĐT tập hợp là gần 74% chọn phương án 1 (thi ba môn bắt buộc). Theo nhận định của cán bộ, giáo viên tham gia lấy ý kiến thì phương thức 4+2 có ưu điểm là có nhiều môn học bắt buộc phải thi, tăng động lực học tập cho học sinh.

Nhưng nhược điểm là kỳ thi sẽ cồng kềnh (thêm số buổi thi, môn thi, tăng chi phí, nhân lực cho kỳ thi), học sinh chịu nhiều áp lực. Phương án này cũng ít tính mềm dẻo do cơ hội lựa chọn của học sinh thấp, không đúng tinh thần dạy học phân hóa ở cấp THPT.

Phương án 3+2 bớt cồng kềnh, áp lực. Nhưng nhiều ý kiến băn khoăn khi có bốn môn học bắt buộc nhưng lại chỉ có ba môn thi bắt buộc, môn lịch sử cuối cùng vẫn bị loại ra.

Trong quá trình trưng cầu ý kiến có 18.000 cán bộ giáo viên ở năm địa phương là TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang đề xuất một phương án khác, ngoài các phương án Bộ GD-ĐT đưa ra. Đó là thi bốn môn, trong đó có hai môn bắt buộc là ngữ văn, toán và hai môn lựa chọn (2+2).

Theo Bộ GD&ĐT, kết quả khảo sát trên phạm vi cả nước với 130.672 cán bộ, giáo viên tham gia: có 34.521 chọn phương án 4+2 chiếm 26,41%; có 96.151 chọn phương án 3+2 chiếm 73,59%;

Tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/8/2023 kết quả: có 64 chọn phương án 4+2 chiếm 31,2%; có 141 chọn phương án 3+2 chiếm 68,8%;

Kết quả có 17.981 cán bộ, giáo viên tham gia ý kiến: Trong đó 40% chọn Phương án 4+2; 59,8% chọn Phương án 2+2 môn thi và 0,2 % chọn ý kiến khác.

Kết quả lấy ý kiến 10 chuyên gia có 3 chuyên gia chọn phương án 3+2; 6 chuyên gia chọn phương án 2+2 và 1 chuyên gia đề xuất phương án 2+3.

Sau khi công bố phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai phương án này đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra.

Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp trung học phổ thông thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay.

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Có làm thay đổi cách tuyển sinh đại học? ảnh 1

Phóng viên đặt câu hỏi trong cuộc họp báo

Có thi hơn 4 môn được không?

Trong cuộc họp báo chiều nay, nhiều vấn đề được đặt ra: Nếu từ năm 2025 thi theo phương án mới thì thí sinh trượt tốt nghiệp năm học 2023-2024 sẽ thế nào?; phương án này môn ngoại ngữ sẽ không còn là môn bắt buộc liệu có làm giảm chất lượng môn ngoại ngữ; liệu học sinh có được thi hơn 4 môn như quy định,…?

Trước câu hỏi của phóng viên: “Đối với các em học sinh của năm nay, là lứa thí sinh cuối cùng. Theo thống kê hàng năm có hàng nghìn em trượt tốt nghiệp. Vậy số lượng học sinh sẽ hướng dẫn ôn tập, thi lại tốt nghiệp lại vào năm 2025 khi có nhiều đổi mới sẽ thế nào”?

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin, học sinh không may mắn trượt trong kì thi tốt nghiệp năm 2024 có thể hoàn toàn yên tâm vì sẽ được thi lại vào năm sau. Học sinh học theo chương trình nào thi theo chương trình đó. Các em sẽ thi theo nội dung và phương thức thi theo chương trình phổ thông 2006.

“Những học sinh này sẽ thi cùng với lứa học sinh năm 2025 nhưng kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông 2006”- lãnh đạo Bộ chia sẻ.

Một vấn đề “nóng” khác mà nhiều người quan tâm và còn băn khoăn: Phương án thi là 2+2 thì thí sinh liệu có thể chọn thi nhiều hơn 4 môn hay không?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin, mô hình hiện tại 2+2 là 2 môn tự chọn và 2 môn bắt buộc. Về nguyên tắc tổ chức thi thì hiện nay chưa cho thực hiện điều ấy (là hơn 4 môn- PV). Sẽ không ghép nối thêm một môn vì sẽ trùng lặp.

Về vấn đề môn ngoại ngữ sẽ bỏ là môn thi bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 liệu có ảnh hưởng đến chất lượng của môn ngoại ngữ? Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng, môn tiếng Anh chỉ là một trong 7 ngoại ngữ sẽ được thi trong kì thi tốt nghiệp THPT. Việc dạy và học ngoại ngữ được Bộ GD&ĐT quan tâm nên không có chuyện vì không thi mà học sinh sẽ không học và giảm chất lượng.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Trước khi cuộc họp báo công bố phương án thi chiều nay, nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên băn khoăn.

Trả lời phóng viên báo Tiền Phong, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Sư Phạm cho rằng, thầy ủng hộ phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 mà bộ GD&ĐT vừa công bố.

Tuy nhiên, thầy Công cho rằng, phương án này có một vấn đề là số tổ hợp để xét tuyển đại học đang giảm. Nếu đúng chỉ thi 4 môn thì sẽ thay đổi rất nhiều trong việc xét tuyển đại học.

Như vậy, theo thầy Công, nếu dùng môn thi tốt nghiệp để xét vào đại học thì số tổ hợp xét tuyển sẽ giảm đi đáng kể. Học sinh phải hướng nghiệp chính xác mới có thể xét tuyển đúng vì mỗi em chỉ còn một đến hai tổ hợp xét tuyển.

Mặt khác, theo giáo viên này, các trường sẽ đẩy mạnh tuyển sinh bằng các kỳ thi riêng, kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi đánh giá tư duy, hoặc các kỳ thi riêng của các đơn vị.

“Nếu em nào muốn nhiều cơ hội thì thi nhiều. Kì thi sẽ đúng nghĩa là thi tốt nghiệp thôi. Vẫn có bạn chọn được tổ hợp truyền thống phù hợp”- giáo viên này chia sẻ.

Tuy nhiên, giáo viên này còn băn khoăn, liệu có thêm môn tự chọn tự do cho thí sinh không?

“Tốt nghiệp thì phương án này phù hợp như nếu xét đại học thì cần thêm môn tự chọn theo nhu cầu sẽ ổn hơn. Như vậy, phương án thi sẽ vừa đóng vừa mở. Thí sinh nào chỉ tốt nghiệp thì chỉ thi tốt nghiệp thôi”- thầy Công nhận định.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.