Nhiệm kỳ 2021-2025 tỉnh Phú Yên:

Phú Yên từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển

TP - Năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định việc thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế, xã hội của Phú Yên thời gian qua có nhiều điểm sáng.

Ngay từ đầu năm 2024, với tiêu chí “năm tăng tốc” để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, Phú Yên tập trung nhiều nguồn lực để phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Tỉnh Phú Yên đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024, trong đó tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện quyết liệt một số giải pháp trọng tâm, như: Thực hiện tốt công tác quy hoạch, nhất là xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 đã được phê duyệt và các quy hoạch khác như quy hoạch chung thành phố Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu, quy hoạch các khu vực phát triển du lịch, dịch vụ…để tạo dựng khung định hướng phát triển chung của toàn tỉnh với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Phú Yên trở thành một tỉnh trù phú và bình yên.

Phú Yên từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển ảnh 1

Một góc thành phố Tuy Hòa từ hướng biển. Ảnh: Như Ý

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, khoáng sản, bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, trong đó có công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh. Tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị triển khai đầu tư một số dự án lớn, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như: khởi công và đang thi công tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên đoạn phía Bắc cầu An Hải; đang tiến hành thủ tục dự kiến cuối năm 2024 tiếp tục khởi công đoạn kết nối huyện Tuy An - thành phố Tuy Hòa; đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản nhi mới; đang hoàn thiện thủ tục đầu tư mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường; hoàn thiện các thủ tục để đầu tư, mở rộng Nhà ga hành khách T2-Cảng hàng không Tuy Hòa vào đầu năm 2025.

“Với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, tin tưởng rằng tỉnh Phú Yên sẽ thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra, tạo đà tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn tới”.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn

Trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện lớn, mang tầm quốc gia, thu hút được nhiều sự quan tâm của nhân dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cụ thể tính đến hết tháng 7/2024 tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên tăng 25,2% so với cùng kỳ, tổng thu từ khách du lịch đạt 4.552 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ.

Phú Yên từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển ảnh 2

Thành phố Tuy Hòa nhìn từ đỉnh núi Nhạn. Ảnh: NHư Ý

Đồng thời, tích cực phối hợp với nhà đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án lớn, quan trọng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Khu Kinh tế Nam Phú Yên như Khu công nghiệp Hòa Tâm, Khu công nghiệp công nghệ cao, Cảng Bãi Gốc… đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy, tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính; xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số; nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra.

Để thực hiện hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển, vào ngày 03/03/2024 tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024 nhằm cung cấp các thông tin quy hoạch đến các nhà đầu tư, qua đó giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, các danh mục dự án ưu tiên của tỉnh tới nhà đầu tư, góp phần huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đã tập trung rà soát quy hoạch sử dụng đất để phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh, đầu tư phát triển hạ tầng cho sản xuất, phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Nam Phú Yên để phát huy các lợi thế ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao như: luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng… Phấn đấu xây dựng thành phố Tuy Hòa trở thành đô thị biển với hệ thống công viên cây xanh, có rừng trong trung tâm thành phố và từng bước phát triển trở thành trung tâm kinh tế biển của khu vực Nam Trung bộ.

Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, kinh tế phát triển dựa trên lợi thế, tiềm năng với 3 trụ cột: Công nghiệp (luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng,...) được hình thành, phát triển ở phía Nam của tỉnh mà hạt nhân là Khu Kinh tế Nam Phú Yên; Du lịch dịch vụ chất lượng cao được xây dựng, phát triển ở vùng duyên hải phía Bắc và miền núi cao nguyên của tỉnh với các danh thắng nổi tiếng như: Vịnh Xuân Đài, Ghềnh Đá Đĩa, Đầm Ô Loan… và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở khu vực đồng bằng phía Tây của tỉnh. Theo đó, đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững; đến năm 2035 Phú Yên tự cân đối được NSNN và tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, là một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung bộ.

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, trong thời gian qua Phú Yên đã và đang tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó ưu tiên nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm nhằm mở ra không gian phát triển, tập trung mọi nguồn lực để thu hút các nhà đầu tư chiến lược để triển khai các dự án trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển đó là công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng với công nghệ hiện đại và đảm bảo môi trường.

Vượt thách thức, thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh này cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trên một số ngành, lĩnh vực; tình hình thực hiện một số chỉ tiêu như: quy mô nền kinh tế nhỏ; tốc độ tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội khác đạt thấp so với kế hoạch đề ra; thu ngân sách thấp và chưa bền vững; nguồn lực để thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; cải cách hành chính không đạt như kỳ vọng, nhất là thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, môi trường đầu tư chưa thực sự được cải thiện; tình trạng quá tải ở một số bệnh viện, thiếu thuốc, vật tư y tế trong chăm sóc sức khỏe nhân dân... là thách thức rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025.

Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là rất lớn, và cũng chính là cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu cho cả nhiệm kỳ. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Tạ Anh Tuấn, trước tiên và quan trọng nhất cả hệ thống chính trị của tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân Phú Yên phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thực hiện bằng ý chí và hành động cụ thể.

Trong đó, chính quyền tỉnh sẽ nỗ lực, năng động, tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao đạo đức công vụ, tác phong, lề lối làm việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không đùn đẩy né tránh trách nhiệm, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

MỚI - NÓNG
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
TPO - Theo ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ -  hiện nay vẫn còn một số khu vực nội ô thành phố khi trời mưa 1-2 giờ sau nước mới rút, cho thấy do năng lực thoát nước của thành phố có vấn đề