Chiều 2/12, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội. Báo cáo về kết quả kiểm tra của 5 đoàn công tác của thành phố, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tại các khách sạn phục vụ cách ly, camera giám sát chưa được tốt, không đầy đủ, nhiều khi việc giám sát không được thường xuyên, dẫn đến không biết người thực hiện cách ly có tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc hay không.
Cùng với đó, việc phân luồng đi lại trong khách sạn cũng chưa rõ ràng; việc phân loại rác thải theo quy định chưa thực hiện nghiêm túc. Tại các nơi công cộng, việc tuân thủ quy định phòng chống dịch chưa nghiêm túc, đặc biệt là việc đeo khẩu trang.
Theo ông Hiền, một số điểm cách ly ở nơi lưu trú còn trong khu vực đông người. “Chúng tôi kiến nghị, khi cho phép cách ly tại khu lưu trú phải riêng biệt thì mới được cách ly, không cho phép cách ly tại nơi lưu trú đông dân cư, khu chung cư”, ông nói. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nêu “rất băn khoăn” với việc cách ly các tiếp viên hàng không.
“Với tiếp viên hàng không, phải đảm bảo cách ly đủ 14 ngày. Những người này đi lại nhiều, cách ly tại nhà, tại nơi lưu trú thường hay đi lại. Phải yêu cầu có phòng riêng, nơi cách ly riêng. Nếu không thì yêu cầu cách ly tập trung đủ 14 ngày”, ông Hiền đề nghị.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, hiện nay, Hà Nội có 17 khách sạn phục vụ cách ly với tổng cộng 1.759 phòng, 2.850 chỗ. Về cách ly tổ bay, theo ông Chung, Hà Nội bố trí 3 cơ sở, gồm 200 Nguyễn Sơn của Vietnam Airlines, khách sạn Hyatt và khách sạn Hilton, với công suất 361 người. Hiện thu dung 157 người, lũy tích đến nay đạt 9.521 người. Thời gian qua, tại 17 khách sạn, phát hiện 7 ca dương tính, nhưng không có việc lây nhiễm tại khách sạn.
Ông Chung nhận định, nguy cơ lây nhiễm tại các khách sạn, nơi cách ly tổ bay là rất cao. Ông đề nghị, phải thực hiện cách ly đủ 14 ngày, sau đó về cơ sở phải theo dõi thêm 14 ngày. Theo ông, những trường hợp chia ra 7 ngày cách ly tập trung, 7 ngày cách ly ở nơi lưu trú là có nguy cơ cao, vì thế, khi chuyển giao về địa phương, cần quản lý chặt chẽ.
Ông Chung cũng nói rằng, vừa qua có một số đoàn chuyên gia thuộc diện “dưới 14 ngày” vào làm việc, có yêu cầu lựa chọn khách sạn ngoài danh sách 17 khách sạn cách ly của thành phố; việc này gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Vì các đoàn này được phép làm việc, tổ chức các cuộc họp làm việc, nên giám sát rất vất vả.
Không có vùng trống, không có ngoại lệ
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói rằng, cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy tắc 5K, đảm bảo an toàn cho các bệnh viện. Hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại về các khu vực cách ly tại khách sạn, khu cách ly các tổ bay.
“Nếu không đảm bảo vấn đề này, sẽ bị giống TPHCM. Cần phải hết sức quan tâm. Đối với các tổ bay, Thủ tướng đã yêu cầu cách ly đủ 14 ngày, chứ không phải có chuyện cách ly 5-7 ngày, sau đó xét nghiệm âm tính là được về nhà”, ông Sơn nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, có nhiều băn khoăn về việc cách ly, xét nghiệm các đoàn chuyên gia, khách mời vào Việt Nam. Theo ông Sơn, khi vào Việt Nam, các thành viên trong đoàn đều phải qua kiểm tra, xét nghiệm theo tinh thần không có vùng trống, không có ngoại lệ. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, tinh thần là các cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc khẩn cấp, quyết liệt, phải kiểm soát từ bên ngoài, ngăn chặn từ bên trong.
“Hà Nội được lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất tín nhiệm, vừa qua có nhiều thành tích xuất sắc, bao gồm cả việc phòng chống, kiểm soát COVID-19. Cần phát huy tinh thần này. Phải cảnh giác cao độ, không được chủ quan lơ là vì nếu xảy ra làn sóng thứ 3 thì rất khó khăn”, ông Chu Ngọc Anh nói.
Nhiều tiêu chí chống dịch tại cơ sở
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký công văn ban hành Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, áp dụng chung cho các trạm y tế, phòng khám công lập và ngoài công lập trên toàn quốc. Cụ thể, 8 tiêu chí lớn gồm: xây dựng kế hoạch hoạt động trong các bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp; nhân viên được tập huấn về các quy trình phòng chống dịch bệnh phù hợp vị trí làm việc; tiếp đón, sàng lọc người đến khám; tuân thủ đeo khẩu trang; vệ sinh các bề mặt thường xuyên tiếp xúc và quản lý nhà vệ sinh; cơ sở vật chất phòng khám; dự trữ trang thiết bị vật tư phòng chống dịch bệnh; theo dõi sức khỏe nhân viên y tế.
Thái Hà
Ngày 2/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh nhân 1342 (nhân viên Vietnam Airlines) trong thời gian cách ly tại nhà đã tự ý bỏ ra ngoài. Cụ thể, đi ăn trưa ngày 21/11 và tới trường Hutech (Đại học Công nghệ TPHCM) ngày 22/11. TPHCM đã lập danh sách khoảng 800 trường hợp tiếp xúc gần các ca bệnh. Tới nay, kết quả xét nghiệm 737 trường hợp F1 đều âm tính. Cùng ngày, Bộ Y tế ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, trong đó có 1 ca là nam giới, 25 tuổi, người Ấn Độ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phát hiện và 1 ca là bé gái, 10 tháng tuổi, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Những bệnh nhân còn lại từ 17-65 tuổi, trú tại Đà Nẵng, Hà Nam, Bắc Ninh, Tây Ninh, Thanh Hóa. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 2/12 có 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, Việt Nam đã điều trị khỏi 1.201 ca.
Thái Hà