Theo thông báo của Nhà Trắng, ông Biden sẽ tới Ukraine vào chiều nay (21/4) nhằm thảo luận về "các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để giúp ổn định và thúc đẩy nền kinh tế Ukraine, đồng thời giúp Ukraine xúc tiến các nỗ lực sửa đổi hiến pháp, phi tập trung hóa quyền lực và chống tham nhũng, cũng như tổ chức bầu cử tổng thống tự do và công bằng" vào ngày 25/5 tới.
Bên cạnh đó, các cuộc hội đàm cũng sẽ thảo luận về những diễn biến căng thẳng ở miền Đông Ukraine.
Vụ nổ súng xảy ra vào đêm 19/4 tại thành phố Slavyansk, phía Đông Ukraine, nơi những người biểu tình đang nắm giữ, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.
Trong khi đó, hôm 20/4, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ giận dữ trước vụ nổ súng và kêu gọi phía Ukraine nghiêm chỉnh thực hiện trách nhiệm của mình, giảm leo thang căng thẳng ở đông nam Ukraine.
Vụ việc cũng cho thấy hiệp ước quốc tế Geneva được Liên minh châu Âu, Nga, Ukraine và Mỹ ký kết vào tuần trước dường như không ngăn chặn được những cuộc xung đột. Hiệp ước này kêu gọi các nhóm vũ trang bất hợp pháp từ bỏ vũ khí và giải tán đồng thời kêu gọi sự giám sát của cơ quan giám sát an ninh châu Âu OSCE.
Trong khi đó Nhà Trắng đang lên danh sách trừng phạt các nhân vật và tổ chức của Nga nếu Moscow không làm theo hiệp ước Geneva để xoa dịu cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ sẽ không mở rộng trừng phạt đến toàn bộ nên kinh tế Nga như một số quan chức chính phủ đề xuất.
Theo New York Times, ông Obama cũng nói rằng ngay cả khi tìm ra một giải pháp cho bế tắc hiện nay trên bán đảo Crimea và đông Ukraine, ông cũng sẽ không bao giờ có được một mối quan hệ xây dựng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Do đó, ông Obama sẽ dành nốt 2 năm rưỡi nhiệm kì để cố gắng giảm thiểu những ảnh hưởng mà ông Putin có thể gây ra.