Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN) |
Sáng 22/12, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp về xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội nghị.
Lãnh đạo một số bộ, ngành, các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đã nêu kinh nghiệm từ các nước, góp ý để xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao; kiến nghị về trụ sở, trang thiết bị của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, biên chế, chế độ đối với cán bộ ngoại giao và người thân...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định "chưa bao giờ mặt trận ngoại giao nở hoa, kết trái như hiện nay”. Phó Thủ tướng dẫn lại nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại giao (19/12) "công tác đối ngoại là điểm sáng nổi bật trong năm 2023".
Phó Thủ tướng khẳng định, trong năm 2023 ngành Ngoại giao đã làm được nhiều việc, trong đó có chuẩn hoá quy trình và siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Phó Thủ tướng chia sẻ khó khăn mà ngành gặp phải trong thời gian qua như cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, lương, phụ cấp... Tuy nhiên, ông nhấn mạnh những người làm ngoại giao có điều mà ngành nghề khác không có, như truyền thống từ rất xa xưa với tư tưởng lớn về hoà bình, hữu nghị, sự khéo léo, cương quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích, quốc gia dân tộc.
Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Ngoại giao đang hoàn thành Đề án chiến lược xây dựng và phát triển ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ông nói rằng đây là đề án cần thiết và kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc mà ngành đang gặp phải.
Phó Thủ tướng cho rằng trong năm 2024, ngành Ngoại giao phải chuyển mình mạnh mẽ, vì đất nước đã ở thế và lực khác trong khi thế giới có nhiều biến chuyển phức tạp, vì thế người làm đối ngoại cũng phải "giỏi hơn, mạnh hơn".
Phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 diễn ra sáng 22/12. (Ảnh: TTXVN) |
Chủ đề của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 là “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 yếu tố "toàn diện, hiện đại, vững mạnh". Theo ông, toàn diện nghĩa là phải kiến tạo sức mạnh tổng hợp của cả nước trên mặt trận đối ngoại, thống nhất từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, tất cả cơ quan, ban ngành cùng tham gia.
Hiện đại là phải phù hợp với xu thế, khả năng thích ứng, kể cả với những điều mới như biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo...
Vững mạnh nghĩa là người làm ngoại giao phải đủ năng lực, đủ bản lĩnh và giữ vai trò tiên phong trong mặt trận đối ngoại.
Về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, Phó Thủ tướng cho rằng trong thời đại số hiện nay, việc đào tạo không chỉ là cử đi dự các lớp, các khoá học, mà có thể học ngay từ đồng nghiệp, thông qua những hình thức linh hoạt như lập nhóm trực tuyến để mọi người chia sẻ kinh nghiệm với nhau, kể cả những lúc ngồi trên tàu xe…
Về thu hút nhân tài, Phó Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ này không chỉ phụ thuộc vào chế độ lương, đãi ngộ.
"Người tài còn cần sự tôn trọng của lãnh đạo, sự đồng hành chia sẻ của đồng nghiệp”, ông nói.
Phó Thủ tướng nói rằng khi phải tinh giản biên chế, Bộ Ngoại giao cũng cần tính toán lại trong nội bộ.
Ông cho biết, Chính phủ rất quan tâm và chia sẻ với ngành Ngoại giao, nhưng có những việc chưa thể làm ngay được.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tại hội nghị, được sự quan tâm của Lãnh đạo Chính phủ, đặc biệt là cá nhân Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, chế độ đãi ngộ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm cán bộ từ Bộ Ngoại giao và 18 bộ và cơ quan khác cử ra làm việc tại các cơ quan đại diện và văn phòng thường trú ở nước ngoài, sẽ có bước cải thiện đáng kể thông qua việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2019 về chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.