Kể câu chuyện Việt Nam trong thời buổi ‘cái gạt tay’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong thời đại ngày nay, có rất nhiều phương tiện để kể câu chuyện của Việt Nam với thế giới. Nhưng nếu không đủ hấp dẫn, câu chuyện sẽ bị từ chối chỉ sau 3-5 giây bằng "cái gạt tay".
Kể câu chuyện Việt Nam trong thời buổi ‘cái gạt tay’ ảnh 1

Một bức ảnh dự thi cuộc thi ảnh và video Happy Vietnam. (Ảnh: Vietnam.vn)

Trong Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới trên đất liền năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Trần Nhất Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL, chia sẻ những câu chuyện về cách đẩy mạnh ngoại giao văn hoá trong thời đại số.

Ông Hoàng cho rằng trong xu thế toàn cầu hóa, các quốc gia ngày càng ràng buộc lẫn nhau, và văn hóa trở thành cầu nối, xây dựng niềm tin. Ngoại giao văn hóa, quảng bá văn hóa đóng vai trò quan trọng trong thông tin đối ngoại, để xây dựng thương hiệu quốc gia, sức mạnh mềm và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, hỗ trợ tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư, du lịch và thương mại.

Ông Hoàng cho rằng cần thường xuyên cập nhập xu hướng của công chúng trong và ngoài nước, hiểu được thái độ của cộng đồng quốc tế để nâng cao hiệu quả của thông tin đối ngoại.

Để chứng minh việc quảng bá trong thời đại số đạt tốc độ nhanh kỷ lục, ông Hoàng cho biết, vừa qua Bộ VHTTDL phối hợp với Netflix làm phim Hành trình tình yêu của một du khách. Chỉ trong 1 tuần phát trên toàn cầu đã có 34 triệu lượt xem, đứng ở top 10 thịnh hành ở 89 quốc gia trên khắp thế giới.

Hiện nay, có rất nhiều kênh để quảng bá, không chỉ là qua TV, báo chí, trang web hay mạng xã hội như trước đây, mà giờ có cả webcast, app cho điện thoại, sự kiện trực tuyến…

Bộ VHTTDL đã áp dụng những điều này vào lĩnh vực du lịch, với mức độ tương đối đầy đủ trên tất cả các nền tảng. Tuy nhiên, ông Hoàng nói rằng ngay cả khi Việt Nam đã quảng bá tương đối đầy đủ trên tất cả các nền tảng thì đặc điểm của thời đại này có thể gói trong cụm từ mà một chuyên gia Mỹ gọi là “cái gạt tay”, nghĩa là chỉ sau 3-5 giây đầu mà nội dung không hấp dẫn thì người xem sẽ gạt đi, không đạt được hiệu quả quảng bá.

Ông Hoàng nêu ra một số kinh nghiệm quảng bá quốc gia trên thế giới, như Inspired by Iceland, là diễn đàn để những người đã đến Iceland chia sẻ câu chuyện của họ về đất nước này, từ đó truyền cảm hứng để thu hút những người khác.

Về kinh nghiệm tận dụng công nghệ thực tế ảo, ông Hoàng cho biết Dubai có chương trình Be my Guest, giúp mọi người trải nghiệm Dubai như thật. Hàn Quốc và Nhật cũng là những đất nước đáng để Việt Nam tham khảo.

Những nước đó đã thành công trong việc tạo ra một làn sóng văn hóa toàn cầu, tương tác cao trên mạng xã hội, hình thành một cộng đồng trực tuyến. Nhật Bản tạo ra một cộng đồng yêu thích truyện tranh, với những hashtag trên mạng xã hội X (tên cũ là Twitter). Na Uy tạo ra app trên điện thoại thông báo thời điểm nào có thể nhìn thấy cực quang, để những ai muốn đến thăm đất nước này có thể chọn đúng thời điểm.

Bộ VHTTDL cũng áp dụng công nghệ ảo để đưa di sản và danh lam thắng cảnh của Việt Nam lên mạng, giúp những người quan tâm có thể trải nghiệm 360 độ.

Nói về những thách thức, ông Hoàng cho rằng trong môi trường lan toả nhanh và tương tác cao như vậy cũng có nhiều thách thức, nhất là khả năng mất kiểm soát. Thông tin khi được chia sẻ qua lại quá nhiều có thể làm lệch thông điệp. Ngoài ra còn vấn đề tin giả, hình ảnh không mong muốn bị lan truyền.

Trong quảng bá văn hóa, khi các nghệ sĩ cố gắng đáp ứng nhu cầu quá rộng, theo trào lưu (trend) có thể làm giảm thông điệp cần phổ biến, làm mất bản sắc của văn hóa. Thông điệp văn hóa cũng có thể bị hiểu theo cách sai lệch, phiến diện, có thể gây tác động rất nhanh và mạnh.

Cần tư duy mới

Kể câu chuyện Việt Nam trong thời buổi ‘cái gạt tay’ ảnh 2

Ông Trần Nhất Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL. (Ảnh: VOV2)

Về kiến nghị, ông Hoàng cho rằng cần có hệ thống thông tin chính thống trên nền tảng công nghệ, vì dù cách làm ra sao vẫn phải có thông tin chính thống về hình ảnh quốc gia, giống như kho dữ liệu Happy Vietnam mà Bộ Thông tin Truyền thông đã xây dựng.

Cũng theo quan chức Bộ VHTTDL này, với mức độ tương tác nhanh như hiện nay, sáng tạo nội dung không chỉ là việc của đài truyền hình quốc gia mà tất cả mọi người có thể tham gia, cả nhóm nhỏ cũng có quyền sáng tạo nội dung, miễn là hấp dẫn.

Vì thế, ông Hoàng cho rằng cần bổ sung tư duy về cách làm truyền thông đối ngoại quốc gia trong tình hình mới. Nhà nước không thể làm hết, mà nên khơi dậy tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm và giao việc cho cá nhân và tổ chức có ảnh hưởng, để họ cùng làm.

“Xây dựng một kênh có hàng triệu người theo dõi rất tốn kém, nhưng có thể tận dụng kênh của các ca sĩ nổi tiếng để họ quảng bá cho đất nước, tạo ra những cộng đồng chiến lược linh hoạt, tương tác tốt”, ông Hoàng nói.

Ông cho biết, khi nhóm của CNN đến Expo Dubai 2020 để làm về đổi mới sáng tạo, đoàn Việt Nam đã mời họ đến ăn phở, đánh đàn, xem rối nước, khiến họ cảm thấy yêu mến Việt Nam. Cuối cùng, họ quan tâm đến đôi giày do 2 sinh viên Việt Nam ở Phần Lan làm từ bã cà phê, với thông điệp là người trẻ Việt Nam sẵn sàng tái chế và tạo ra sản phẩm thách thức cả những gã khổng lồ. CNN thích câu chuyện đó nên đã bay sang Phần Lan phỏng vấn 2 sinh viên Việt Nam để đưa vào chương trình đổi mới sáng tạo.

World Expo là 1 trong 3 sự kiện lớn toàn cầu, bên cạnh Olympic và World Cup. Đó là nơi công bố những phát minh, sáng kiến của nhân loại, những xu hướng dẫn dắt thế giới. Chủ đề năm Expo 2020 Dubai qua là “Kết nối trí tuệ, kiến tạo tương lai”, với từ khóa là “sự kết nối”, gồm kết nối về công nghệ, kết nối về văn hóa và kết nối về tri thức.

Ông Hoàng cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị dự án quảng bá hình ảnh quốc gia tại World Expo 2025 tại Osaka, để có thể kể câu chuyện về Việt Nam theo cách thật hấp dẫn.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.