Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc cử tri Bà Rịa-Vũng Tàu

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 20/6, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp xúc cử tri huyện Đất Đỏ sau kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra sáng ngày 20/6, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, bước vào năm 2022, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm hơn so với dự báo. Tình hình tại Ukraine làm cho giá xăng dầu, năng lượng tăng cao, ảnh hưởng đến điều hành lạm phát của các nước.

Việc quản lý, kiềm chế lạm phát trong bối cảnh "bão giá" xuất hiện trên toàn cầu dự báo còn rất khó khăn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc cử tri Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 1

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định Chính phủ nỗ lực trong điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng dầu, phân bón, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống nhân dân - Ảnh: VGP/Hải Minh

Trước tình hình đó, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động, tác động tiêu cực của mặt bằng giá đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Đối với mặt hàng xăng, dầu, do nguồn cung trong nước không đủ, Chính phủ đã cố gắng sử dụng các công cụ điều hành để giá xăng dầu không tăng quá cao, trong đó có việc giảm thuế môi trường, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Với phân bón, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng phân bón vì Nga, Ukraine và Belarus chiếm tới 50% nguồn cung trên thế giới.

Chính phủ đã có những biện pháp hạn chế xuất khẩu để duy trì nguồn cung trong nước, giữ cho giá phân bón không tăng lên quá mạnh. Các bộ, ngành cũng đang tích cực nghiên cứu các giải pháp để bảo đảm cung-cầu mặt hàng này, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết.

Đối với lĩnh vực giáo dục, ngày 10/6/2022, Bộ GD&ĐT ra chỉ thị yêu cầu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào nhằm góp phần làm cho sách giáo khoa không trở thành gánh nặng của các gia đình.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV được tổ chức trang trọng, hiệu quả, trong đó các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, chống dịch bệnh; tình hình triển khai kết quả phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước; đồng thời quyết định nhiều định hướng trọng tâm nhằm hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bằng việc thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.

Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có chiều dài 53,7 km đi qua 2 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư dự kiến 17.837 tỷ đồng.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu kết nối trực tiếp với cảng Cái Mép-Thị Vải, sân bay Long Thành, giảm tải cho Quốc lộ 51 - tuyến cao tốc duy nhất kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu với TPHCM và Đồng Nai.

Dự kiến, sau khi đưa vào khai thác năm 2026, cùng với đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án sẽ góp phần kết nối các trung tâm kinh tế; phát huy tối đa tiềm năng của cảng Cái Mép-Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực cho không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Buổi sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đến dâng hương tưởng nhớ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu tại thị trấn Đất Đỏ./.

Theo Báo Chính Phủ
MỚI - NÓNG