Phổ điểm kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022: Bất ngờ điểm môn Lịch sử, Tiếng Anh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Kết quả điểm thi Tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh với gần 52% bài thi có điểm dưới trung bình đã kéo phổ điểm môn này xuống đội sổ, trong khi đó môn Lịch sử lại thăng hạng với số điểm 10 nhiều chưa từng có.

Bộ GD&ĐT cùng 63 địa phương trên cả nước đã công bố dữ liệu điểm Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022 sau 15 ngày chấm thi.

Nhìn chung, kết quả môn Ngữ văn năm nay được đánh giá giữ ổn định như năm ngoái khi có mức điểm trung bình là 6,51 (năm ngoái 6,47). Tuy nhiên, năm nay có tới 5 thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối. Đó là học sinh ở các tỉnh: Nam Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Dù là bài thi tự luận, vẫn có 194 học sinh bị điểm liệt.

Đối với môn Toán, năm nay điểm trung bình môn thấp hơn và cũng có lượng bài thi đạt điểm 10 ít hơn năm ngoái. Cụ thể, điểm trung bình môn Toán là 6,47 (năm ngoái là 6,61) và 35 bài thi điểm 10 (năm ngoái có 52 bài). Ngoài ra, số thí sinh đạt được mức điểm 9,6 đến dưới 10 trên toàn quốc chỉ có hơn 1.000 em. Điều này cho thấy điểm thi môn Toán đã có sự phân hóa sâu sắc hơn.

Phổ điểm kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022: Bất ngờ điểm môn Lịch sử, Tiếng Anh ảnh 1

Điểm trung bình môn Tiếng Anh năm nay thấp hơn năm ngoái

Ở môn Lịch sử và Tiếng Anh năm nay có sự bất thường khi hoán ngôi đội sổ cho nhau. Những năm trước, môn Lịch sử thường có tỉ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình cao và xếp cuối bảng thì năm nay với tỉ lệ 51,5% em có điểm dưới trung bình môn Tiếng Anh, phổ điểm môn Tiếng Anh đã bị đẩy xuống cuối bảng.

Nhìn vào phổ điểm môn Tiếng Anh năm nay cho thấy, điểm trung bình là 5,15 điểm. Số lượng bài thi đạt điểm 10 năm nay của môn Tiếng Anh chỉ có 425 bài thi đạt được (giảm so với năm ngoái hơn chục lần).

Theo kết quả trung bình các môn thi, năm nay Nam Định là địa phương xếp số 1/63 các tỉnh/TP với điểm trung bình là 7,04 điểm. Sau Nam Định là Vĩnh Phúc, Bình Dương, Ninh Bình, Hải Phòng… Trong khi đó, các TP lớn như Hà Nội xếp thứ 25; TP Hồ Chí Minh xếp thứ 13. Xếp cuối bảng là Hà Giang với điểm trung bình các môn chỉ 5,61 điểm.

Trong khi đó, môn Lịch sử năm nay được đánh giá là đã khởi sắc khi có nhiều bài thi đạt điểm 10 (1.779 bài) và số lượng thí sinh đạt điểm dưới trung bình giảm mạnh (chỉ 19.34%).

Kết quả phân tích phổ điểm cho thấy, điểm trung bình môn học này đã ở mức khá cao (6,34 điểm) và cũng là môn có tới hơn 31.000 bài thi đạt điểm 9 trở lên.

So với năm ngoái, năm nay, số lượng bài thi đạt điểm 9 trở lên và điểm 10 môn Lịch sử tăng mạnh (năm ngoái chỉ có 266 bài thi đạt điểm 10).

Ở tổ hợp KHTN, kết quả thi năm nay có sự thay đổi đáng kể phải là bộ môn Sinh học. Nếu như năm ngoái môn thi này có “mưa” điểm 10 thì năm nay chỉ có 5 bài thi đạt mức điểm tối đa (năm ngoái 582 bài đạt điểm 10, giảm 116 lần).

Không chỉ điểm 10, các bài thi từ điểm 9 trở lên cũng có rất ít thí sinh đạt được. Đặc biệt có tới 94 em bị điểm liệt và số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ 50.79%.

Trong khi đó, môn Vật lí năm ngoái “bị kêu đề khó, điểm thấp”, năm nay đề thi đã có sự điều chỉnh, do đó điểm trung bình môn thi khá cao (6,72 điểm) và có tới 154 bài thi đạt điểm 10.

Phải điều chỉnh dạy học Ngoại ngữ

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức Hà Nội đánh giá, nhìn chung phổ điểm năm nay khá đẹp, phân hoá tốt, thuận lợi cho các trường tuyển sinh ĐH. Đối với môn Tiếng Anh, bà Quỳnh cũng khẳng định, nhìn vào phổ điểm có thể thấy, số lượng bài thi thí sinh đạt nhiều trong khoảng 3,2- 4,0 và trượt thấp dần về chiều điểm cao. Điều này phản ánh đúng thực tế dạy và học ở trường phổ thông, đó là có nhiều học sinh chưa học tốt môn Ngoại ngữ, tuy nhiên cũng có không ít bài thi đạt điểm khá giỏi tập trung ở vùng học sinh được đầu tư từ sớm.

Lý giải về sự thay đổi trong phổ điểm Lịch sử năm nay, giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Chuyên tại Hà Nội cho rằng, phổ điểm môn này “đẹp chưa từng có trong lịch sử” không phải do đổi mới dạy học hay trình độ học sinh nâng lên mà là do đề thi năm nay quá dễ.

Với 80% câu hỏi cơ bản, đáp án không đánh đố, gây nhiễu, phù hợp với tình hình dịch bệnh và các câu phân hoá cao cũng không khó như năm trước dẫn đến bài thi điểm 10 tăng đột biến.

“Điểm bài thi Lịch sử cao, nhiều thí sinh đạt 7-8, tuy nhiên điểm xét tuyển khối C sẽ chỉ tăng nhẹ”, cô giáo này nói.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, có sự thay đổi trong phổ điểm môn Lịch sử có phần nguyên nhân từ việc thay đổi cách ra đề để đánh giá học sinh.

MỚI - NÓNG