Phố cổ lung linh Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam

TP - 1.000 chiếc guồng quay tơ vàng óng đã được giăng khắp phố Đào Duy Từ, khiến con phố cổ này giống như làng nghề dệt vải. Hàng loạt hoạt động khác đã sẵn sàng cho hoạt động chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam khai mạc tối 18/11 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ.

Tại cuộc họp báo chiều 16/11, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức cho biết, mọi công việc chuẩn bị đã gần hoàn tất. Hiện tại 1.000 chiếc vay (thuật ngữ của ngành thêu, có nghĩa là chiếc guồng quay tơ hay còn gọi là cái xa tơ, theo giải thích của nghệ nhân Vũ Giỏi) đã được giăng trên cao, trải dài khắp phố cổ Đào Duy Từ, gợi không khí của làng thêu truyền thống, dệt vải ngày xưa. Ở hai đầu phố Đào Duy Từ sẽ lắp đặt hai chiếc cổng chào, mỗi chiếc cổng chào có hai bức tượng thôn nữ khổ lớn do các nghệ nhân làng Sơn Đồng chế tác. 100 hạt gạo được mô phỏng bằng chất liệu composite, cùng những chiếc bình vôi lớn sẽ được đặt trên con phố này. Tất cả đều gợi lên không gian của làng nghề truyền thống. 

Ngày khai mạc 18/11, bên trong Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ sẽ có nhiều hoạt động văn hóa với chủ đề “Nét xưa” như  trưng bày 10 sắc phong tổ nghề; Triển lãm ảnh chân dung nghệ nhân thêu Vũ Giỏi, triển lãm ảnh  về trang phục hầu đồng; Trưng bày 10 bộ trang phục áo dài phục dựng theo lối cung đình  của nghệ nhân thêu Vũ Giỏi; Trình diễn thời trang áo dài dân tộc và thư pháp trên áo yếm của  nhà thiết kế Lan Anh cùng bộ sưu tập áo dài “Tinh hoa sắc Việt” của nhà thiết kế Peony và  các bộ sưu tập áo dài khác của các nhà thiết kế La Hằng, Minh Minh, Duyên Hương; Biểu diễn các trích đoạn tuồng, chèo, quan họ… Đặc biệt, các trích đoạn chầu văn tiêu biểu (trong đó có giá chầu Cô bé Thượng Ngàn) sẽ được thực hiện ngày 26/11 nhân buổi nói chuyện giới thiệu về văn hóa đạo Mẫu và trang phục trong giá hầu đồng do GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Dân gian, chủ trì.

Nghệ nhân nhân dân Vũ Giỏi cho biết, đây là lần đầu tiên ông mang giới thiệu bộ sưu tập đầy đủ nhất về những chiếc áo dài phục dựng theo lối cung đình gồm áo dài của hoàng thái hậu, vua, công chúa, thái tử… Có những bộ ông mới phục dựng xong, chưa kịp hoàn thiện các phụ kiện, cũng được giới thiệu tại triển lãm lần này. Bộ áo dài của bà Từ Cung, vợ vua Khải Định là chiếc áo phục dựng mới nhất của ông. Ông Giỏi cho biết thêm, trong hơn 30 năm đeo đuổi việc phục dựng trang phục cung đình, mỗi bộ trang phục là một câu chuyện dài thú vị. Chiếc áo bào của vua Đồng Khánh là bộ phục dựng lâu nhất với đội ngũ thợ thêu tay gồm 8 người và làm liên tục 15 tháng mới hoàn thành.

Nhà thiết kế Lan Anh mang tới Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần này hai bộ sưu tập gồm: Áo dài truyền thống và áo yếm. Chị cho biết, bộ sưu tập áo dài của chị có sự kết nối xưa và nay. 10 chiếc áo dài chỉ có hai màu đen và trắng, kết hợp với nón quai thao và mấn. Ngược lại, bộ sưu tập áo yếm 9 chiếc có đủ màu sắc với họa tiết là những câu thơ của Hồ Xuân Hương dưới nét vẽ thư pháp của nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh. Nhà thiết kế Lan Anh tự đánh giá  bộ sưu tập áo yếm của mình: rất đằm thắm và sexy.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.