Phố cổ Lucknow

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tôi đến Taj Mahal lần thứ hai. Từ Agra, chỉ còn cách đi tàu hoặc xe đò trở lại New Delhi rồi bay tới Mumbai vì từ thành phố này không có đường bay thẳng. Mà tôi cần phải đi Mumbai. Nhưng nghĩ đến cảnh tàu bè ở Ấn, tôi lại sợ chết khiếp. Riêng đặt vé thôi đã thấy mệt trong người.

Hôm trước, trời nắng chang chang mà tôi đi taxi ra ga tàu New Dehli, rồi từ đó đi bộ nửa cây số mới đến phòng vé. Đó là một căn phòng cũ kỹ và xấu xí, đằng trước là một cái sân cổ lỗ không kém vương vãi đầy lá cây.

Trong nhà bán vé, người ta xếp hàng chen chúc đến nghẹt thở. Muốn đặt vé tàu, tôi phải kê khai mọi thông tin vào một tờ giấy mỏng tang rất xấu, loại giấy mấy chục năm nay tôi còn không nhìn thấy nữa.

Tôi mua vé cho hơn chục người, nên cũng phải điền vào ngần ấy tờ, từ họ tên, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, điểm đến, giờ khởi hành cho đến ti tỉ thông tin khác còn hơn cả mua vé máy bay.

Sau khi chen được lên đến nơi, tôi bắt đầu đứng chờ người bán vé nhập tên từng người vào máy tính. Anh ta không rành tiếng Việt, tất nhiên, và hỏi tôi từng chữ cái một. Tôi sốt ruột 10 thì hàng người đằng sau sốt ruột 100. Ấn Độ luôn kỳ lạ như vậy. Người ta có thể bị hiếp dâm ngay trên xe buýt nhưng mua vé tàu hỏa thì cần phải được quản lý chặt như nhập cảnh vào Hoa Kỳ vậy.

Một cô gái Hàn Quốc với chiếc ba lô nhỏ nhắn sau khi đã xếp hàng nửa tiếng để ngoi lên vị trí dẫn đầu thì đành ra khỏi hàng mượn tôi chiếc bút bi vì không biết rằng mua vé tàu cần phải có tờ khai. Cô ấy cũng sẽ đi Agra vào buổi chiều như tôi, nhưng một mình.

Tôi nhìn cô gái thanh mảnh, xinh xắn với đôi mắt mở to có lẽ chỉ hơn con gái tôi vài tuổi mà lòng không khỏi bất an. Nếu con gái tôi cũng độc hành trên đất Ấn như vậy, chắc hẳn không đêm nào tôi chợp mắt được lấy một phút.

Đây cũng là lần thứ hai tôi trải nghiệm tàu hỏa Ấn Độ, chỉ hai tiếng là đã đến Agra, nhanh hơn đi xe một tiếng. Trước khi lên tàu, tôi kịp ăn một khay cơm bình dân ở nhà ga, bao gồm cơm và một số loại nước sền sệt lõng bõng đậu ván. Những người đi cùng tôi không ăn được bất kỳ món gì của Ấn. Thành thử trong suốt hành trình, họ chỉ ăn đồ Ý và giò lụa mang theo.

Trước đó, tôi dò trên mạng và bắt gặp một chuyến bay thẳng đến Mumbai từ Lucknow, nhưng Lucknow lại cách Agra hơn 1 giờ bay. Như thế thì tôi sẽ ở lại Lucknow một đêm, vẫn còn hơn phải trở lại New Delhi để bay đi Mumbai. Ồ, và nhờ đó mà tôi mới được biết Lucknow.

Thực là một cơ duyên may mắn. Nhưng riêng việc đi ra sân bay Agra cũng là một sự kỳ lạ nữa. Đầu tiên tài xế taxi thả chúng tôi ở một điểm đậu xe buýt. Họ giải thích rằng chỉ có chiếc xe này mới đưa chúng tôi vào sân bay, xe ngoài không vào được. Hỏi mãi lý do tại sao lại thế cũng vẫn chỉ là vì như thế nên tôi buộc phải vác hành lý lên xe buýt sau khi nộp vài đồng rupi để mua vé.

Chiếc shuttle bus dừng trước hai cánh cổng sắt đen khổng lồ đang đóng im ỉm. Thấy có xe đến, cửa mới được mở ra một cách thủ công cho xe lăn bánh vào bên trong. Xe chạy tiếp theo con đường rất dài hai bên là bãi đất bằng phẳng rồi rẽ vào một nơi trông nhang nhác như nhà văn hóa phố huyện ở xứ tôi, cái sân lát gạch cũng y như thế.

Đây là sân bay Agra. Sân bay này phù hợp với việc tôi khệ nệ vác theo một quả đu đủ khổng lồ mua trên xe đẩy ngoài phố chiều qua mà chưa kịp ăn. Chẳng có mấy khách bay nên cũng không ai nhìn thấy quả đu đủ này. Vì thế mà cũng đỡ ngượng. Nhưng Lucknow thì lại khác hẳn. Sân bay nhộn nhịp và hiện đại. Thành phố thi vị, đáng yêu. Nếu hỏi yêu thích nơi nào nhất Ấn Độ, hẳn là tôi phải chọn không khí ở Lucknow.

Lucknow, thủ phủ của Uttar Pradesh, bang đông dân nhất Cộng hòa Ấn Độ, riêng số dân đã gấp đôi Việt Nam. Bang này tập trung nhiều thành phố tên tuổi như Lucknow, Agra, Allahabad… và đặc biệt là hai thánh địa Phật giáo Varanasi (Thành Xá Vệ) và Kushinagar (Câu Thi Na). Uttar Pradesh cũng đã từng là lãnh thổ của nhiều đế quốc hùng mạnh trong lịch sử Ấn Độ cổ đại và trung cổ nên vô số di tích tham quan vẫn còn nguyên đó.

Bất cứ ai đến Lucknow cũng sẽ muốn ghé qua cổng chào Rumi Darwaza với đại lộ lát gạch cổ chạy thẳng phía trước và kế bên là nhà thờ Hồi giáo Jama Masjid. Khung cảnh đại lộ cổ kính nên thơ đến nỗi mới sáng ra đã có rất nhiều cô dâu chú rể đứng đó chụp ảnh trong nắng sớm đầu ngày.

Phố cổ Lucknow ảnh 1

Quán cà phê bán trà đất nung Ảnh: Lâm Sơn Hưng

Tôi thuê được một khách sạn bốn sao xinh xắn gần ngay đường Hazratganj. La Place Sarovar Portico trông giống một biệt thự châu Âu, nằm nép mình trong con phố nhỏ. Ở đó có ba cặp cô dâu chú rể đang chuẩn bị đám cưới. Chắc họ cưới chung.

Trước ngày bay, em gái tôi cũng đi cùng tỏ vẻ lo lắng và bất an vì sự an toàn đối với phụ nữ trên đất Ấn. Tôi cau mày bảo lần này tôi chỉ thuê khách sạn bốn, năm sao, khách ở những chốn ấy đều từ đẳng cấp thứ ba trở đi, mà đẳng cấp cao người ta không thèm liếc mắt tới… đẳng cấp thấp. Em tôi phì cười vì câu đùa ấy. Nhưng quả nhiên điều đó cũng đúng sự thật.

Khách ở La Place Sarovar Portico toàn trai xinh gái đẹp, như ba cặp vợ chồng sắp cưới này chẳng hạn. Trông họ chả khác gì những ngôi sao trong các bộ phim Bollywood, với khuôn mặt đẹp đẽ, dáng người thanh mảnh và quần áo được cắt may khéo. Họ thơm nức chứ không toát ra mùi cà ri. Và họ chả thèm để tâm tới ai. Người Ấn ở đẳng cấp cao, có một sự trái ngược hoàn toàn, họ thậm chí còn có vẻ kiêu ngạo và lạnh lùng hơn người phương Tây rất nhiều.

Từ khách sạn, chúng tôi phải đi bộ qua mấy con phố bụi mù mới đến đường Hazratganj, trung tâm của Lucknow. Đấy là một phố cổ rộng rãi với các tòa nhà được sơn màu đồng nhất, các vỉa hè bằng đá và lan can thiết kế theo phong cách Victoria. Thể như được quay lại thời các công ty Đông Ấn Anh còn đang phát triển tột bực. Lúc chiều xe lăn bánh qua con phố này để về khách sạn, chúng tôi đã ồ lên bởi vẻ kiều diễm của những kiến trúc thuộc địa.

Nhưng khi đêm đến, Hazratganj lên đèn mới thực là rực rỡ và nhộn nhịp, giống không khí một khu phố Tây ở bất kỳ đô thị châu Á sầm uất nào. Những tiệm quần áo thời trang sáng choang trưng ra các cô manequine xinh đẹp đang diện sari lụa, các nhà hàng Trung Quốc, Nhật, Ý…, các khu chợ bán đồ tầm tầm rẻ hơn, mà sau đó tôi mua được vài bộ đồ Ấn thông dụng với giá 700 rupi. Và ở ngay giữa phố, một anh chàng bụi phủi mặt tươi như hoa đang ôm đàn nhún nhảy hát bài quốc dân Despacito. Khách xúm xung quanh vừa ăn cà ri vừa xem hát. Tất nhiên, ta vừa đi vừa gặm bánh mì thì họ cũng vừa dạo vừa ăn cà ri. Cà ri hay kem hay trà đều được đựng trong các thố đất nung thay vì hộp giấy. Ăn xong thì vứt cái cốc ấy vào thùng rác. Chắc đất nung cũng rẻ. Tôi ăn thử tất cả những món vỉa hè của Lucknow, điềm nhiên mà không sợ đau bụng. Một sự liều lĩnh đáng kính nể, những người đi cùng tôi lắc đầu mà bảo vậy.

Phố cổ Lucknow ảnh 2

Cổng chào Rumi Darwaza Ảnh: Lâm Sơn Hưng

Có một món rất phổ biến ở các vỉa hè Ấn Độ. Đấy là gánh hàng rong với một cái thùng nhựa chia ra các thành phần. Món này có lẽ rất rẻ, dành cho người bình dân, là hỗn hợp của thứ gì đó giống như hạt bỏng rang, hành tây thái hạt lựu, lạc, rau thơm và nước sốt chua ngọt trộn đều với nhau. Tôi ăn thử một miếng thấy cũng vui miệng. Quán ăn vặt Lucknow bán các loại bánh õng mỡ trộn với nước sền sệt. Món gì tôi cũng ăn được, trừ một thức đấy là… kem bún. Có hai gã thanh niên đang ăn kem. Đàn ông con trai Ấn Độ rất hay đi chơi với nhau thành một cặp, vì cũng chẳng rủ được cô gái nào đi, nam nữ Ấn Độ vẫn còn thụ thụ bất thân, phải cưới rồi hẵng hay. Thành thử đàn ông đành phải đi chơi với nhau thôi. Hai gã này cũng vậy, rủ nhau đi chơi và đứng vỉa hè ăn kem. Kem màu vàng tươi, được đựng vào liễn đất nung, trông có vẻ ngon, vì hai gã đang ăn rất ngon lành. Tôi cũng mua một liễn. Nhưng ăn một miếng thấy khiếp quá. Kem lỏng ngọt lự, nhưng có vị là lạ, một thứ gia vị gì đó nồng nồng hay dùng cho cà ri, và ở dưới là bún. Kem trộn với bún. Tất nhiên các thành viên trong đoàn tôi bao gồm nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, vợ chồng chị Liên – giám đốc công ty sách Liên Việt, vợ chồng em Hiền đồng nghiệp cũ của tôi, vợ chồng chị Phương anh Hưng, chị Hoàng, em gái tôi và cô bạn nhỏ tuổi đều mừng rỡ mà chui vào một quán ăn Trung Quốc thơm nức các loại rau xào dầu hào và cơm rang thập cẩm.

Sau khi thất bại với món kem bún tráng miệng, tôi bắt đầu lang thang dọc phố Hazratganj, chứ chẳng có nhẽ ngồi chầu rìa cả đoàn đang ngồi chén món Trung Hoa. Tôi rẽ vào một con phố nhỏ hơn nhưng vắng vẻ hầu như không bóng người với các tiệm thời trang có lẽ đã đóng cửa cách đấy một giờ. Đã sang Ấn Độ nhiều lần, tôi không còn sợ Ấn như lần đầu nữa. Ở một chừng mực nào đó, Ấn vẫn an toàn cả khi đêm về nếu người bộ hành có kinh nghiệm và kỹ năng tốt. Lucknow là một thành phố yên bình và khá an toàn. Tôi có cảm nhận như vậy. Cũng chẳng ai để ý đến tôi đang lang thang trong ngõ với một túi xách và đôi giày đế bệt xuềnh xoàng. Trong ngõ có một tiệm cà phê nhanh, chủ yếu người ta mua mang đi. Nhưng họ bán cả trà masala. Những cốc đất nung bày sẵn trên bàn. Trà gia vị phải uống trong tách đất nung mới đúng kiểu. Dường như vị đất mặn mòi sẽ làm cho trà thơm hơn thì phải. Tôi mua một tách nóng hổi và thơm lừng với giá 50 rupi. Cầm tách trà, tôi đi dạo dọc con phố sáng rực ánh đèn, nghe văng vẳng từ xa gã hát rong đã chuyển điệu sang một khúc ngân nga kiểu Ấn. Đấy là một đêm mùa xuân, và người ca sĩ hè phố hẳn đang rất hạnh phúc khi cháy hết thanh xuân qua các giai điệu rộn rã đang đuổi theo bước chân của từng khách bộ hành.

Ở một chừng mực nào đó, Ấn vẫn an toàn cả khi đêm về nếu người bộ hành có kinh nghiệm và kỹ năng tốt. Lucknow là một thành phố yên bình và khá an toàn. Tôi có cảm nhận như vậy. Cũng chẳng ai để ý đến tôi đang lang thang trong ngõ với một túi xách và đôi giày đế bệt xuềnh xoàng.

MỚI - NÓNG
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
3 người tử vong trên sông Pô Kô, có 2 cán bộ huyện
TPO - Thấy chị T (công chức Phòng TN&MT huyện Đức Cơ) trượt chân rơi xuống sông Pô Cô, trung tá N.V.V (Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Cơ) và anh L.K.L (trú tại TP.Pleiku, Gia Lai) lao xuống cứu nhưng không được, cả ba người bị dòng nước chảy xiết cuốn tử vong.