Sáng 6/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì Hội nghị quán triệt nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 89 thành phố Hà Nội.
Theo Ban Chỉ đạo 138, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm qua vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Trong đó, nổi lên tình trạng các đối tượng phạm tội sử dụng những phương thức, thủ đoạn cũ nhưng gia tăng hoạt động trên địa bàn, tập trung vào một số loại tội phạm như: giết người, cướp tài sản... Đặc biệt, có xuất hiện trở lại thủ đoạn bắt cóc trẻ em, đòi tiền chuộc của gia đình nhằm chiếm đoạt tài sản.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV. |
Tội phạm hoạt động "tín dụng đen" có sự ẩn danh ngày càng cao; gia tăng hoạt động trên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để cho vay lãi và đòi nợ, xuất hiện hình thức "tín dụng đen" mà người vay không biết đối tượng cho vay. Đối tượng sử dụng công nghệ "deepfake" (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để tạo ra các sản phẩm công nghệ dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video giả mạo người có quan hệ với bị hại, sau đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, tình trạng các nhóm đối tượng thanh thiếu niên tụ tập, sử dụng các loại hung khí, điều khiển xe máy lạng lách, tốc độ cao để đuổi đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng trên đường phố có những thời điểm diễn biến phức tạp. Tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến phức tạp, nổi lên các đối tượng lợi dụng chính sách, kẽ hở của pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản, trục lợi, nhất là liên quan đến các trung tâm đăng kiểm.
Năm 2024, Ban Chỉ đạo 138 thành phố Hà Nội tập trung thực hiện các kế hoạch, tăng cường các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tội phạm và các điều kiện, nguy cơ phát sinh tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, không để tội phạm lộng hành, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
Trong đó, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh việc tập trung đấu tranh, triệt phá tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng vũ khí “nóng”, vật liệu nổ gây án; tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản...), tệ nạn cờ bạc, mại dâm. Đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm ma túy, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, khai thác tài nguyên cát, sỏi lòng sông trái phép; chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn yêu cầu, Công an thành phố tiếp tục phát huy vai trò chủ công, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tập trung thực hiện các kế hoạch, tăng cường các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tội phạm và các điều kiện, nguy cơ phát sinh tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, về ma túy, mại dâm, không để tội phạm lộng hành, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.
Ông Sơn nhấn mạnh, người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, lĩnh vực quản lý, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Đơn vị nào để tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật gia tăng, diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận, nhân dân, báo chí phản ánh… thì Trưởng Ban Chỉ đạo 138, 89 phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và Trưởng Ban Chỉ đạo 138, 89 thành phố.