Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại tọa đàm "Khắc phục hậu quả bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp?" sáng 1/10, các cơ quan quản lý, chuyên gia đã nêu ra những giải pháp khẩn cấp. Ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - cho rằng, bệ đỡ đầu tiên là được lắng nghe, thấu hiểu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, các chính sách sẽ sớm đi vào cuộc sống. Những chính sách sẽ không chỉ là văn bản trên giấy mà trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân.

9h sáng nay (1/10), báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm "Khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3: Bệ đỡ nào cho người dân, doanh nghiệp?”. Các đại biểu tham dự tọa đàm sẽ thông tin về những chính sách quan trọng, các giải pháp cụ thể để giúp người dân nhanh chóng tái thiết cuộc sống, doanh nghiệp đẩy mạnh phục hồi sản xuất...

Theo thống kê, tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ hơn 81.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm giảm tăng trưởng GDP cả năm khoảng 0,15% (kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%) và kéo lùi tăng trưởng kinh tế các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái.

TỌA ĐÀM VỀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO SỐ 3

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

1 giờ trước

Những bệ đỡ cho người dân, doanh nghiệp

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng:

Buổi tọa đàm hôm nay kết thúc với nhiều thông tin. Theo đó, bệ đỡ đầu tiên là được lắng nghe, thấu hiểu từ Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước, các chính sách sẽ sớm đi vào cuộc sống. Những chính sách sẽ không chỉ là văn bản trên giấy mà trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân.

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 1

Ông Phùng Công Sưởng.

Thông tin mừng từ chính sách của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách trên thực tế triển khai rốt ráo và chờ thời gian để đến người dân và doanh nghiệp.

1 giờ trước

Sẽ có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm cho người nuôi thủy sản

- PV Xuân Thạch - VietnamFinance đề cập về việc người nuôi trồng thủy hải sản thiệt hại nặng nề, nhưng bảo hiểm nông nghiệp vẫn đang rất hạn chế.

- Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Thủy sản - cho biết, hiện nay ngành rất mong muốn triển khai sâu rộng vấn đề này. Hiện Nghị định 58 thí điểm chế độ bảo hiểm trên cá tra và tôm, nhưng đến thời điểm này việc triển khai chưa được nhiều.

Về phía người dân, việc tiếp cận và quy mô còn nhỏ. Do đó, trong thời gian tới chúng tôi đề xuất những chính sách cho ngành nghề rủi ro như nuôi biển, có thể hỗ trợ chi phí bảo hiểm cho người nuôi trồng thủy sản, để người dân được tiếp cận thường xuyên, liên tục hơn. Bộ NN&PTNT đang soạn thảo để trình Chính phủ chính sách này. Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi trồng thủy sản để hạn chế mức độ rủi ro ít nhất cho người dân.

1 giờ trước

Người dân, doanh nghiệp trắng tay, không có tài sản đảm bảo

PV Lê Thanh - Báo Tuổi trẻ - gửi đến ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh: Những chính sách cho người dân và doanh nghiệp làm sao cho thực thi trong đó có chính sách về thuế, vốn. Hiện, nhiều người nuôi trồng thuỷ sản mất sạch tài sản muốn vay nhưng không có tài sản đảm bảo?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Chúng tôi đang rà soát các chính sách như chậm gia hạn thuế, miễn thuế, khấu trừ thuế… Những chính sách này đang hiện hành sẽ thực hiện ngay. Những cái không thuộc thẩm quyền của tỉnh thì đề nghị Tổng Cục thuế hướng dẫn.

Nhu cầu của doanh nghiệp cần khoanh nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay gói vay mới có nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh. Nếu người dân, doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp vì tài sản mất trắng hoặc có tài sản đang cầm cố ngân hàng. Chúng tôi đang vận hành khoản vay từ chính sách xã hội. Theo đó, tỉnh có nguồn vốn uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách để các hộ dân vay tín chấp và không phải thế chấp.

Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tăng cường cho vay khoản này. Tuy nhiên, cái này không vay được lượng tiền lớn và chỉ cho hộ dân nhỏ lẻ.

1 giờ trước

Hạ Long mong có kinh phí từ Trung ương

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, Quảng Ninh:

Sau bão, TP. Hạ Long ban hành khắc phục thiệt hại và kế hoạch tái thiết thành phố. Trong 3 tháng cuối năm, chúng tôi tập trung nguồn lực, đồng bộ nhóm giải pháp và dành nguồn lực 474 tỷ đồng để thực hiện giải pháp ngắn hạn. Năm 2025 tập trung giải pháp tái thiết thành phố, triển khai công trình trọng điểm.

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 2

Ông Nguyễn Ngọc Sơn.

Dự kiến năm 2025, TP. Hạ Long sẽ đề xuất xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá và tránh trú bão khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài ngân sách thành phố, Hạ Long cũng mong có nguồn kinh phí từ Trung ương. Chúng tôi xây dựng công trình căn cơ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi hỗ trợ chi phí cho tàu thuyền, TP. Hạ Long gặp vướng mắc. Hiện nay, thành phố đưa ra mức mức hỗ trợ 50 triệu đồng trục vớt tàu thuyền cho ngư dân, nhưng chưa có quy định chính sách cụ thể hỗ trợ kinh phí trục vớt tàu du lịch bị đắm. Hiện nay, TP. Hạ Long và hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, làm việc với ngân hàng, thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh đề nghị cơ quan trung ương để hỗ trợ doanh nghiệp có tàu du lịch bị đắm.

2 giờ trước

Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước:

Trước đây, trong đại dịch COVID-19, để phục hồi và phát triển kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có rất nhiều chính sách như miễn giảm cho các đối tượng bị ảnh hưởng (gần 60.000 tỷ đồng). Sau đó chúng tôi cơ cấu nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng (không trả được nợ). Ngành ngân hàng xác định khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn thách thức của chúng tôi. Ngân hàng có chính sách thì địa phương cũng phải có chính sách hỗ trợ. Phải có sự đồng bộ.

NHNN đã có những chia sẻ trao đổi trong các cuộc họp với chính phủ. Chúng tôi đã kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở những ngành nghề khác tương tự như Nghị định 02. NHNN sẽ báo cáo chính phủ một cơ chế: Giữ món nợ cho các khoản nợ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão. Với các lĩnh vực khác, NHNN đã xây dựng thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng, giữ món nợ cho những khoản vay được cơ cấu.

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 3

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.

Trước ngày 3/10, các tổ chức cá nhân sẽ gửi ý kiến về cho NHNN, sau đó chúng tôi sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Sau khi Chính phủ có ý kiến, chúng tôi sẽ chỉ đạo triển khai trong toàn bộ hệ thống. Đó là các giải pháp khắc phục, hỗ trợ, giúp đỡ cho khách hàng. Chúng tôi cũng đề nghị các bộ ngành địa phương chủ động, tích cực để có các giải pháp, chính sách hỗ trợ đồng bộ với NHNN. Chúng tôi đang xây dựng thông tư về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão.

Về vấn đề hồ sơ, thủ tục, phải bám vào quy định của nhà nước để hoàn thiện hồ sơ cho khách hàng. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên khách hàng bị ảnh hưởng thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng, cụ thể là nợ xấu gia tăng. Nợ xấu gia tăng thì phải chi thêm chi phí để khắc phục, vậy nên chúng tôi rất coi trọng việc hỗ trợ, giúp đỡ cho khách hàng của mình. Phải nhanh, kịp thời, tận dụng cơ hội để giúp đỡ người dân. Đây là định hướng của toàn bộ hệ thống của NHNN.

2 giờ trước

Hỗ trợ càng nhanh càng tốt

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Thủy sản:

Với những thiệt hại nặng nề, hiện người nuôi trồng đều mong muốn nhanh chóng khôi phục lại sản xuất càng nhanh, càng tốt. Vừa rồi, Bộ NN&PTNT cùng các doanh nghiệp, ngành hàng đồng hành cùng hỗ trợ bà con và đến thời điểm này đã huy động được khoảng 100 tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn có thể giúp người dân thiệt hại 8-10 ô, lồng nuôi có thể khôi phục được 1, 2 ô, lồng để có thể sớm quay lại sản xuất.

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 4

Ông Trần Đình Luân.

Chúng tôi đang có những hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn cùng các địa phương để đảm bảo các điều kiện quay lại phục hồi sản xuất, rà soát xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn vùng nuôi. Bởi sắp tới, chúng ta có thể đối mặt với những cơn bão bất thường, diễn ra thường xuyên hơn; do đó làm sao để đảm bảo cho người nuôi sản xuất tốt hơn, an toàn hơn.

Hiện nay, bà con nuôi trồng thủy sản bị mất trắng đều mong muốn có nguồn vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất. Dù ngành ngân hàng đã có những giải pháp, nhưng với mỗi người nuôi có sản phẩm đặc thù khác nhau. Có những loài 5-7 tháng thu hoạch, nhưng có loại 3 năm mới thu hoạch. Do đó, chúng tôi mong ngân hàng có những chính sách, phương án hỗ trợ càng nhanh càng tốt, sớm khoanh nợ, giãn nợ cho bà con để có họ có cơ hội phục hồi sản xuất. Quan trọng nhất thời điểm này là việc tổ chức thực thi như thế nào để đảm bảo chính sách có hiệu quả khẩn cấp.

2 giờ trước

Đối tượng cho vay tái thiết, hỗ trợ lãi suất thế nào?

Ông Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội:

Ngay sau khi Thủ tướng họp trực tuyến với các địa phương chịu thiệt hại do bão số 3, Ngân hàng Chính sách xã hội đã họp trên toàn hệ thống, tìm giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng vay vốn. Đối tượng khách hàng của chúng tôi có đặc thù là người yếu thế, người nghèo, đối tượng chính sách.

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 5

Ông Huỳnh Văn Thuận (áo trắng).

Chúng tôi đã chỉ đạo rà soát thiệt hại của khách hàng vay vốn, xác định bước đầu phải xử lý, hỗ trợ khách vay chịu thiệt hại, cho vay mới, định hướng tăng trưởng dư nợ cho vay bổ sung, khôi phục, tái sản xuất.

Thứ nhất, khi rà soát thiệt hại, cùng với địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội thống kê ước tính hơn 51.000 khách hàng, với dư nợ 3.338 tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng rất nhiều. Qua khảo sát thiệt hại, chúng tôi xác định chỗ nào cần nhu cầu vốn mới. Tổng nhu cầu vốn phát sinh tương đương 4.900 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ bổ sung vốn cho năm nay.

Thứ hai, về xử lý thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, nếu mức độ thiệt hại trên 40%, khách hàng được gia hạn nợ với các khoản nợ đến hạn trong tháng 9, gia hạn tối đa thêm 12 tháng; tạm ngừng thu lãi đến 31/12/2024 với khách hàng thiệt hại do bão.

Thứ 3, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với địa phương xác định rủi ro, lập hồ sơ, thủ tục. Chúng tôi thực hiện cho vay bổ sung theo 3 chương trình cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Khách hàng mất trắng tài sản từ vốn vay, hoặc thiệt hại từ 40% trở lên được khoanh nợ 3-5 năm theo quy định, không thu lãi, được cho vay mới. Chúng tôi đang tiếp hành rà soát với địa phương, theo các bước trình tự quy định.

Ngoài cho vay theo 3 chương trình trên, nếu mức vay còn, chúng tôi sẽ xử lý nhu cầu vốn cho các yêu cầu khác như nhà sập, cho vay học sinh sinh viên… Nếu mức vay còn, điều kiện đáp ứng, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ cho vay.

2 giờ trước

Tất cả bằng 0, bồi thường và hỗ trợ còn chậm

Ông Đỗ Việt Thanh - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn TASECO:

Chúng tôi có kinh nghiệm xây dựng, vận hành nhiều toà nhà ven biển. Tòa nhà này đặt toàn bộ kính chất lượng tốt nhất, doanh nghiệp có giải pháp chuẩn bị kỹ nhất ứng phó cơn bão. Khi nhận thông tin bão, chúng tôi thành lập các tiểu ban để hạn chế sức tàn phá của bão. Tuy nhiên, khi cơn bão quét qua, tất cả bằng 0, cơn bão này vượt hết các quy chuẩn, hàng trăm căn hộ bị bay kính.

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 6

Ông Đỗ Việt Thanh - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn TASECO.

Thiệt hại của doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng. Đây chỉ là con số thiệt hại trước mắt nhưng nếu thời gian hoạt động trở lại chậm, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội, dòng tiền, chi phí nhân công. Chúng tôi dự kiến phải mới từ 3 - 3,5 tháng mới đi vào hoạt động trở lại. Chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của cơn bão.

Bên cạnh đó, việc bồi thường bảo hiểm cũng gặp nhiều khó khăn. Ngày 8/9, doanh nghiệp có văn bản gửi doanh nghiệp bảo hiểm kiểm tra, thẩm định bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm cử nhân viên xuống, làm thủ tục nhưng đến nay, chưa nhận được bồi thường và đang trong quá trình thẩm định thiệt hại. Điều này cũng làm chậm việc hồi phục sau bão.

Chúng tôi cảm ơn Báo Tiền Phong tổ chức toạ đàm để doanh nghiệp chia sẻ, cảm ơn lãnh đạo TP. Hạ Long đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc CP đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hạ Long:

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 7

Ông Nguyễn Minh Đức.

Trong bão số 3 vừa qua, công ty cũng đã cắt cử bộ phận, lực lượng để trực chiến phòng chống bão. Nhiều cư dân 60-70 tuổi ở các chung cư do công ty quản lý chia sẻ rằng chưa bao giờ thấy cơn bão nào mạnh như cơn bão số 3. Công ty có 123 căn chung cư bị ảnh hưởng, toàn bộ thang máy, chỗ đỗ và hệ thống công xanh bị ảnh hưởng, thiệt hại đáng kể.

Sau bão chúng tôi khẩn trương cơ bản xử lý các thiệt hại, để sớm ổn định tình hình đời sống của người dân.

3 giờ trước

Chưa bao giờ thiệt hại lớn như vậy

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP):

Sau khi bão ập vào, nhiều doanh nghiệp và người dân không có sự chuẩn bị tốt nên thiệt hại là rất đáng kể. Sáng 9/9, một số hội viên của chúng tôi là các nhà máy chế biến thuỷ hải sản (tiêu thụ thuỷ hải sản cho bà con và xuất khẩu) bị tan hoang. Chưa bao giờ họ phải chịu thiệt hại lớn như vậy.

Tác động của thiên tai khiến thiệt hại về cơ hội kinh doanh là lớn nhất. Toàn bộ ngành đều đã nắm được những thiệt hại này. Một số doanh nghiệp trong phía Nam đã cử thợ tôn, thợ máy, thợ điện ra Hải Phòng để trợ giúp cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Đến nay họ vẫn đang ở lại các doanh nghiệp đó để giúp đỡ, tương trợ, hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi rất cảm động bởi sự tương thân tương ái này.

Hiệp hội xác định có 3 thiệt hại chính đó là thiệt hại về cơ sở vật chất, thiệt hại về hàng hoá và thiệt hại về cơ hội kinh doanh. Hiệp hội cũng phát động chương trình hỗ trợ bằng vật chất; hỗ trợ cho các bà con, ngư dân sống gần biển và cả các bà con ở vùng núi.

3 giờ trước

Cần có gói hỗ trợ chuyên biệt cho phòng chống thiên tai

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Cơn bão đã gây ra những hậu quả nặng nề cho cộng động doanh nghiệp 26 tỉnh thành. Nhiều tài sản doanh nghiệp mất trắng. Ngay sau bão tan, các cơ quan chức năng có chương trình phục hồi, duy trì sản xuất kinh doanh sớm nhất, đảm bảo đơn hàng đối tác xuất khẩu, khắc phục cuộc sống người lao động.

Trong cơn bão này, chúng tôi cảm nhận được các doanh nghiệp, người dân vùng miền không chịu ảnh hưởng bão đã sát cánh cùng các vùng thiệt hại để khắc phục thiệt hại, doanh nghiệp được duy trì sản xuất kinh doanh ngay, kết nối giao thương…

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 8

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.

Tôi đánh giá các giải pháp đồng bộ rất tốt giảm những thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân. Ngân hàng Nhà nước đã đến với bà con vùng bão, đặc biệt Nghị quyết 143 đưa ra giải pháp trọng tâm giải quyết khắc phục hậu quả. Tôi cho rằng, chính sách có độ trễ nhưng có quy trình rút gọn, linh hoạt hơn để đối tượng thụ hưởng kịp thời. Ngân hàng chủ động chương trình khắc phục bão này cần rút gọn hơn nữa, gói chính sách phải vào ngay và luôn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ngoài giải pháp miễn, giảm, hoãn trả nợ, cần có gói hỗ trợ chuyên biệt cho phòng chống thiên tai.

Hiện, các doanh nghiệp chạy nước rút trong những tháng cuối năm. Theo đó, doanh nghiệp đang phải đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Sản xuất kinh doanh không thể dừng lại được phải cam kết duy trì, tăng trưởng đảm bảo đời sống lao động. Chính sách làm sao phối hợp địa phương 26 tỉnh thành hỗ trợ vùng đúng, trúng, khôi phục được đời sống cho bà con, sản xuất, và đơn hàng xuất khẩu.

3 giờ trước

Cơ cấu, hạ lãi suất dư nợ ngân hàng

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước:

Ngày 9/9, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng, yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) trên một số địa bàn tại những tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả. Các ngân hàng bằng chính nguồn lực của mình, cơ cấu, hạ lãi suất dư nợ hiện hữu, giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh, xử lý rủi ro với dư nợ hiện hữu.

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 9

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế.

Ngày 11/9, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã đi khảo sát, nắm bắt tình hình thiệt hại tại các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, chỉ đạo tổ chức tín dụng trên 2 địa bàn này thực hiện giải pháp hỗ trợ, theo đúng tinh thần của Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 18/9, Ngân hàng Nhà nước họp nội bộ bàn giải pháp triển khai. Ngày 20/9, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến với 26 địa phương bị ảnh hưởng, qua đó thông tin chỉ đạo của ngành ngân hàng, cùng các TCTD cung cấp chính sách giải pháp, phối hợp với giải pháp từ bộ ngành địa phương để tháo gỡ khó khăn. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 04 nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Riêng với lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã có Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định rõ các cơ chế và trường hợp hỗ trợ khi gặp thiên tai, bão lụt. Chính sách cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh, xem xét miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ...

3 giờ trước

Bão tàn phá rất khốc liệt

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh:

TP. Hạ Long rơi vào tâm bão của cơn bão số 3. Trước bão, chúng tôi nhận dự báo cơn bão lớn, là người trực tiếp chỉ huy chống bão, đứng trên các toà nhà cao tầng chỉ huy chống bão, chúng tôi không thể tưởng tượng nổi. Tình hình bão tàn phá rất khốc liệt.

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 10

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Hình ảnh Hạ Long trước bão đẹp, sau bão rất xấu nên chúng tôi bằng mọi cách khôi phục hình ảnh thành phố. Sau 3 ngày bão quét qua, chúng tôi khắc phục hình ảnh thành phố. Đến ngày 10/9, chúng tôi có 108 trường học cho học sinh trở lại học. Chỉ còn 9 trường học thiệt hại nặng nề chưa khôi phục.

Chỉ 3 ngày sau bão, thành phố mở cửa đón khách du lịch đã đặt trước. Từ 11-15/9, TP. Hạ Long đón trên 20.000 khách du lịch và chủ yếu khách quốc tế. Từ đầu năm tới nay, Hạ Long đón hàng triệu lượt khách, tổng doanh thu 20.300 tỷ đồng.

Sau cơn bão, thành phố phát động chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục tình hình. Hạ Long huy động 70.000 người, trên 2.000 phương tiện tham gia khắc phục hậu quả cơn bão. Huy động ô tô, máy xúc, máy nâng để cắt cây đổ, giải tỏa vấn đề đổ gãy cây xanh, khôi phục thành phố. Sau chiến dịch, TP. Hạ Long cơ bản giải quyết được hậu quả cơn bão, thành phố có điện trở lại.

Trong khi chính sách nhà nước chưa có, chúng tôi phát động chính sách xã hội hoá để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. TP. Hạ Long đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: Gia hạn thời gian trả nợ ngân hàng, tiếp tục cho vay khoản vay để phục hồi sản xuất, giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn nợ thuế. Thành phố Hạ Long tạo điều kiện cho nhà hàng, khách sạn, tàu du lịch có thể khai thác dịch vụ ngay. Sau bão, lượng rác thải trên vịnh lớn, TP. Hạ Long vệ sinh, dọn rác trên biển, đảm bảo môi trường, mỹ quan. Chúng tôi đẩy nhanh kiến thiết hệ thống cây xanh đô thị.

4 giờ trước

Mất trắng hơn 30.000ha thủy sản nuôi trồng

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT):

Trong cơn bão số 3 vừa qua, bản thân tôi và đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã có mặt tại khu vực tâm bão Quảng Ninh để chỉ đạo công tác ứng phó với bão. Chỉ một ngày trước và sau khi bão đổ bộ, nhưng tâm trạng rất khác. Tôi có những người bạn làm nghề nuôi biển ở đó, ban đầu cũng bảo có kinh nghiệm chống bão rồi nhưng không ngờ sức tàn phá của bão số 3 rất ghê gớm. Thiệt hại của ngành nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng rất nặng nề. Trong đó, riêng hệ thống lồng nuôi thủy sản có hơn14.000 lồng bị thiệt hại cực kỳ lớn. Ước thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng.

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 11

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT.

Đến thời điểm này, có trên 30.000 ha thủy sản nuôi trồng bị tại các địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh, đặc biệt các loại cá 5kg, 10kg phục vụ cho dịp lễ Tết bị mất trắng. Có thể nói, với ngành nuôi biển, Quảng Ninh và Hải Phòng là những địa phương đi đầu trong phát triển đề án nuôi biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Không chỉ về tài sản, bão số 3 tác động rất lớn về mặt tinh thần của những người dân nuôi biển. Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ tâm trạng của những bà con nuôi biển.

Hiện ở các tỉnh phía Bắc đang bắt đầu vào vụ Đông, do đó Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cụ thể từng giải pháp cá ở trên ao, cá ở trên sông, nuôi trồng thủy sản. Quan điểm của Bộ là sẽ từng bước cố gắng hỗ trợ bà con phục hồi sản xuất.

Cuối tuần vừa rồi, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị phục hồi sản xuất chăn nuôi, thủy sản; nhiều doanh nghiệp cam kết đồng hành hỗ trợ cùng bà con về con giống, sản phẩm. Trước mắt, chúng ta cố gắng hỗ trợ bà con để phục hồi sản xuất nuôi cá, tôm phục vụ nhu cầu người dân trong dịp lễ Tết. Về lâu dài, ngành thủy sản sẽ xây dựng lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn nuôi biển với các tiêu chí cao hơn nữa để hạn chế các rủi ro do mưa bão, thiên tai gây ra.

4 giờ trước

Bão YAGI gây nỗi đau dai dẳng

Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong - chia sẻ, cơn bão YAGI đã đi qua 22 ngày nhưng những con số về thiệt hại về tài sản, tính mạng con người vẫn tiếp tục là nỗi đau dai dẳng với tất cả chúng ta.

Trước khi cơn bão vào 2 ngày, vào 5/9 và 6/9, báo Tiền Phong đã cử 7 đoàn phóng viên đi đón bão. Chúng tôi đều hy vọng bão không vào hoặc sẽ có cường độ nhẹ, nhưng kịch bản xấu nhất đã xảy ra. Những người làm báo chúng tôi rất đau xót.

Chiều 9/9, đoàn cứu trợ đầu tiên của báo đã xuất phát, cứu trợ một số gia đình bị thiệt hại. Đến ngày 10/9, hậu quả do hoàn lưu của bão dồn dập đổ về các tỉnh phía Tây Bắc Bộ, con số thiệt hại về người cứ thế tăng lên.

Ngày 10/9, báo Tiền Phong phát động chương trình ủng hộ khắc phục hậu quả của bão. Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang… các phần quà hỗ trợ của các nhà hảo tâm đã được chuyển đến nơi đây.

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 12

Ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong.

Sáng 30/10, báo phát động “Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường”, tập trung chủ yếu vào đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng sau bão Yagi - đối tượng dễ tổn thương nhất. Tại chương trình này, báo Tiền Phong mời được thầy Vinh và em Quân, giáo viên và học sinh ở Làng Nủ đến giao lưu với hàng ngàn học sinh và hàng trăm giáo viên ở Thủ đô Hà Nội.

Buổi toạ đàm hôm nay có đầy đủ khách mời, từ chính quyền, doanh nghiệp tới các tổ chức. Đặc biệt là chính quyền Hạ Long, Quảng Ninh, địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất sau bão. Hạ Long đã ra quân ngay để phục hồi, có tiến triển rất tốt. Chúng tôi cũng mời đến các doanh nghiệp để cùng nhau bàn luận xem bệ đỡ nào để phục hồi. Nhiều người, nhiều doanh nghiệp chịu thiệt hại rất lớn, không biết tương lai đi về đâu.

Tọa đàm sẽ tập trung vào 2 nội dung: Thiệt hại của cơn bão và hệ luỵ sau đó; Giải pháp như thế nào để khắc phục những hệ luỵ này. Chúng ta thấy rằng bão lũ là bất khả kháng, nên nhiều khi phải ứng phó theo kiểu bất khả kháng chứ khó mà theo trình tự được vì sẽ khó thẩm thấu vào cuộc sống.

Chúng tôi hy vọng thông tin của buổi toạ đàm sẽ được lan tỏa tới các bạn đọc trên cả nước để lan toả tinh thần hỗ trợ, tương thân tương ái.

Đến thời điểm này, các địa phương và doanh nghiệp đã bắt đầu lên kế hoạch để tái thiết khôi phục sản xuất kinh doanh. Các chính sách của Chính phủ, bộ ngành chia sẻ đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp bị thiệt hại ra sao? Cần những giải pháp nào để đẩy nhanh phục hồi sản xuất công nghiệp, duy trì đơn hàng xuất khẩu, bảo vệ uy tín với bạn hàng quốc tế, đảm bảo không đứt gãy sản xuất, duy trì nền kinh tế Việt Nam đứng vững sau thiên tai? Đây là vấn đề Báo Tiền Phong quan tâm và giải đáp trong tọa đàm này.

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 13

Quang cảnh tọa đàm.

Chương trình tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời:

- Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

- Ông Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

- Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam.

- Ông Đỗ Việt Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn TASECO.

- Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng Giám đốc CP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hạ Long.

Khắc phục bão số 3: Chính sách, văn bản phải trở thành nguồn lực tiếp sức cho người dân ảnh 14

Bão số 3 gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

MỚI - NÓNG