Phim Việt trước nguy cơ đẽo cày giữa đường

0:00 / 0:00
0:00
Bi kịch liên tiếp trong “Cây táo nở hoa” khiến nhiều khán giả đòi tẩy chay phim
Bi kịch liên tiếp trong “Cây táo nở hoa” khiến nhiều khán giả đòi tẩy chay phim
TP - Hai bộ phim truyền hình ăn khách của hai miền Bắc – Nam hiện nay: “Hãy nói lời yêu” và “Cây táo nở hoa” đều đang vấp phải những phản ứng gay gắt của khán giả bởi nhiều tình tiết bị cho là làm quá. Người xem ngoài việc đòi biên kịch, đạo diễn sửa phim theo ý mình còn muốn dùng quyền tẩy chay để đạt mục đích.

Khán giả muốn can thiệp vào diễn biến phim

Ở tập 21 “Hãy nói lời yêu” (phát sóng tối 25/6), Minh - cậu con trai của một cặp vợ chồng trục trặc không chịu nổi áp lực học hành từ phía mẹ đã tự tử, qua đời ở tuổi 17 gây ra một đợt phản ứng liên hoàn từ phía khán giả. Đa số cho rằng phim đẩy bi kịch hơi quá tay, không cần thiết.

Khắp các diễn đàn và ngay cả trên fanpage của phim, hàng trăm khán giả đã công khai bày tỏ phản ứng trước kết cục “đẫm nước mắt” này. Họ cho rằng chỉ cần để Minh bị ngộ độc, nằm cấp cứu coi như một cảnh tỉnh cho bà mẹ là được rồi, cái chết là một búa tạ quá nặng đối với cảm xúc của người xem. Chỉ một số ít khán giả cho rằng tình tiết này khá chân thực, không hiếm gặp ngoài đời.

Phim Việt trước nguy cơ đẽo cày giữa đường ảnh 1

Cái chết của Minh (phim “Hãy nói lời yêu”) khiến khán giả dậy sóng

Ngay sau đó đã có cả những diễn đàn lập ra chỉ để tập trung lên án biên kịch tàn nhẫn, không có tính nhân văn và tuyên bố dừng xem phim đồng thời kêu gọi mọi người tẩy chay để thể hiện thái độ.

Một số khán giả thậm chí còn cho rằng, tình tiết phim sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý giới trẻ: “Cá nhân tôi cực lực phản đối. Tuổi các bạn này rất nhạy cảm. Phim ảnh không làm cho bọn trẻ tốt lên thì cũng đừng gieo những tư tưởng ích kỉ, tiêu cực như thế vào bộ não non nớt của chúng”; “Tôi không xem nữa. Biên kịch phim này không có tính nhân văn khi để Minh phải chết như vậy”; “Mình đồng ý với quan điểm là chỉ nên răn đe chứ để xảy ra chết gây ức chế và rất phản cảm, thiếu tính giáo dục”...

Tình hình tương tự với “Cây táo nở hoa”, khán giả bày tỏ họ bị quá tải với những bi kịch liên tiếp trong phim: anh cả bị ung thư, vợ bỏ, sau khi bán nhà để cứu em trai thì không có việc làm; những người em giống như “quỷ hút máu” không ngừng cư xử tệ với ruột thịt của mình...

Trên các diễn đàn, mạng xã hội, đa phần khán giả nói ức chế, mệt mỏi khi xem phim. Một số người nói ngừng xem phim để tránh cảm xúc tiêu cực. Ngay cả những diễn viên trong phim cũng tiết lộ rằng họ bị ảnh hưởng xấu về tinh thần vì bi kịch nặng nề của phim đến mức sau khi phim đóng máy, nhiều nhân viên trong đoàn cũng phải mất thời gian để cân bằng cuộc sống.

Một đạo diễn phim truyền hình cho biết: Kể từ sau phong trào tẩy chay nghệ sĩ và tranh luận “ai nuôi nghệ sĩ”, khán giả trở nên mẫn cảm hơn với “quyền” của mình. Họ sẵn sàng dùng “quyền” này để yêu cầu đoàn phim, biên kịch, đạo diễn... phải sửa tình tiết theo mong muốn chủ quan. Mỗi một phim phát sóng (nhất là phát sóng giờ vàng) chúng tôi đều nhận được rất nhiều phản hồi yêu cầu chỉnh sửa, thay đổi. Tựu trung mọi người đều thích những cái kết đẹp, bi kịch nếu có thì cũng phải vừa vừa phai phải thôi. Nhưng cũng có người lại cho rằng nghệ thuật là tấm gương phản ánh cuộc sống, nếu cứ tô hồng mãi thì quá giả dối rồi. Nói chung chín người mười ý, cũng rất khó chiều!

Không có bộ phim nào vừa lòng được tất cả mọi người

Lý giải về chi tiết “tàn nhẫn” trong “Hãy nói lời yêu”, biên kịch Huyền Lê cho biết chị đã lường được khán giả sẽ phản ứng mạnh, nhưng vẫn muốn người xem nhìn vào thực tế. “Cuộc đời này không có cơ hội để chúng ta sửa chữa, cứu vãn mọi sai lầm. Sự ra đi của Minh có mục đích thức tỉnh nhiều bậc phụ huynh, để họ nhìn nhận lại cách dạy con. Những đứa trẻ non nớt, khả năng chịu đựng có giới hạn, dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực”, nữ biên kịch khẳng định.

Trong khi đó, đạo diễn Võ Thạch Thảo của “Cây táo nở hoa” chia sẻ: khán giả cảm thấy mệt bởi chưa có dịp chứng kiến những chuyện tương tự ngoài đời sống.

Tất nhiên, với yêu cầu chỉnh sửa phim như đề xuất của một số người xem, cả hai đại diện đoàn phim đều khẳng định là bất khả bởi phim đã quay xong, là chuyện ván đã đóng thuyền.

Một biên kịch nổi tiếng khác còn cho biết: Không phải yêu cầu nào của khán giả cũng có lý, có những đề xuất rất ngô nghê và buồn cười. Biên kịch không muốn đẽo cày giữa đường thì phải bảo vệ được ý tưởng của mình vì chung quy không có bộ phim nào thỏa mãn được tất cả mọi người. Khán giả có hiểu biết, từng trải, cảm xúc... khác nhau thì cảm nhận và yêu cầu về phim cũng khác nhau. Thế nên việc khán giả phản ứng cứ tạm coi như một thành công đi, vì ít nhiều như thế cũng là dấu hiệu phim được chú ý.

Nghiên cứu sinh ngành điện ảnh tại Đại học nghệ thuật Nam Kinh (Trung Quốc) Phạm Kim Chi chia sẻ: Ở Trung Quốc những năm gần đây rất phổ biến phong trào gọi là phong sát (một kiểu cấm vận) với nghệ sĩ.

Theo đó, nghệ sĩ bị phong sát sẽ bị cấm sóng, không được xuất hiện trước công chúng, có những người không thể trở lại làng giải trí vì bị phong sát nặng nề. Sự nghiệp, hình ảnh, tiền bạc có thể tiêu tan. Những người có quyền lực tạo ra sự phong sát chính là khán giả. Cho nên từ “tẩy chay” trong làng giải trí bây giờ đã trở thành một từ ngữ quyền lực.

Hiện chưa có những bộ phim bị phong sát nhưng từ phản ứng của khán giả ảnh hưởng đến hợp đồng quảng cáo là có thật. Việc đẩy cao quyền của người xem là con dao hai lưỡi, một mặt nó thúc đẩy nghệ thuật phát triển, mặt khác, nếu bị lạm dụng nó sẽ tạo ra những phản ứng méo mó: nghệ sĩ để tránh phong sát mà ứng xử giả dối, đạo diễn để làm đẹp lòng khán giả sẽ thỏa hiệp... Đây đều không phải là những cú hích có ích cho nghệ thuật.

MỚI - NÓNG