Phim truyền hình Việt Nam: Càng kéo dài càng mất khách?

Phim truyền hình Việt Nam: Càng kéo dài càng mất khách?
Một trong những nguyên nhân hàng đầu của tình trạng chất lượng phim truyền hình sa sút hiện nay là do chất lượng kịch bản.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu của tình trạng chất lượng phim truyền hình sa sút hiện nay là do chất lượng kịch bản.

Phim
Phim "Vòng tròn cạm bẫy" sẽ hấp dẫn hơn nếu có độ dài hợp lý..

Dù phim miền Bắc hay phim miền Nam đều rơi vào tình trạng dài dòng, lê thê. Một tác phẩm thu hút được khán giả đôi khi chỉ cần xoay quanh một vấn đề nào đó và khai thác thật kỹ lưỡng. Nhưng phim truyền hình của ta hiện nay rời vào tình trạng kéo dài nhạt nhẽo...

Gần đây, nếu có điều kiện theo dõi các bộ phim truyền hình được phát sóng trên "giờ vàng", hẳn khán giả sẽ dễ dàng nhận thấy sự góp mặt đông đảo của các bộ phim truyền hình phía Nam. Sau sự ra đời của một loạt phim sản xuất ở phía Bắc gây sự chú ý của dư luận như "Ma làng", "Ngõ lỗ thủng", "Bí thư tỉnh ủy"... thì dường như thời gian gần đây, phim truyền hình phía Bắc đang rơi vào tình trạng trầm lắng.

Ngay tại giải thưởng Cánh diều vàng năm nay, trong số 19 phim truyền hình tham gia tranh giải thì chỉ có một đại diện duy nhất đến từ miền Bắc là phim "Chủ tịch tỉnh".

Nguyên nhân của tình trạng này không có gì khó hiểu. Ở phía Nam, không chỉ có Đài Truyền hình Tp HCM mà nhiều Đài Truyền hình địa phương khác cũng rất hào hứng với việc sản xuất phim. Trong khi ở miền Bắc, ngoài hãng phim truyền hình Việt Nam thì các Đài truyền hình khác như VTC, Đài Truyền hình Hà Nội không mặn mà với công việc này bằng việc sản xuất game show.

Tuy nhiên, sự phong phú của các bộ phim đến từ phương Nam cũng không giúp cho phim truyền hình Việt có sự thay đổi về chất. Dù ai cũng biết, các nhà sản xuất phim phía Nam rất giỏi trong công tác lăngxê, quảng cáo cho các sản phẩm của mình. Từ việc "tận thu" các người mẫu, ca sĩ vào việc đóng phim đến các chiêu PR xung quanh bộ phim trước khi công chiếu.

Được quảng cáo một cách chuyên nghiệp nhưng khi phim ra mắt, không ít khán giả lại cảm thấy thất vọng. Một ưu điểm của phim phía Nam là nắm bắt thị trường nhanh, đưa được những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống vào nội dung phim.

Tuy nhiên cách khai thác, giải quyết vấn đề thường đơn giản, nhạt nhẽo. Thậm chí có những bộ phim bộc lộ rất nhiều lỗi ngớ ngẩn, phi lý, trở thành những "thảm họa phim Việt" như "Anh chàng vượt thời gian", "Nghe trà". Hay gần đây nhất, sự ẩu thả khi làm phim dẫn đến xuất hiện những chi tiết phản cảm, ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc như trong "Hoa nắng".

Một trong những nguyên nhân hàng đầu của tình trạng chất lượng phim truyền hình sa sút hiện nay là do chất lượng kịch bản. Dù phim miền Bắc hay phim miền Nam đều rơi vào tình trạng dài dòng, lê thê. Một tác phẩm thu hút được khán giả đôi khi chỉ cần xoay quanh một vấn đề nào đó và khai thác thật kỹ lưỡng.

Nhưng phim truyền hình của ta hiện nay rời vào tình trạng kéo dài nhạt nhẽo. Phim cứ ra mắt là ít nhất phải dài 30 đến 40 tập. Chưa kể những bộ phim có độ dài đặc biệt lên tới hàng trăm tập như: "Cô gái xấu xí", "Những người độc thân vui vẻ", "Cô gái bất đắc dĩ"...

Tác giả kịch bản, đạo diễn ham phản ánh nhiều vấn đề nhưng không tới nơi tới chốn, thành thử lại là con dao hai lưỡi. Thay vì tò mò, háo hức, chờ đợi, khán giả lại rơi vào tình trạng mệt mỏi khi theo dõi phim.

Đơn cử như bộ phim "Vòng tròn cạm bẫy" đang phát sóng. Thực sự đó là một bộ phim "xem được" nếu kết thúc ở khoảng 30 tập đầu khi nhân vật chính Huy Khang phải trả giá cho những sai lầm trước đây của anh. Nhưng giờ đây, khán giả đã bắt đầu cảm thấy nản khi câu chuyện phim kéo dài với những chi tiết được "bôi" một cách không cần thiết.

Thực tế, nhiều phim truyền hình nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ dài tới hàng trăm tập, nhưng mỗi tập đều phát sinh những tình tiết mới khiến người xem luôn cảm thấy háo hức. Còn ở nhiều bộ phim Việt Nam, có khi cả tập gần một tiếng đồng hồ không hề có một chi tiết mới hay vấn đề gì được giải quyết.

Sở dĩ hiện nay có tình trạng phim dài lê thê vì trong việc sản xuất phim có tình trạng "đếm tập ăn tiền". Thế nên tác giả kịch bản, đạo diễn có tâm lý chẳng tội gì không kéo dài phim dù chi tiết phi lý, lời thoại lê thê. Chưa kể, việc bán sóng truyền hình dễ dàng, tràn làn hiện nay là nguyên nhân khiến chúng ta không có phim hay để xem.

Dù kịch bản kém chất lượng, đội ngũ làm phim thiếu chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm không có khán giả nhưng vẫn lên sóng ầm ầm. Chính vì chúng ta chưa tạo được một cơ chế hàng hóa thật sự với thị trường phim truyền hình.

Nếu như mỗi nhà sản xuất có một kênh truyền hình để chiếu phim. Công chúng thẩm định giá trị, chất lượng của phim thông qua chỉ số người xem và chỉ những phim được khán giả yêu thích mới được chiếu trên "giờ vàng" thì chắc chắn nhà sản xuất sẽ có trách nhiệm với những bộ phim của mình hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những biện pháp trước mắt nhằm khắc phục tình trạng phim truyền hình kém chất lượng hiện nay là hãy làm những bộ phim ngắn tập. Thực tế là hầu hết những bộ phim truyền hình được khán giả yêu mến và nhớ nhất vẫn là những bộ phim chỉ có độ dài từ 1 đến 5 tập như "Mẹ chồng tôi", "Những người sống quanh tôi", "Mảnh đời của Huệ"...

Theo K.T
Văn nghệ công an

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG