Phát triển sản xuất quy mô hàng hóa, người K’Ho xã Lộc Nam thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ một xã có tới 30% hộ nghèo, xã Lộc Nam đã nỗ lực phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô hàng hóa nên giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống chỉ còn vài phần trăm.
Phát triển sản xuất quy mô hàng hóa, người K’Ho xã Lộc Nam thoát nghèo ảnh 1

Các nông hộ chăn nuôi heo với quy mô hàng hóa

Tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội

Về vị trí địa lý, xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) không có điều kiện thuận lợi bởi nằm cách xa khu vực trung tâm của huyện gần 40km.

Mặt khác, tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số khá cao (chiếm 30%, chủ yếu là người K’Ho) với trình độ dân trí còn thấp, chậm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Trước tình hình đó, các ban ngành chức năng của huyện Bảo Lâm và tỉnh Lâm Đồng đã ưu tiên triển khai các chương trình, dự án cho xã Lộc Nam với tổng vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Quốc lộ 55 ngang qua xã Lộc Nam được nâng cấp; đường liên huyện, liên thôn được mở rộng, thảm bê tông… khiến cho việc di chuyển và lưu thông hàng hóa của người dân thuận lợi, nâng cao giá trị nông phẩm.

Phát triển sản xuất quy mô hàng hóa, người K’Ho xã Lộc Nam thoát nghèo ảnh 2

Hệ thống đường giao thông được nâng cấp, mở rộng

Hệ thống điện, trường, trạm… cũng được xây dựng bài bản, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Mặt khác, theo Phòng NN&PTNT huyện Bảo Lâm, từ năm 2021 đến nay, các ban ngành đã bố trí kinh phí hàng chục tỷ đồng để xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình hồ, đập thuỷ lợi, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng, các trạm bơm…

Huyện tiếp tục phát triển đa dạng, đồng bộ, hiệu quả các loại hình thủy lợi, trong đó chú trọng thủy lợi vừa và ao hồ nhỏ, cùng với hệ thống giếng ngầm, nguồn nước từ sông suối, khe mạch tự nhiên.

Ban ngành chức năng cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới, đầu tư phát triển hệ thống tưới nước tiên tiến, tiết kiệm.

Nhờ vậy, đảm bảo đủ nước sinh hoạt và cung cấp nước tưới cho nhiều diện tích cây trồng ở địa phương, trong đó có xã Lộc Nam.

Ông K’Dĩnh (người K’Ho) và một số người dân ở thôn 4 (xã Lộc Nam) cho biết, trước đây đường sá rất khó đi, trời nắng thì bụi mịt mù, còn mưa lại sình lầy, trơn trượt. Hiện nay đường sá rộng rãi, được thảm nhựa hoặc đổ bê tông nên đi lại thuận tiện hơn nhiều. Việc chuyên chở cà phê, trái cây, rau màu đi nơi khác khá thuận lợi nên không bị hư hao nhiều như trước, do đó, thu nhập tăng cao.

Sản xuất theo quy mô hàng hóa

Đồng thời với việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, xã Lộc Nam huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển sản xuất theo quy mô hàng hóa, thay thế phương thức sản xuất tự cung tự cấp trước đây.

Các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Giải pháp quan trọng nữa là đa dạng hóa cây trồng bởi theo khuyến cáo của các chuyên gia nông nghiệp, đất đai ở Lộc Nam khá tốt, phù hợp phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm như chè, cà phê, cũng như các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, măng cụt...

Đến nay, Lộc Nam đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định với tổng diện tích lên đến hơn 5.000ha, trong đó, nhiều mô hình tái canh cà phê, trồng sầu riêng đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hiện Lộc Nam là nơi có diện tích sầu riêng lớn bậc nhất huyện Bảo Lâm với hơn 147 ha đã được cấp mã số vùng trồng và hàng chục héc ta khác đang được kiểm tra để cấp bổ sung.

Với diện tích đất lớn (hơn 7.000ha), nhiều đồng cỏ và phụ phẩm nông nghiệp để phát triển chăn nuôi, xã Lộc Nam đã nâng tổng đàn gia súc gồm bò, dê, lợn lên gần 3.400 con và hàng vạn gia cầm, thủy cầm các loại.

Cùng với việc tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy canh tác, xã Lộc Nam chú trọng phát triển các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, từ đó ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, thời gian gần đây, giá kén tằm ổn định ở mức khá cao (trên dưới 150.000 đồng/kg) và nhờ được tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên nhiều nông hộ tăng thu nhập, thoát nghèo nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Theo ông Đồng Văn Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, địa phương còn tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đăng ký nhận hỗ trợ giảm nghèo đối với các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc triển khai đồng thời các biện pháp nêu trên đã hỗ trợ nhiều hộ nghèo ở xã Lộc Nam vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Xã này đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 30% (năm 2015) xuống chỉ còn 6% vào cuối năm 2022.

MỚI - NÓNG