Cao Lộc nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn với hơn 74km đường biên giới với Trung Quốc, có 2 cửa khẩu quốc tế cùng các cửa khẩu phụ thông thương với Trung Quốc. Tuy vậy, do địa hình miền núi, thành phần người dân tộc thiểu số chiếm phần đa, sinh sống bằng nghề nông nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương còn cao.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cấp trên, UBND huyện Cao Lộc đã thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia Cao Lộc giai đoạn 2021-2025. Ban hành Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030 và kế hoạch cụ thể từng năm.
Nhờ đó, đến hết năm 2022, toàn huyện còn hơn 1.640 hộ nghèo, chiếm 8,29%; 2.023 hộ cận nghèo, tỷ lệ 10,2%. 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được hỗ trợ về giáo dục. Triển khai 4 mô hình giảm nghèo tại 2 xã Thạch Đạn, Lộc Yên cho 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo….
Bà con các xã vùng biên giới cao Lộc học hỏi, thực hành sửa chữa nông cụ. Ảnh: Duy Chiến |
Thực hiện công tác giảm nghèo, cán bộ, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cao Lộc xuống cơ sở truyền dạy đào tạo nghề nông thôn, xóa nghèo bền vững. Ảnh: Duy Chiến |
Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Để triển khai công tác giảm nghèo bền vững; chính quyền và các ngành đều đã lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cho lãnh đạo UBND, cán bộ, công chức các xã, thị trấn và các trưởng thôn bản, khu, khối phố. Năm 2022, huyện đã in ấn sản phẩm truyền thông để tuyên truyền gồm 36.000 tờ rơi về công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; 25.500 tờ rơi về công tác giảm nghèo cho 22 xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, địa phương cũng thực hiện rà soát, hỗ trợ người dân về nhà ở, nước sinh hoạt. Triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm bền vững.
Đến nay, 22/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lộc đã có đường ô tô đến trung tâm, đi lại thuận tiện, các thôn bản có đường bê tông đến trung tâm thôn; 98% hộ dân được sử dụng điện, 97% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 98% chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý…
Đặc biệt, năm 2022, toàn huyện đã triển khai gần 70 buổi ra quân vệ sinh, quét dọn, thu gom, xử lý rác phát sinh xung quanh các nhà văn hóa thôn, trụ sở xã, các tuyến đường trục chính, đường liên thôn, góp phần triển khai hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. “Huyện đã rà soát xoá nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ xây 10 nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí 400.000.000đ từ nguồn quỹ vì người nghèo của huyện và của tỉnh để giúp các hộ gia đình thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn”, ông Nguyễn Duy Anh chia sẻ.
Đời sống của đồng bào các dân tộc huyện Cao Lộc được nâng lên; công tác lồng ghép tuyên truyền, học nghề nấu ăn cũng được ngành chức năng địa phương triển khai. Ảnh: Duy Chiến |
Tuy nhiên, địa phương cũng thừa nhận, trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo, Cao Lộc còn gặp nhiều khó khăn như: Một số hướng dẫn triển khai của cấp trên chưa kịp thời, thời gian thực hiện tại cơ sở tương đối ngắn dẫn đến ảnh hưởng tiến độ, chất lượng các chương trình. Mặt khác, các tiêu chí được xây dựng để thực hiện giám sát, đánh giá hộ nghèo chưa được cụ thể. Vẫn còn một bộ phận người dân mang nặng tư tưởng ỷ lại, muốn vào hộ nghèo để được thụ hưởng các chính sách, không muốn vươn lên để thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Duy Anh; với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%/năm, đảm bảo 100% hộ gia đình người nghèo được hưởng thụ đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước với hộ nghèo, xã nghèo về vay vốn tín dụng, giáo dục, y tế, khuyến nông, khuyến lâm…Huyện Cao Lộc sẽ tăng cường công việc khắc phục những khó khăn, tồn tại; đồng thời tiếp tục huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo để họ tự vươn lên xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.