Người dân tộc thiểu số ở Đam Rông được hỗ trợ học nghề nuôi tằm |
UBND huyện Đam Rông (Lâm Đồng) vừa đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng 231 căn nhà với tổng trị giá gần 12 tỷ đồng cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở.
Địa phương còn hỗ trợ sinh kế cho 455 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện với kinh phí trên 7,7 tỷ đồng và giải quyết cho gần 1.200 lượt hộ nghèo vay số tiền trên 65 tỷ đồng.
Huyện Đam Rông cũng đã cấp phát hơn 129 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thụ hưởng; triển khai mở 31 lớp đào tạo nghề cho 641 học viên với kinh phí trên 1,7 tỷ đồng.
Hàng năm, nhiều lao động ở địa phương này đi làm việc tại các thị trường nước ngoài và 1.500 lao động được giải quyết việc làm trong nước. Huyện còn hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 12.600 lượt học sinh, sinh viên ở các cấp học với kinh phí trên 8,5 tỷ đồng.
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhất là các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, việc làm… được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Việc tiếp cận thuận lợi các dịch vụ này đã giúp hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Cũng theo UBND huyện, riêng các dự án thành phần của chương trình MTQG, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên tiến độ triển khai chậm, tỷ lệ vốn giải ngân thấp. Huyện sẽ nỗ lực triển khai trong thời gian cuối kỳ.
Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng NN&PTNT cho hay, đặc thù của huyện đặc biệt khó khăn này là số hộ di cư tự do rất đông. Tiêu biểu như xã Liêng Srônh, có hơn 500 hộ với hàng ngàn khẩu từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do đến các tiểu khu (TK) 179, 181, 197, 198…
Một số hộ dân di cư tự do phá rừng trồng cà phê |
Các ban ngành chức năng đã triển khai nhiều chương trình dự án ổn định dân cư và nhiều giải pháp để ngăn chặn làn sóng dân di cư tự do đến khu vực này. Thời gian gần đây, số hộ di cư tự do đến Liêng Srônh giảm hẳn.
Một giải pháp khác để giảm nghèo bền vững, theo Trưởng phòng NN&PTNT, cần có biện pháp thuyết phục đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Trong sản xuất nông nghiệp, về mùa khô, phải chủ động tích trữ nước để tưới tiêu chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời.
Ông Chính cho hay, nếu như trước kia, huyện có 3.000ha (héc-ta) cà phê, mỗi héc-ta cho sản lượng 1 tấn thì nay toàn huyện có 12 ngàn ha với năng suất 3,3 tấn/ha. Lúc mới thành lập, huyện có 1.000 ha lúa với năng suất 23 tạ/ha thì nay đạt 29 tạ/ha.
Hiện toàn huyện có 175 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản với sản lượng trên 70 tấn/ha, nhiều diện tích trồng dâu nuôi tằm, sầu riêng..., những lĩnh vực vốn mới mẻ và khó tiếp cận đối với người dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai cho biết, công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ và đạt được kết quả khả quan trong một số lĩnh vực, hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo đề ra.
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 19,3%. Huyện Đam Rông đang nỗ lực phấn đấu để đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 14,3% với số hộ nghèo là 2.105 hộ.
“Nếu biết rằng, 19 năm trước (khi mới thành lập huyện Đam Rông-PV), tỉ lệ hộ nghèo chiếm hơn 73%, mới thấy việc giảm nghèo ở địa phương này có sự bứt phá to lớn”, ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện nhấn mạnh.