Phát triển BHXH trong doanh nghiệp FDI

0:00 / 0:00
0:00
Người lao động Việt Nam làm việc cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc
Người lao động Việt Nam làm việc cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc
TP - Khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đầu tư vào nhiều ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Trong những năm qua, doanh nghiệp FDI ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu vực kinh tế năng động nhất của Việt Nam, và có đóng góp quan trọng vào thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Chiếm 46% lao động tham gia BHXH

Theo BHXH Việt Nam, tính đến tháng 3/2021, số DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 26.987 đơn vị, dù chỉ chiếm trên 6% số DN tham gia BHXH, nhưng có tới 4,9 triệu người lao động tham gia BHXH (chiếm khoảng 43% số lao động tham gia BHXH khối DN). Tổng số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN từ khu vực này bằng 46,5% so với tổng số thu của khối DN. Cùng đó, mức lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn bình quân chung của khối DN tham gia BHXH.

Khu vực DN FDI không chỉ giải quyết số lượng việc làm lớn, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN còn có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như DN, những năm qua, chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Việt Nam đã có những bước hoàn thiện căn bản, giảm thủ tục hành chính, hướng tới đảm bảo tốt hơn quyền lợi an sinh xã hội của người tham gia.

Do đó, BHXH Việt Nam luôn xác định công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp 100% các dịch vụ công mức độ 4 cho các thủ tục của ngành; đã có 15 dịch vụ công của ngành và dịch vụ công liên thông với các bộ, ngành được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, BHXH Việt Nam đã triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ DN và người lao động như: tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; giảm mức đóng về 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ BHTN cho người tham gia...

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai hệ thống thu, chi trả điện tử, phát triển ứng dụng VssID (BHXH số) để thông tin, thực hiện dịch vụ công cho cá nhân, tổ chức giao dịch với cơ quan BHXH. Hiện ứng dụng VssID ngoài tiếng Việt đã cung cấp thêm 4 ngôn ngữ khác là tiếng Anh, Hàn, Trung, Nhật để tạo thuận lợi và dễ dàng tiếp cận BHXH cho người lao động, DN nước ngoài tới làm việc và kinh doanh tại Việt Nam.

Tiến tới BHXH song phương

Theo Luật BHXH năm 2014, Nghị định số 143/2018/NĐ-CP của Chính phủ, công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đây là mối quan tâm chung của nhiều DN FDI tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang đàm phán với một số quốc gia để triển khai BHXH song phương để tối ưu hóa quyền lợi cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước và công dân các nước làm việc tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam và Hàn Quốc đang đàm phán để ký kết Hiệp định song phương về BHXH giữa Chính phủ hai nước, trên cơ sở đó BHXH Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc cũng sẽ ký kết Thỏa thuận thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh cho người lao động mỗi nước.

Tại hội nghị đối thoại giữa BHXH Việt Nam và các DN Hàn Quốc về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN mới đây, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: BHXH Việt Nam sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận, giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN của các DN FDI. Ông Mạnh cũng mong muốn các DN Hàn Quốc tại Việt Nam nói riêng và các DN FDI nói chung tiếp tục đồng hành trong triển khai chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Theo Bộ LĐ-TB&XH về dự thảo Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc, về phía Việt Nam, từ ngày 1/12/2018, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đóng BHXH với 3 chế độ: ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Từ ngày 1/1/2022, bổ sung thêm chế độ hưu trí và tử tuất. Về phía Hàn Quốc, theo quy định, người lao động Việt Nam sang làm việc đóng chế độ hưu trí tương ứng áp dụng cho lao động Hàn Quốc tại Việt Nam. Do đó, việc ký hiệp định BHXH song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tránh đóng song trùng BHXH và tính tổng thời gian đóng BHXH ở cả hai quốc gia khi hưởng các chế độ BHXH với người lao động mỗi nước.

Theo quy định của Luật BHXH Việt Nam, người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc sẽ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất với mức 22% trên mức tiền lương đã đóng BHXH trước khi đi, hoặc bằng 2 lần mức lương cơ sở. Dự kiến, khi Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc được ký kết sẽ có trên 37.000 người lao động Việt Nam đang làm việc sẽ đóng BHXH tại Hàn Quốc.

MỚI - NÓNG