Giun tròn, sống trong đất hay nước, có thể "bị thu hút" trước mùi nước tiểu của bệnh nhân ung thư và tránh nước tiểu của người khỏe mạnh. Kết quả kiểm tra 242 mẫu nước tiểu cho thấy độ nhạy cảm của chúng lên đến 95,8%, cao hơn so với mức độ chính xác của việc chẩn đoán với mẫu máu.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Kyushu cho biết phương pháp này không gây đau, có chi phí từ 100 yên (0,8 USD) đến vài trăm yên mỗi lần và cho kết quả sau 90 phút. Các nhà nghiên cứu cho biết phương pháp này giúp xác định ung thư ở giai đoạn sớm, vốn không thể được phát hiện bằng xét nghiệm thông thường, và khuyến khích bệnh nhân điều trị sớm.
"Khi đưa một mẫu nước tiểu để kiểm tra, bạn có thể phát hiện liệu mình mắc ung thư hay không. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí", Japan Times hôm 13/3 dẫn lời chuyên gia Takaaki Hirotsu nói.
Các thử nghiệm trước đây từng chỉ ra rằng một số loài động vật như chó hay chuột cũng có thể giúp phát hiện ung thư. Tuy nhiên, việc xác định bằng mùi trong thử nghiệm lâm sàng là điều không dễ dàng, vì độ chính xác còn phụ thuộc vào mức độ tập trung của chó.
Hiện nay, hình thức thử nghiệm không thể xác định loại ung thư của bệnh nhân, nhưng nhóm nghiên cứu đã nuôi được loại giun phản ứng với bệnh này. Họ dự định phát triển một thiết bị quét và hy vọng đưa vào sử dụng thực tiễn vào năm 2019.