Tại hội nghị "Kết quả nghiên cứu thành Cổ Loa từ năm 2007 đến nay" (ngày 3/12), TS Trịnh Hoàng Hiệp, Phó trưởng phòng Nghiên cứu thời đại Kim khí, Viện Khảo cổ học, đã công bố kết quả cuộc khai quật ụ Hỏa hồi và thành Nội Cổ Loa, thực hiện năm 2014.
Trong cuộc khai quật này, nhóm nghiên cứu đã phát hiện trên 1.000 tiêu bản ngói gồm cả ngói âm dương và mảnh ngói bò. Hoa văn trang trí trên hiện vật này là văn thừng ở mặt hoặc trên lưng, ô trám ở bụng viên ngói. 10 tiêu bản đồ đá cũng xuất lộ.
TS Trịnh Hoàng Hiệp cho rằng, sự hiện diện của các mảnh ngói và đá là một phần của văn hóa vật chất Cổ Loa, cần tiếp tục nghiên cứu. Một khả năng có thể có một cấu trúc mái được dựng lên dọc theo bề mặt gốc của tường thành để bảo vệ chống lại mưa hay bị tấn công như đá, mũi tên. Khả năng khác là đá, ngói được đặt cố ý ở những vị trí đó để củng cố tính toàn vẹn của tường thành chống lại sự xói mòn do mưa.
Các mảnh vỡ của những cục đá và những mảnh ngói tồn tại dọc theo cùng một lớp địa tầng ở cả thành Trung, thành Ngoại, thành Nội và Ụ hỏa hồi. Với một số lượng lớn mảnh ngói như vậy trên các vòng thành, TS Hiệp cho rằng, đó là điều kinh ngạc về việc sản xuất. Nhà nghiên cứu đặt câu hỏi, có hay không kết cấu mái tồn tại trên các thành lũy Cổ Loa?
Mẫu cacbon phóng xạ của khu vực khai quật năm 2014 đã được chuyển ra nước ngoài để xác định niên đại.
Trước đó, cuộc khai quật thành Trung (năm 2007-2008) đã phát hiện thành Cổ Loa được đắp trên một ngôi thành của nền văn hóa Đông Sơn. Những mảnh gốm Đông Sơn và niên đại của cacbon phóng xạ được tìm thấy ở đây đã chứng minh điều đó.
Từ nguồn sử liệu thành văn, tư liệu khảo cổ học thu được từ các cuộc khai quật trước đó, kết hợp với kết quả cuộc khai quật năm 2014, các chuyên gia của Viện Khảo cổ học đã bước đầu làm sáng tỏ về lũy, hào của cư dân giai đoạn Đông Sơn (muộn) ở Cổ Loa, giai đoạn đắp thành thời vua An Dương Vương và các lần đắp thêm ở hai vòng thành Trung, thành Ngoại vào giai đoạn lịch sử sau đó.
Theo Quỳnh Trang