Pháo lậu ồ ạt đổ về các tỉnh phía Bắc

Pháo lậu ồ ạt đổ về các tỉnh phía Bắc
TP - Đã thành quy luật, vào thời điểm giáp Tết, tình trạng buôn lậu diễn ra tại biên giới Việt Nam - Trung Quốc hết sức nóng bỏng và phức tạp mà điển hình là mặt hàng pháo lậu

Với 253 km đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc và 5 cửa khẩu: Tân Thanh, Chi Ma, Đồng Đăng, Cốc Nam, Hữu Nghị, Lạng Sơn từ lâu là địa điểm lý tưởng cho hoạt động buôn lậu..

Pháo lậu ồ ạt đổ về các tỉnh phía Bắc ảnh 1
Pháo được bày bán ở chợ Hữu Nghị (Lạng Sơn)  Ảnh: Kim Dung

Buôn pháo ngấm ngầm ở chợ cửa khẩu

Gian hàng thực phẩm của chị M., một tiểu thương tại chợ Hữu Nghị có “trưng bày” 2 chiếc pháo ống chiều dài 0,5m, đường kính 3 cm.

Khi được  hỏi: “Bán pháo công khai thế này không sợ bị phạt à?”, chị M. kéo tôi lại thì thụp: “Loại này thì được phép bán, nhưng cũng chỉ dám bày ra ít thôi. Loại khác “nó” cấm không cho bán, mình phải giấu đi. Chị có loại pháo trứng màu trắng to bằng quả la hán, nở to như cây đa trên trời. 20 ngàn một cây, em mua nhiều chị giảm giá.”

Được biết những ngày thường lượng khách thưa vắng, chỉ vào thứ 7 chủ nhật có đông khách du lịch nên pháo bán chạy hơn.

Pháo lậu ồ ạt đổ về các tỉnh phía Bắc ảnh 2
Dân chở hàng lậu

Đi dọc các chợ và trung tâm thương mại Hồng Kông, trung tâm thương mại Quảng Châu khu vực cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi được không ít người chèo kéo, mời chào mua pháo rất nhiệt tình.

Họ giới thiệu loại pháo ống nhỏ gọn dài chừng 20 cm được giấu vào túi bên trong của áo khoác đề phòng bị lực lượng công an kiểm tra.

Giá cả nói thách thường từ 30 ngàn xuống 15 ngàn, nếu mua nhiều được giảm 5 ngàn đồng/cây. Địa điểm giao hàng được thỏa thuận sòng phẳng.

Ghé vào một quán nước, chúng tôi hỏi mua pháo chơi Tết, người chủ hàng nhanh nhẹn lôi ra một bó 10 chiếc pháo cây Trung Quốc dài 1m được giấu trong đống đồ đạc. Thấy tôi tỏ vẻ lo lắng về chất lượng pháo, anh này niềm nở: “Em yên tâm, dân Hà Nội lên đây lấy nhiều lắm, năm ngoái họ cũng lấy hàng chỗ anh”.

Loại pháo bán lẻ đa phần là bán cho khách du lịch mới đến Lạng Sơn nên không ít người đã mua phải pháo giả. Loại pháo ống dài 20 cm được quấn ống giấy, bịt đầu ngòi giả, bên trong là xốp hoặc lõi ngô. “Những loại khác có thể nổ vài phát rồi xịt” - Anh T., một dân buôn lậu sành sỏi cho biết.

Pháo lậu ồ ạt đổ về các tỉnh phía Bắc ảnh 3
Hàng lậu được đưa về điểm tập kết

Cũng theo anh T., loại pháo nổ, pháo lựu đạn hiện nay bị cấm và xử gắt quá nên ít hàng hơn song các loại pháo lậu khác cũng được buôn ngày càng nhiều với nhiều chủng loại phong phú.

Pháo cây loại 60 cm hay 1 m có thể bắn 12 phát, giá nhập bên Trung Quốc chỉ 2.000 đồng/ cây. Hộp pháo éc (khi bắn phát ra tiếng kêu éc éc như tiếng lợn) có 12 quả, giá gốc là 60 ngàn, bán ra lãi gấp đôi.

Pháo hoa phổ biến với ba loại chính: Loại dàn 12 quả, 25 quả và 36 quả giá nhập khẩu từ Trung Quốc chênh nhau 5.000 đồng. Loại pháo hoa 36 quả nhập về là 50 ngàn, bán buôn ở cửa khẩu giá thời điểm hiện tại là 85 ngàn nhưng ra thị trường lên tới 150 ngàn, thậm chí đắt gấp đôi, gấp ba.

Ngoài ra còn có loại pháo điện chùm 18 cây có giá 100 ngàn đồng, mẫu mã đẹp, được nhiều nhà hàng mua về trang trí cửa ra vào tạo không khí Tết. Những loại pháo này được vận chuyển và cung cấp cho thị trường khắp các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên…

Ngày 13/11/2007, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 1721/CĐ - TTg về việc tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép.

Theo Chi cục quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, tính từ tháng 9 đến 12/2007, các cơ quan chức năng tính Lạng Sơn đã bắt giữ hơn 1 tấn pháo lậu các loại. Riêng trong tháng 11 và 12/2007, trạm kiểm soát liên ngành Dốc Quýt huyện Đồng Đăng đã bắt giữ 352 kg pháo nổ, 1.200 que pháo hoa, hơn 200 kg pháo lựu đạn và mỏ vịt.

Tuy nhiên mức phạt 2 đến 5 triệu đồng đối với hoạt động sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển pháo, thuốc pháo và 200 đến 500 ngàn đồng đối với người đốt pháo xem ra không thấm vào đâu so với lợi nhuận mà giới buôn lậu thu được.

Thực tế, số lượng pháo lậu tiêu thụ ở các của khẩu và phân phối ra thị trường trót lọt là phần chìm của tảng băng trôi, lớn hơn rất nhiều lần số vụ bị bắt giữ.

Tuy nhiên, giới buôn lậu ngày càng đông với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh.

Lợi dụng việc mỗi cư dân biên giới qua lại cửa khẩu được mang theo hàng hoá phục vụ cho sinh hoạt trị giá dưới 500 ngàn trong khi mỗi ngày có hàng ngàn lượt người qua lại cửa khẩu nên nhiều người đã chuyển sang hàng lậu, đặc biệt là pháo lậu, họ rất khôn khéo để “che mắt” lực lượng chức năng.

Họ thường “xé lẻ” hàng hóa để vận chuyển vì theo quy định thì buôn bán vận chuyển hơn 30 kg pháo lậu mới bị khởi tố hình sự.

Tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, những chiếc xe máy, ô tô chở hàng và cả xe du lịch luôn trong tư thế “chực sẵn” dân buôn lậu cõng chở hàng tập kết để “tuồn” đi khắp nơi theo nhiều con đường.

Nhất cử nhất động của lực lượng biên phòng và cơ quan kiểm soát đều được bọn buôn lậu theo dõi sát sao và báo động cho nhau bằng điện thoại di động, bộ đàm.

Theo những người dân ở đây, các tuyến đường mòn Kè Đá, Rọ Bon, Phò Chài.. có địa hình quanh co hiểm trở dễ giao chuyển hàng cũng như thoát thân khi cần.

Dân buôn lậu hiện nay hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng sôi động nhất vẫn là về đêm. Các chiến sĩ đồn biên phòng và trạm kiểm soát cửa khẩu luôn túc trực làm nhiệm vụ 24/24h song không thể kiểm soát hết mọi hoạt động của dân buôn lậu trên diện rộng.

Mới đây, ngày 13/12/2007, đội Quản lý thi trường số 2 (thị trấn Đồng Đăng, huyện Can Lộc) bắt quả tang một chiếc xe taxi mang BKS 29V-8436 do Giang Thanh Tuấn, trú tại phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn điều khiển vận chuyển 497 kg pháo nổ nhập lậu từ cửa khẩu Tân Thanh trên đường về Hà Nội tiêu thụ. Vụ việc được khởi tố ngày 27/12/2007.

Trong khi Tết Nguyên đán Mậu Tý đang đến gần thì tình trạng buôn bán pháo lậu càng trở nên nóng bỏng. Các cơ quan chức năng cần nỗ lực hơn nữa với nhiều biện pháp khả thi để ngăn chặn tình trạng buôn lậu pháo, đồng thời có hình thức xử lý thích đáng với những người đốt và sử dụng pháo trái phép.

MỚI - NÓNG