Ký trái quy định
Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã có kết luận về sai phạm và bước đầu xử lý một số quan chức. Ông Nguyễn Kim Đại, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku, bị kỷ luật cảnh cáo vì đã ký 13 quyết định thu hồi đất cho cá nhân mở đường trái quy định của Luật Đất đai, không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, các con đường cho mở này chỉ có một cá nhân (chủ sử dụng đất phân lô bán) hưởng lợi.
Vị quan chức này còn ký quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất một số vị trí không đúng quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt; ký tờ trình dự thảo kế hoạch sử dụng đất trình UBND tỉnh Gia Lai ban hành không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất… Mặc dù bị kỷ luật cảnh cáo, mới đây, ông Đại được điều chuyển về làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai.
Hai lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Gia Lai là Phạm Duy Du (Giám đốc) và Trần Xuân Hùng (Phó Giám đốc) đều bị kỷ luật khiển trách.
Hai vị này đã ký chỉnh lý giảm diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một cá nhân để mở đường trái quy định, không phù hợp với quy hoạch; ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp tách thửa đất nông nghiệp khi chưa có quy định của UBND tỉnh Gia Lai.
Hai vị quan chức này còn chủ trì thẩm định, tham mưu UBND tỉnh ký ban hành các quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của thành phố đến năm 2020 dẫn đến việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở tại một số vị trí không phù hợp, làm phá vỡ quy hoạch chung xây dựng của thành phố Pleiku.
Ngày 9/2/2018, khi UBND tỉnh Gia Lai có văn bản số 315 thống nhất chỉ đạo dừng việc tách thửa đất nông nghiệp. Khoảng 3 tuần sau, Sở TN&MT Gia Lai lại tham mưu bằng công văn (số 517 do ông Phạm Duy Du ký) đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho tách thửa với lý do “Việc tạm dừng tách thửa là vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”…
Hàng loạt sai phạm của nhiều cán bộ khác liên quan trong vụ phân lô, bán 1.523 nền cũng được chỉ rõ tại kết luận thanh tra (số 2405). Xác nhận với phóng viên Tiền Phong sáng 4/6, một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Gia Lai cho biết, toàn bộ hồ sơ vụ sai phạm này đã được cơ quan thanh tra chuyển sang Công an tỉnh từ tháng 11/2019. Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai cho biết, vụ việc trên vẫn “đang điều tra”.
Dân gánh chịu
Một trong những nạn nhân của việc phân lô, bán nền trái quy định tại Pleiku là anh P.V.H (SN 1993, huyện Ia Grai, Gia Lai). Anh H. kể rằng, cuối năm 2017, qua giới thiệu của bạn bè, anh đã mua một lô đất với diện tích 130m2 (50m2 đất thổ cư) với giá 150 triệu đồng ở phường Chi Lăng, thành phố Pleiku. Cuối năm 2018, anh H. xây nhà thì chính quyền địa phương ngăn cản với lý do đang điều tra vụ phân lô, bán nền trái quy định. Hơn 2 năm nay, anh H. phải cùng vợ sinh sống trong căn nhà trọ lụp xụp thuê tại Pleiku và đợi chính quyền cho xây dựng trở lại. “Chính quyền làm sai, họ chịu trách nhiệm, sao lại bắt dân chịu. Bao ngày qua, tôi chạy khắp nơi làm thủ tục xây nhà nhưng không được, trong khi mọi giấy tờ đều đầy đủ”, anh H. nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku, cho biết, đã ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục theo kết luận thanh tra số 2405. Việc khắc phục đang được tiến hành theo nhiều cách khác nhau, có chỗ phải bắt đào bỏ đi, có chỗ phù hợp với quy hoạch đất ở sẽ làm thành đất ở với yêu cầu có kết cấu hạ tầng đầy đủ…