Phản biện nóng về quản taxi theo vùng, màu sơn

Cùng với dán tem riêng, theo dự thảo taxi Hà Nội sẽ còn được quy định màu sơn, phân vùng hoạt động.
Cùng với dán tem riêng, theo dự thảo taxi Hà Nội sẽ còn được quy định màu sơn, phân vùng hoạt động.
TP - Để hoàn thiện quy chế quản lý taxi trên địa bàn thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) thành phố Hà Nội vừa tổ chức họp lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng tình với việc sớm có quy chế, nhưng với quy định “quản” taxi theo vùng và màu sơn, nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét lại.

Taxi được phân nội và ngoại thành

Thay mặt ban soạn thảo, ông Nguyễn Tuyển, Phó Phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo cuộc họp các nội dung chính của dự thảo: “Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh taxi trên địa bàn Hà Nội” (gọi tắt là Quy chế quản lý taxi). Theo ông Tuyển, dự thảo quy chế gồm 3 chương, 13 điều; trong đó chương 2 tập trung đưa ra các giải pháp quản lý cụ thể. Các nội dung này được quy định trong 8 điều cơ bản, gồm: quy định quản lý taxi về số lượng; quản lý về chất lượng, trong đó có xe, người lái, đơn vị kinh doanh, hành khách; quản lý về tổ chức hoạt động kinh doanh, trong đó có việc phân vùng hoạt động của taxi Hà Nội thành 2 vùng: vùng 1 tại các quận, vùng 2 các huyện, thị xã, cùng với đó taxi Hà Nội cũng được sơn màu đặc trưng để phân biệt với taxi các tỉnh; quy định về tăng số lượng xe taxi hàng năm và quy định về đấu giá quyền khai thác kinh doanh.

Đề cập về cơ  sở để xây dựng dự thảo theo các nội dung trên, ông Tuyển cho rằng, theo đề án taxi đã được thành phố Hà Nội phê duyệt đến năm 2020 lượng xe taxi trên địa bàn thành phố sẽ phát triển lên 25.000 xe, hiện nay là 19.265 xe với 77 doanh nghiệp, số lượng hoạt động vẫn nằm trong phạm vi cho phép. Tuy nhiên hoạt động của taxi hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, taxi phân bố không đều, chủ yếu trong khu vực trung tâm nên dẫn đến gây ùn tắc giao thông; chất lượng dịch vụ, phương tiện thấp; lái xe vẫn còn tình trạng còn các hành vi xấu, như tranh giành khách, chặt chém giá; giá cước cao...

“Mặc đồng phục cho taxi” để quản gì?

Phản ánh lại các ý kiến các đơn vị taxi và hiệp hội vận tải gửi đến trước hội nghị, đại diện UBMTTQ thành phố Hà Nội cho biết, với nội dung quy định về màu sơn, các hãng không đồng tình phương án này và có đề nghị thực hiện như hiện tại. Lý giải cho việc này, đại diện UBMTTQ thành phố nêu, nhiều DN cho rằng màu sơn là đặc điểm nhận diện thương hiệu của mỗi hãng taxi, các hãng mất rất nhiều thời gian và chi phí cho việc nhận diện thương hiệu. Cho ý kiến tại phần thảo luận về nội dung trên, ông Tô Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho rằng, ông cũng không đồng tình và đề  nghị ban soạn thảo xem xét lại.

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội cho biết, ở các thành phố lớn, taxi chỉ có 1, 2 DN nên vấn đề màu sơn không phải là lớn, ngay cả TPHCM cũng chỉ có 4 - 5 DN taxi, Hà Nội có số lượng xe ít hơn TPHCM nhưng có đến 77 DN. Do để gia tăng quá nhiều DN taxi như vậy nên bây giờ thống nhất về màu sơn là rất khó. Nay cơ quan soạn thảo lại muốn “mặc đồng phục” cho tất cả các hãng taxi sẽ ra gây bất cập, mâu thuẫn. Đề cập đến vấn đề phân vùng, ông Tuyến nói, taxi đang hoạt động trên đường hàng ngày theo nhu cầu của khách, khách có nhu cầu chạy từ nội thành ra ngoại thành thì không thể đến vùng giáp ranh thả khách xuống được.

GS.TS Từ Sĩ Chùa, ĐH GTVT cho rằng, dự thảo quá quan tâm đến việc “quản”, “siết”, còn việc nâng cao chất lượng dịch vụ, chấn chỉnh đội ngũ lái xe, chủ doanh nghiệp rất chung chung. Theo ông, để taxi phát triển hài hòa, bền vững phải đạt được 4 lợi ích: Khách hàng - Doanh nghiệp - Nhà nước - Lái xe. “Tuy nhiên đọc dự thảo, tôi thấy toàn bộ 13 gạch đầu dòng về quản lý taxi chỉ thấy quản và siết chặt. Nếu cứ nhìn vào 13 gạch đầu dòng này thì tôi thấy rằng Hà Nội là thành phố quản lý taxi tốt nhất thế giới”, ông Chùa đánh giá.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã tiếp thu 11 ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học. Theo ông Viện, việc quản taxi theo màu sơn và phân vùng nhiều thành phố trên thế giới đã làm. Hơn nữa, Hà Nội và TPHCM là hai thành phố đặc thù, được Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế đặc biệt để quản lý, phát triển đô thị. 

MỚI - NÓNG