Dự thảo quy chế quản lý taxi Hà Nội: Doanh nghiệp lo bị gây khó

Theo Sở GTVT Hà Nội, sau quý II/2018 nếu DN taxi không tham gia trung tâm điều hành chung sẽ bị đề nghị cắt dịch vụ tổng đài.
Theo Sở GTVT Hà Nội, sau quý II/2018 nếu DN taxi không tham gia trung tâm điều hành chung sẽ bị đề nghị cắt dịch vụ tổng đài.
TP - Sau khi Sở GTVT Hà Nội đưa dự thảo quy chế quản lý taxi ra lấy ý kiến các tổ chức cá nhân (Tiền Phong ngày 7/8 phản ánh), lãnh đạo Hiệp hội Taxi (HHTX) Hà Nội vừa có văn bản góp ý, trong đó không đồng tình với một số nội dung của dự thảo.

Văn bản do ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch HHTX Hà Nội ký, cho rằng, trước khi dự thảo quy chế được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các doanh nghiệp (DN) và HHTX Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến thực tiễn cho dự thảo. “Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp này ít được cơ quan soạn thảo tiếp thu. Quan điểm của cơ quan soạn thảo vẫn không thay đổi”, ông Bình nhấn mạnh.

Từ thực tế này, ông Bình cho rằng, nếu dự thảo quy chế được thành phố Hà Nội thông qua, các DN taxi lo ngại sẽ tạo ra rất nhiều bất hợp lý, rủi ro và dẫn đến sự phá sản của toàn bộ các DN taxi trên địa bàn
thành phố.

Dẫn chứng cho nhận định này, văn bản của HHTX Hà Nội dẫn ra hàng loạt nội dung được họ cho là “bất hợp lý”. Với nội dung thành lập trung tâm điều hành chung từ ngày 1/7/2018, HHTX Hà Nội cho rằng, trung tâm điều hành là một bộ phận đặc biệt quan trọng của DN taxi, đây là nơi tiếp nhận toàn bộ các yêu cầu đặt xe của khách hàng thông qua bộ đàm hoặc phần mềm ứng dụng (Apps). Vì vậy việc đưa trung tâm điều hành ra hoạt động chung sẽ không gắn được quyền lợi và trách nhiệm của DN, tạo nên mô hình mang dáng dấp của HTX, bao cấp, trái với quy luật của kinh tế thị trường. “Bản chất của việc này là lấy đi giá trị thương hiệu từ các DN… Chiếm quyền điều hành của DN sau bao nhiêu năm mới gây dựng được”.  Từ thực tế này, văn bản của HHTX Hà Nội góp ý kiến: “Bỏ quy định này”.

Về nội dung phân vùng hoạt động nội và ngoại thành của taxi, Chủ tịch HHTX Hà Nội nêu ý kiến, việc quy định địa giới hành chính để phân vùng phục vụ đối với taxi là không khả thi. Bởi vì, trên thực tế việc phân định địa giới hành chính giữa các quận, huyện là rất khó khăn, do vậy lái xe không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được việc này. Thực tế rất nhiều DN có địa bàn hoạt động ở các khu vực giáp ranh, như: Long Biên - Gia Lâm; Hoàng Mai - Thanh Trì, Từ Liêm - Hoài Đức - Đan Phượng… Với nội dung: “Từ năm 2025, thống nhất màu sơn chung đối với xe taxi tại Hà Nội”, ông Bình nói và cho rằng, công tác giám sát, thực hiện cũng sẽ khó khăn và ảnh hưởng đến thương hiệu, nhận dạng, hoạt động của mỗi DN.

Trong bản kiến nghị chung với Sở GTVT Hà Nội, một số taxi tại Thủ đô cho rằng, màu sắc, thương hiệu và tổng đài là đặc trưng riêng cho mỗi DN. Trong trường hợp, thành phố bắt buộc các DN phải tuân thủ chủ trương thì họ có đề xuất, các hãng được dán chung một logo biểu trưng cho Thủ đô Hà Nội như: “Khuê Văn Các” và được chọn một trong ba màu sơn: trắng, ghi, xanh rồi dán đề can (có thể trên nắp capbo). “Việc chấp thuận 3 màu sơn đặc trưng sẽ tạo điều kiện cho các DN dễ dàng lựa chọn màu sơn phù hợp với màu logo thương hiệu, vừa đảm bảo được sự ổn định kinh doanh của DN”, đại diện hãng taxi Hà Đông nhấn mạnh.

Taxi cần phải “đồng phục”

Là một trong những tổ chức đầu tiên được Sở GTVT Hà Nội lấy ý kiến, lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, với sự bùng nổ của các loại phương tiện chở khách theo hình thức taxi như hiện nay, việc cơ quan nhà nước đưa ra các giải pháp để quản lý loại xe này là phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Liên quan đến các nội dung quản lý được đề cập trong dự thảo Quy chế quản lý taxi, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, việc quản lý taxi theo màu sơn chung là việc cần làm. Vì khi có màu sơn chung, sẽ giúp hành khách và cơ quan quản lý dễ dàng phân biệt, nhận biết được taxi. Theo ông Liên, đây là hình thức mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu, ví như nhiều bang ở Mỹ taxi được thống nhất là màu vàng, còn Tokyo (Nhật Bản) hầu hết là màu đen…    

Liên quan đến thương hiệu, màu nhận dạng đã làm nên “màu sắc” của một số hãng taxi tại Hà Nội hiện nay, ông Liên cho rằng, quan trọng là chất lượng phục vụ. Taxi có giá cả hợp lý, dịch vụ tốt, hành khách vẫn có đủ hiểu biết để nhận dạng qua logo, số điện thoại tổng đài… “Cùng với số lượng và phạm vi phục vụ lớn, màu sơn đang tạo nên thương hiệu của một số hãng taxi, trong đó có Mai Linh, Hà Nội Group… Tuy nhiên với giá thành thường đắt hơn các hãng taxi khác nên khi bắt xe đi công việc, phản xạ của tôi cứ thấy taxi có màu xanh và trắng sọc là tôi xua đi”, ông Liên nêu thực tế.

Thông tin với PV Tiền Phong về việc lấy ý kiến nhân dân về nội dung trên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, toàn bộ các ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý cho dự thảo đã được Sở GTVT tổng hợp, trình lãnh đạo UBND thành phố nghiên cứu, quyết định. Riêng nội dung thành lập trung tâm điều hành taxi chung để triển khai phần mềm hỗ trợ điều hành (đặt/gọi xe taxi), thành phố đã có văn bản, giao cụ thể cho Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan triển khai các bước thành lập trung tâm này theo tiến độ được đặt ra là quý II/2018. Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, sau khi thành lập trung tâm, nếu hãng taxi nào không tham gia, sử dụng phần mềm tại đây Sở GTVT Hà Nội có trách nhiệm đề nghị Cục Tần số cắt dịch vụ tổng đài. 

MỚI - NÓNG