Triển lãm Tíc Tắc Sài Gòn lần này giới thiệu ba chủ đề hoàn toàn mới: Thành phố Hồ Chí Minh, Ballet và Hip Hop. Nhắc đến Phạm Luận, mọi người thường nghĩ đến phố Hà Nội, nhưng với ba đề tài lần này, người xem sẽ được thấy Phạm Luận với cái nhìn trẻ trung, dù ông đã ở tuổi xấp xỉ bảy mươi.
Phạm Luận đã vẽ nhiều thành phố sầm uất, sôi động như Hong Kong, Singapore, hay Tokyo, nhưng đây là lần đầu ông vẽ về thành phố Hồ Chí Minh. Trong lần đến thành phố đầu năm 2022 để bàn về triển lãm cá nhân của ông ở đây, ông đã cảm nhận được sự sôi động khác biệt với Hà Nội, nơi ông đang sinh sống. Ông đã quyết định vẽ về thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm Hoàng Hôn - Phạm Luận. |
Ba góc nhìn về TP.HCM
Phạm Luận đã quay lại và dành thời gian lang thang khắp các con phố ở thành phố Hồ Chí Minh, như trước đây ông từng đi trên các con phố ở Hà Nội. Hòa mình vào không khí và dòng chảy cuộc sống của thành phố, ông đã thấy được sự hồi sinh mạnh mẽ của TP.HCM sau 2 năm khó khăn vượt qua đại dịch. Ông đã kiên nhẫn chờ đợi những khoảnh khắc ''vàng'' khi thành phố lên đèn hay khi những vạt nắng chiều phản chiếu lên các tòa nhà. Ông chia sẻ rằng mình muốn cảm nhận được không khí, cảm nhận được cái ''chất'' của TP.HCM để có thể khắc họa thành phố trong những khoảnh khắc đẹp nhất.
Trong các tác phẩm trưng bày lần này có ba bức tranh nhiều tấm. Để vẽ được những bức tranh khổ lớn như vậy không hề dễ dàng, bởi vẽ tranh lớn không đơn giản là phóng to bố cục của một bức tranh nhỏ. Hơn nữa ba bức tranh Hoàng Hôn, Lên Đèn và Cuối Tuần lại là những bức tranh ghép của hai, ba tấm, nên lại càng khó trong việc bố cục tranh. Nhưng đây là một thử thách mà họa sĩ Phạm Luận đã tự đặt ra cho mình và ông đã thành công trong việc thể hiện ba góc nhìn đặc biệt ấn tượng về TP.HCM. Kể cả khi vẽ những bức tranh khổ lớn như vậy, ta vẫn có thể thấy được sự kỹ tính của Phạm Luận trong từng nét bút, từng chi tiết của bức tranh, như cách ông thể hiện dòng ánh sáng của biết bao xe cộ trên đường phố hối hả sau một ngày làm việc.
Những bức tranh tĩnh vật hoa cũng được họa sĩ Phạm Luận “nâng tầm’’ trong triển lãm lần này. Không đơn giản chỉ là những bình hoa với phông nền màu sắc cổ điển, ông đã sắp đặt những bình hoa ấy trong các không gian căn hộ hiện đại, cạnh những khuôn cửa sổ với những tầm nhìn đắt giá của sông TP.HCM. Vạt nắng trên chiếc ghế sofa màu xanh tạo nên một không gian thư thái, ấm áp, và thu hút, khiến người xem cảm thấy như họ có thể tìm thấy một không gian yên bình cho bản thân.
Ngắm tranh của Phạm Luận luôn là một trải nghiệm đầy thú vị. Cái nhìn rất riêng của ông cũng như cách ông dùng màu sắc, các mảng sáng tối để tạo nên chiều sâu và sự mới lạ cho những hoạt động bình thường hàng ngày. Chẳng hạn như ở bức Chủ Nhật, ánh nắng trong trẻo tạo nên cảm giác vui tươi, với nhóm các bạn trẻ trong trang phục rực rỡ đang say sưa cùng nhịp điệu của âm nhạc. Một cảnh sắc tưởng chừng rất đỗi bình thường trước tòa nhà bưu điện bỗng trở nên cuốn hút lạ thường. Hay trong Sau cơn mưa chiều, ta có thể thấy một hình ảnh quen thuộc bây giờ, các bạn trẻ chụp ảnh đăng trên mạng xã hội trước tòa nhà 42 Nguyễn Huệ - một tòa nhà với nhiều quán cà phê thời thượng, thu hút giới trẻ. Bức tranh thể hiện một cách hoàn hảo sự trẻ trung, tươi tắn của tuổi trẻ. Những cửa hàng và quán cà phê lung linh ánh đèn cũng mang đến một thần thái tươi mới cho bức tranh.
Các bạn trẻ chơi ván trượt ở TP.HCM cũng đã thu hút sự chú ý của họa sĩ. Ta có thể thấy một nhóm thiếu niên đang hăng say tập luyện trượt ván trong bức tranh Công Viên Trong Phố. Một khung cảnh đơn giản nhưng đã được nâng tầm bởi cách xử lý ánh sáng tinh tế. Ánh nắng óng ả trên những hàng cây, với nhà cửa, hàng quán ở phía xa, một khung cảnh bình yên nhưng rất sống động. Ở tác phẩm Cuối Tuần, một buổi tối trên đường Nguyễn Huệ trải rộng trên bức tranh ba tấm. Nhóm bạn trẻ trượt ván thu hút sự chú ý vào trung tâm của bức tranh. Xung quanh mọi người đang vui vẻ trò chuyện, đi lại, người lớn, trẻ nhỏ, bạn bè, các cặp đôi. Một không khí sôi động của một ngày cuối tuần khiến người xem cảm thấy như thể chính họ đang ở trong không gian ấy.
Mỗi lần có dịp ghé thăm các bảo tàng trong các chuyến du lịch, Phạm Luận thích thú với các mảng sáng tối trong các sảnh cầu thang, cũng như sự phản chiếu của ánh sáng trong các không gian này. Từ việc thể hiện sự tương phản sáng tối trong các bức tranh về cầu thang, hay không gian trong nhà, ông đã lựa chọn kết hợp vẽ về các vũ công ballet trong các không gian khác nhau như trong phòng tranh, bảo tàng hay cả ở ngoài trời như ở trên núi hay giữa một cánh đồng hoa. Những vũ điệu ballet như sợi dây kết nối cảm xúc ngẫu hứng của các nghệ sĩ trước những tác phẩm trừu tượng với màu sắc mạnh mẽ hay những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Mặc dù chủ đề có thể thay đổi, nhưng phong cách của Phạm Luận vẫn thấm đẫm những bức tranh này qua các nét bút mạnh mẽ hay cách ông xử lý màu sắc và ánh sáng.
Tác phẩm Phố Hàn Thuyên - Phạm Luận. |
Tác phẩm Nhà thờ Đức Bà - Phạm Luận. |
Giới hạn mới trong tranh
Tiếp tục phát triển trên nền ý tưởng của bộ tranh ballet, Phạm Luận đã vẽ một thể loại vũ đạo khác – hip hop và nhảy đường phố. Ông từng vẽ một nhóm bạn trẻ nhảy trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm bởi ông cảm nhận được đam mê của họ trong việc thể hiện bản thân qua âm nhạc và các vũ điệu đường phố. Ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, giới trẻ rất nhanh chóng trong việc tiếp cận và thích nghi với một thế giới mở. Những năm gần đây ta có thể thấy các hình thức nhảy đường phố hay nhạc rap đã trở nên phổ thông hơn. Các bạn trẻ ở Việt Nam đã mạnh dạn kết hợp những văn hóa phương Tây ấy với những đặc trưng của văn hóa Việt Nam và tạo nên những bản sắc riêng.
Trong một thế giới phẳng, ngày càng có nhiều sự kết hợp, giao thoa của các hình thức nghệ thuật. Có thể kể đến sự kết hợp của nhạc giao hưởng và nhạc phổ thông, hay trong nghệ thuật biểu diễn là sự kết hợp của ballet và nhảy đường phố. Chính những sự kết hợp sáng tạo ấy đã tạo nên cảm hứng cho các tác phẩm lần này của Phạm Luận.
Hà Nội với những con phố cũ mới đan xen thấp thoáng dưới những hàng cây bốn mùa hoa nở trong tranh của Phạm Luận đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Nhưng họa sĩ Phạm Luận cũng nhận thức được những thay đổi mà thời gian mang đến là điều tất yếu và tự nhiên. Ông đã thể hiện điều này qua các bức tranh mới của mình như một cách để ông ghi lại chương mới của thế hệ mới.
Các tác phẩm trong triển lãm Tíc Tắc Sài Gòn đã một lần nữa cho người xem thấy được sự biến hóa trong tranh của Phạm Luận, cũng như thấy được đam mê của ông trong việc sáng tạo nghệ thuật. Ông luôn đau đáu suy nghĩ để có thể làm mới tranh của mình, khám phá những giới hạn mới trong tranh. Sau khi hoàn thành bộ tranh lần này, ông lại miệt mài hướng tới những dự án tiếp theo, để có thể giới thiệu đến khán giả yêu thích nghệ thuật những nét mới, những cảm nhận mới của mình.