Họa sỹ Lê Anh Hoài: Thì ra tôi từng phá phách?

0:00 / 0:00
0:00
Họa sỹ Lê Anh Hoài: Thì ra tôi từng phá phách?
TPO - Lê Anh Hoài đang là Phó ban phụ trách ấn phẩm Tiền Phong Chủ Nhật, Báo Tiền Phong. Ngoài làm báo, anh còn viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật sắp đặt… và vẽ. Ở mảng nào cũng đóng cái tôi của mình lên đó. “Đài” là bức tranh anh gửi tặng Chương trình đấu giá tranh trực tuyến vì trẻ em trong đại dịch COVID-19.

Tất cả các họa sỹ tham gia đấu giá tranh trực tuyến với mục đích từ thiện do Báo Tiền Phong tổ chức đều không nhận bất kể phần trăm nào. Họ dành trọn vẹn số tiền thu được từ việc đấu giá tác phẩm của mình cho mục đích từ thiện. Anh nói rằng: Nếu chương trình này chia phần trăm cho các họa sỹ thì anh đã không tham gia. Vì sao?

Họa sỹ Lê Anh Hoài: Đơn giản vì đây là một chương trình có mục đích từ thiện. Tôi nghĩ, khi đã làm từ thiện thì nên trăm phần trăm, đừng tính toán nữa. Nhiều người không khá giả gì, khi cần sẻ chia, họ cũng cho đi cả những gì họ có lúc đó. Vậy mình cũng nên làm như thế.

Anh đã cầm cọ bao năm? Vì sao anh đến với hội họa, trong khi đã có quá nhiều bận bịu, nào làm báo, viết văn, làm nghệ thuật sắp đặt...?

Họa sỹ Lê Anh Hoài: Từ lúc thanh niên, tôi đã chơi với nhiều họa sỹ, xem nhiều tranh. Đã có lúc say mê vẽ - theo kiểu bản năng, nhưng rồi nhiều công việc cuốn đi, việc vẽ vời xếp lại. Đến khoảng 7-8 năm nay tôi mới vẽ với một tinh thần nghiêm túc hơn, dù chỉ tự học. Trước hết, nó quyến rũ bản thân, vậy thì mình làm. Với tôi, làm nghệ thuật trước hết phải xuất phát từ nhu cầu nội tại. Ngoài ra, tôi vẽ bởi nhận thấy ngôn ngữ hội họa hoàn toàn riêng biệt với những môn nghệ thuật mình từng tham gia. Với nó, mình có thể “nói” những điều mà con chữ hay những loại hình nghệ thuật khác đã từng làm không “nói” được.

Họa sỹ Lê Anh Hoài: Thì ra tôi từng phá phách? ảnh 1

Nhà văn, nhà báo, họa sỹ Lê Anh Hoài

Nhiều người cho rằng, tranh tĩnh vật của Lê Anh Hoài hơi bị hiền và cẩn trọng, không phá phách như anh đã từng trong những lĩnh vực nghệ thuật khác. Anh đồng tình hay phản đối những nhận xét kiểu thế?

Họa sỹ Lê Anh Hoài: Ồ, thì ra tôi đã từng “phá phách” à? (cười). Với nhận xét như trên về mảng tranh tĩnh vật của tôi, tôi trân trọng nhận định đó. Có lẽ một phần con người tôi bộc lộ trong những bức tranh tĩnh vật chăng? Ngoài ra, với tôi sự cẩn trọng ở đây xuất phát từ việc tôi là một người tự học. Để dần nắm được các kỹ thuật cơ bản của việc thực hành hội họa, không có cách nào ngoài việc cẩn trọng từ những bước đầu tiên. Và vẽ tĩnh vật chính là mảng đề tài giúp tôi điều này. Và tôi thấy nhiều họa sỹ bậc thầy, đàn anh cũng vẫn “hiền và cẩn trọng” đấy thôi. Trong nghệ thuật nói chung, hội họa nói riêng, tôi nghĩ tinh thần bứt phá, thậm chí cách mạng là cần thiết. Nhưng đừng nhân danh những thứ đó để “đi tắt đón đầu”, bỏ qua những điều cơ bản rất quan trọng.

Vì sao anh có cảm hứng với đài sen? Mà không phải với sen? Anh có nghĩ chính anh sẽ tạo ra phong trào chơi sen tiết kiệm của chị em ta không?

Họa sỹ Lê Anh Hoài: Các cụ cũng đã chơi đài sen, chơi khi hoa sen thả hết cánh xuống, thậm chí tàn úa - từ rất lâu rồi. Đó là một vẻ đẹp rất khiêm tốn, mộc mạc. Nó nhắc ta rằng trong tự nhiên, vẻ đẹp luôn tồn tại, kể cả sự tàn phai hay cái chết.

Họa sỹ Lê Anh Hoài: Thì ra tôi từng phá phách? ảnh 2

"Đài", acrylic trên toan, 50 cm x70 cm, của họa sỹ Lê Anh Hoài

Anh sáng tác khá nhiều tranh nude. Tại sao anh không chọn tranh nude để tham gia chương trình này mà lại chọn một bức tĩnh vật?

Họa sỹ Lê Anh Hoài: Với mảng tranh nude, tôi khai thác ở những khía cạnh khá “bạo”. Nhiều bạn bè trong giới nhận định, đây là loại tranh ít người chơi… Trong khuôn khổ của chương trình, tôi nghĩ cung tiến tranh tĩnh vật của mình thì phù hợp hơn.

Xin cảm ơn anh!

Chương trình đấu giá tranh trực tuyến vì trẻ em trong đại dịch COVID-19, do Báo Tiền Phong tổ chức, với 17 tác phẩm của 17 tác giả, sẽ bắt đầu lúc 11 giờ thứ 7 (ngày 23 tháng 10 năm 2021), kết thúc lúc 11 giờ Chủ nhật (ngày 24 tháng 10 năm 2021). Chương trình đấu giá, thể lệ đấu giá có trên fanpage Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.