Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19'

0:00 / 0:00
0:00
Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19'
TPO - 17 tác phẩm đa dạng về đề tài, chất liệu, kích thước… là những “đứa con tinh thần” của các họa sỹ gửi tặng chương trình, góp phần xoa dịu nỗi đau mất cha, mất mẹ của nhiều trẻ em trong bão COVID-19 và trợ giúp những em nhỏ gặp khó khăn, thiếu thốn về phương tiện, dụng cụ học tập ở thời dịch bệnh.

Cố điêu khắc gia, họa sỹ Lê Công Thành, được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2021. Ông để lại cho đời gia tài nghệ thuật giàu có gồm tượng và tranh. Lê Công Thành dành tình yêu lớn cho phái đẹp. Mỗi tác phẩm của ông là một lời ca hân hoan về phụ nữ.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 1

"Họa sỹ và bức tranh", sơn dầu trên bìa 80cm x 100 cm, của cố họa sỹ Lê Công Thành

Kim Thái, phu nhân cố điêu khắc gia Lê Công Thành là nữ họa sỹ "nghiện" vẽ nude và vẽ phụ nữ. Bà thành công với chất liệu sơn dầu và lụa. Lê Công Thành vừa là bạn đời, vừa là người thầy của Kim Thái. Ông đánh giá về tranh Kim Thái: “Thái vẽ hồn nhiên như đứa trẻ thích vẽ”.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 2

"Em gái và con mèo", tranh lụa, 80 cm x100 cm của họa sỹ Kim Thái.

Nhắc đến dòng tranh khắc gỗ Việt Nam không thể không nhắc tới Trần Nguyên Đán. Ông dành cả cuộc đời để theo đuổi đam mê tranh khắc gỗ, một con đường ít họa sỹ lựa chọn. “Trên đời này có những người thấy đoàn người đông rồi, họ vẫn thích nhập vào để đông thêm. Nhưng cũng có những người thấy đoàn người đông thì lặng lẽ đi nhánh khác và nếu chịu khó, họ cũng thành công”.

Trần Nguyên Đán, sinh năm 1941, tại Bắc Ninh. Ông đã vinh dự đón nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 2 năm 2007. “Hà Nội trong tôi”, giành giải nhì, Triển lãm mỹ thuật thủ đô 2006. Tác phẩm tặng chương trình là bản thứ 6, bản đặc biệt, tranh khắc gỗ in trên vải toan, vải vẽ sơn dầu. Tranh khắc gỗ của Trần Nguyên Đán đẹp mộc mạc nhưng không điệu đà.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 3

"Hà Nội trong mắt tôi", Giải nhì Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2016, 70 cm x120 cm, tranh khắc gỗ in trên vải toan, vải vẽ sơn dầu, bản thứ 6, của họa sỹ Trần Nguyên Đán

Họa sỹ Lê Trí Dũng nổi tiếng với tranh ngựa. Nhà thơ Vũ Quần Phương từng làm thơ tặng họa sỹ Lê Trí Dũng: “Nghìn ngựa ào qua đầu ngọn bút/Thân chưa khô mực, đã đường xa/Ngựa ơi đồng đất người thiên hạ/Cỏ nuôi mày vẫn cỏ lòng ta”.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 4

"Bay trên mây" mực nho, cà phê trên giấy dó, 48 cm x80 cm, của họa sỹ Lê Trí Dũng

Một trong những nghệ sỹ ghi dấu ấn cả trong hội họa và văn chương, chính là Đỗ Phấn. Ông cũng là cộng tác viên thân thiết của Báo Tiền Phong. Đỗ Phấn là họa sỹ vẽ bìa cho tất cả ấn phẩm Tiền Phong Chủ Nhật Tết, nhiều năm nay.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 5

"Bạch liên", sơn dầu trên toan, 40 cm x50 cm, của họa sỹ Đỗ Phấn

“Một trong những “đặc sản” của Đỗ Đức chính là tranh giấy dó”, đánh giá của họa sỹ, nhà giáo ưu tú Đoàn Văn Nguyên, Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Đề tài miền núi và người dân tộc thiểu số trở đi trở lại trong tranh Đỗ Đức, ám ảnh người xem. Có thể nói ông là một trong những họa sỹ thông thuộc vùng cao hơn cả.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 6

"Người Lô Lô trên núi", tranh giấy dó, kích thước 50 cm x70 cm của họa sỹ Đỗ Đức

Họa sỹ Hà Trí Hiếu, một thành viên của “Gang of Five”, nhóm họa sỹ đương đại đầu tiên ở ta từng thu hút sự chú ý của người yêu hội họa trong và ngoài nước. Hà Trí Hiếu ghi dấu ấn mạnh mẽ với mô típ gái làng và con vật thân quen của người nông dân Việt Nam, con trâu.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 7

"Trâu", acrylic trên giấy điệp, kích thước 37 cm x51 cm, của họa sỹ Hà Trí Hiếu

Họa sỹ Tô Chiêm là con trai của cố họa sỹ Phạm Tô Chiêm (tên thật là Phạm Văn Tự). Tô Chiêm là họa sỹ được đào tạo bài bản. Anh tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội, đã từng tham gia nhiều triển lãm nhóm nhưng chưa làm triển lãm cá nhân vì chưa tập trung được thời gian. Lặng thầm vẽ, lặng thầm sống, tích cực tham gia những hoạt động thiện nguyện, là lựa chọn của Tô Chiêm.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 8

"Hoa cúc xanh", acrylic trên bìa, 30 cm x35 cm của họa sỹ Tô Chiêm.

Họa sỹ Trần Lưu Mỹ, con trai của cố danh họa Trần Lưu Hậu. Anh chọn trừu tượng để dấn thân. “Tôi vẽ những khoảng trống trong tôi”, anh nói. Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: “Trần Lưu Mỹ đã thoát được cái bóng quá lớn của phụ huynh”.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 9

"Miền quê yên tĩnh", acrylic trên toan, 67cmx87 cm, của họa sỹ Trần Lưu Mỹ

“Trừu tượng là con đường tôi thích nhất. Nó có gì đó thách thức và sự thách thức đó, nó quyến rũ”, họa sỹ Vũ Bích Thủy nói. Vũ Bích Thủy là phu nhân của họa sỹ Đỗ Minh Tâm, một tên tuổi của dòng trừu tượng trong hội họa đương đại Việt. Nữ họa sỹ được đào tạo bài bản: Năm 1995, tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Berlin (Đức). Năm 1996, tốt nghiệp thạc sỹ mỹ thuật, Đại học nghệ thuật Berlin (Đức). Chị học tập và sinh sống ở Đức 15 năm.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 10

"Chiều mùa hè", acrylic trên toan, 40 cm x50 cm, của họa sỹ Vũ Bích Thủy

Họa sỹ Trần Vinh, hiện đang sống và làm việc tại Hải Phòng. Hội họa của Trần Vinh đi qua 3 giai đoạn khác nhau: “Tôi vẽ theo tình cảm. Tôi thích tự do vẽ theo vui, buồn của xã hội, của đời người”. Anh từng có triển lãm cá nhân ở Hồng Kông năm 2012, 2013; Triển lãm cá nhân ở Nhật năm 2017; Triển lãm nhóm ở Dubai, Singapore, Ấn Độ…

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 11

"Hoa hướng dương", sơn dầu, 50 cm x60 cm, của họa sỹ Trần Vinh

Họa sỹ Phạm Thăng Long tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, là họa sỹ tự do của thế hệ Đổi mới. Ông vẽ trên hai chất liệu chính: Sơn mài, sơn dầu. Phạm Thăng Long mê đề tài khỏa thân. Bản thân ông không ngại tuyên bố: Ham chơi, ham thể thao… ham phụ nữ đẹp.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 12

"Nude", sơn mài, 30 cm x40 cm, của họa sỹ Phạm Thăng Long

Nguyễn Mạnh Đức, tức Đức Nhà sàn, là người con thứ 5 của cố nhà văn Kim Lân. Anh mới “tái hôn” với hội họa được vài năm. Lý do trở lại với hội họa được Đức Nhà sàn giải thích đơn giản: “Có những việc không thể chạy theo, thí dụ bây giờ mà đi làm phim là ngại, làm các công trình cũng ngại. Giờ thích ở nhà làm việc, không phải đi lại. Vẽ, ít nhất được ngồi nhà”. Tranh của Nguyễn Mạnh Đức được nhiều người trong nghề đánh giá cao: “Đẹp và Độc”.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 13

"Mẫu tử", 40 cm x80 cm, sơn mài của họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức (Đức Nhà sàn)

Nguyễn Từ Ninh là người con thứ 6 của cố nhà văn Kim Lân. Anh sáng tác chủ yếu trên chất liệu sơn mài và đặc biệt yêu thích đề tài gia đình sum họp, có lẽ bởi anh ở hoàn cảnh “gà trống nuôi con” 20 năm qua. “Tắm” là một trong số ít những bức nude của Nguyễn Từ Ninh. Họa sỹ Đào Hải Phong chính là người “chấm” bức “Tắm” cho chương trình đấu giá tranh trực tuyến lần này của Báo Tiền Phong.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 14

"Tắm", acrylic trên toan, 40 cm x40 cm, của họa sỹ Nguyễn Từ Ninh

Nhà văn Trần Thị Trường từng học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Chị bỏ vẽ rất nhiều năm nhưng tình yêu hội họa chưa bao giờ tắt. Trong những năm tháng mưu sinh xứ người chị vẫn dành không ít thời gian để thưởng lãm tranh ở các bảo tàng, tích lũy kiến thức hội họa. Trở lại cầm cọ khoảng 3 năm nay, được họa sỹ Hải Kiên chỉ bảo tận tình, nhà văn Trần Thị Trường đã sinh nở nhiều tác phẩm với nhiều đề tài khác nhau, trên những chất liệu khác nhau. Tranh của Trần Thị Trường khác văn xuôi của chị. “Phố Hoài” của Trần Thị Trường với hiện thực bề bộn. Tranh của Trần Thị Trường lại nhẹ nhàng, xinh xắn, giàu chất thơ.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 15

"Mùa thu trên những cành hồng", sơn dầu trên toan, 60 cm x80 cm, của nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường.

Lê Anh Hoài là một nhà văn, nhà báo, một nghệ sỹ thị giác. Ở lĩnh vực nào, Lê Anh Hoài cũng tạo dấu ấn về sự khác biệt, thậm chí gây tranh cãi. Vì thế tranh tĩnh vật của Lê Anh Hoài khiến người thưởng lãm ngạc nhiên không ít . Họa sỹ Đỗ Phấn nhận xét: “Tranh tĩnh vật của Lê Anh Hoài là mảng sáng tác gần đây nhất. Có nhiều dấu hiệu của hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp ở cách nhìn, hòa sắc, bố cục. Cụ thể hơn là những tranh tĩnh vật này đã đi sâu vào tìm kiếm cách thể hiện mang dáng dấp hàn lâm. Không phải ai tự học vẽ cũng có thể tiếp cận được những kỹ năng này. Chính vì thế loạt tranh tĩnh vật của anh đã khẳng định được một cách nhìn riêng biệt hấp dẫn”.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 16

"Đài", acrylic trên toan, 50 cm x70 cm, của nhà văn, họa sỹ Lê Anh Hoài

Phan Minh Bạch, sinh năm 1979, là họa sỹ trẻ. Đánh giá về tranh của nữ họa sỹ trẻ, họa sỹ Phan Cẩm Thượng nói: “Mỗi bức tranh thường có một hình người lớn, choán toàn bộ không gian, đứng, đi hoặc nằm, có lẽ tác giả vẽ chính mình, trong nhiều suy tư về cuộc sống, thân phận (của một bà mẹ đơn thân), thăng trầm với số phận riêng tư khó mà chia sẻ. Nét huyền hoặc của bức họa cũng ẩn giấu những tâm tư cô độc, nhưng tìm đến vẻ đẹp siêu nhiên nào đó. Bức họa dường như không có màu, chỉ có sắc độ đen trắng chuyển rất tinh tế, trong cách phối màu mềm mại trên bề lụa. Bức họa có thể đem lại nhiều suy tư, nhưng cũng có thể chỉ là vẻ đẹp thuần túy mà người vẽ tự ảo giác về thân phận mình”.

Trước thềm đấu giá tranh trực tuyến 'Vì trẻ em trong đại dịch COVID-19' ảnh 17

"Ngủ quên quá khứ", lụa, 60 cm x120 cm, của họa sỹ Phan Minh Bạch

MỚI - NÓNG