Đỗ Phấn là cộng tác viên thân thiết của Tiền Phong đã nhiều năm.Hơn nữa, chương trình của Báo Tiền Phong cũng qui tụ được khá nhiều những họa sĩ thân thiết với anh. Họ là những người có chuyên môn rất vững vàng và có thái độ lao động rất bền bỉ từ nhiều năm trước.
Đỗ Phấn chia sẻ thêm: Anh không vẽ được nhiều. “Và càng ngày càng vẽ ít do tuổi cao, mắt kém” Đây là lý do khiến anh ít tham gia những chương trình đấu giá tranh với mục đích từ thiện.
Sự xuất hiện của anh trong chương trình khiến nhiều họa sỹ phấn khích. Họ muốn được ngắm tác phẩm của anh.Tại sao anh ít chịu khoe tác phẩm của mình? Đã bao lâu anh không làm triển lãm cá nhân, tham gia triển lãm nhóm?
Họa sỹ Đỗ Phấn: Cảm ơn báo Tiền Phong đã tạo điều kiện cho tôi được tâm tình với các đồng nghiệp. Thực ra với người cầm cọ thì luôn có xu hướng muốn công bố những việc mình làm. Nhất là với tuổi trẻ thì điều đó càng hết sức quan trọng. Nó như một hoạt động nghề nghiệp có tính trau dồi, học hỏi rất tốt cho việc sáng tác.
Tuy nhiên đến một lúc nào đó cảm thấy mình gần như có rất ít những tìm tòi về nghệ thuật mới mẻ thì việc mang chúng ra công chúng lại không còn cần thiết như trước nữa. Ở lứa tuổi chúng tôi hầu như tranh tượng chỉ còn được làm tăng lên về số lượng mà thôi. Sự tìm tòi cách tân dần trở nên khan hiếm. Và chắc chắn những khán giả cũ của mình cũng không thể thỏa mãn những đòi hỏi sáng tạo của họ.Khoảng 20 năm nay tôi không bày triển lãm nữa. Cá nhân không mà nhóm cũng không. Bày một cuộc triển lãm bây giờ với tôi là một việc quá sức.
Tác phẩm tự họa của tác giả |
Anh là một trong số không nhiều nghệ sỹ ghi dấu ấn cả trong hội họa và văn chương. Bây giờ anh viết nhiều hơn hay vẽ nhiều hơn? Văn chương giúp ích gì cho hội họa?
Họa sỹ Đỗ Phấn: Vẽ vẫn là công việc chính của tôi hàng ngày. Viết lách chỉ chen vào những lúc giải lao thôi. Với tôi thì cái viết cũng quan trọng như vẽ. Nó giúp mình phân tích lí giải rất nhiều thứ mà ngôn ngữ hội họa chưa thể chạm đến được. Và mặt khác, cái vẽ và những tài liệu mĩ thuật lại cho tôi cảm hứng chữ nghĩa khá lâu dài. Tôi có khả năng ghi chép hiện thực bằng hình vẽ hoặc ảnh chụp nhiều hơn là khả năng ghi chép chữ nghĩa. Đó chính là nghề nghiệp tôi được đào tạo. Dùng tài liệu mĩ thuật để viết một quyển sách với tôi dễ hơn so với việc đọc và ghi chép hàng ngày.
A gửi tới chương trình tác phẩm "Bạch liên". Sen đi vào hội họa rất nhiều. Sen của Đỗ Phấn có gì khác lạ?
Họa sỹ Đỗ Phấn: Tôi không ao ước bức tranh của mình có gì đó thật sự làm nên khác biệt. Chuyện đó có thể có nhưng là ở những bức tranh dài hơi, khổ lớn. Với một bức tĩnh vật kích thước nhỏ thì chỉ như một ứng xử tình cảm kĩ thuật thực hiện trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với tôi thì một bức tranh dù nhỏ nhất cũng buộc phải khác với những thứ mình từng vẽ ra rồi. Tôi rất coi trọng tính độc bản của những tranh mình vẽ ra.
"Bạch liên", sơn dầu trên toan, 40 cm x 50 cm, là tác phẩm họa sỹ Đỗ Phấn gửi tặng chương trình đấu giá tranh trực tuyến vì trẻ em trong đại dịch COVID-19. |